Trước đó, ngày 1/12, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi đến Trung tâm y tế, Phòng y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức; cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thành phố về việc chấn chỉnh hoạt động cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị COVID-19.
Theo Sở Y tế TP.HCM, lợi dụng tâm lý lo lắng và nhu cầu dự trữ thuốc điều trị của người bệnh COVID-19, hiện các thuốc kháng virus không có nguồn gốc, xuất xứ đang được chào bán trên mạng với giá cao.
Việc kinh doanh trái phép các thuốc chưa được cấp giấy phép lưu hành có thể dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe như bệnh trở nặng hoặc biến chứng do dùng thuốc giả, dùng thuốc không đúng chỉ định, dùng thuốc cho các đối tượng chống chỉ định hoặc không theo dõi tác dụng phụ.
Để tăng cường kiểm soát hoạt động cấp phát thuốc cho người bệnh COVID-19 điều trị tại nhà và hoạt động kinh doanh thuốc, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Trung tâm Y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức hướng dẫn, tập huấn cho các trạm y tế, trạm y tế lưu động khám bệnh, chỉ định cấp phát thuốc và tư vấn sử dụng thuốc cho người bệnh COVID-19 điều trị tại nhà theo đúng quy định.
Đối với cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu không kinh doanh thuốc chưa được cấp giấy phép lưu hành sản phẩm, thuốc sử dụng trong chương trình thử nghiệm, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Chiều 7-12, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM về việc tăng cường kiểm tra, xác minh việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến.
Theo Bộ Y tế, việc lợi dụng tâm lý lo lắng và nhu cầu dự trữ thuốc điều trị Covid-19 và tình trạng thiếu hụt "túi thuốc C" (gói thuốc được cấp cho bệnh nhân Covid-19 có chứa thuốc Molnupiravir đang thử nghiệm lâm sàng), một số đối tượng trên địa bàn đã rao bán trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến các loại thuốc điều trị Covid-19 có dược chất Molnupiravir là thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng hoặc thuốc nước ngoài chứa dược chất Molnupiravir, Favipiravir chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Việc mua, bán sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch và nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.
Vừa qua, riêng tại địa bàn TP.Hà Nội, Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội đã phát hiện và phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ 34.510 viên thuốc điều trị COVID-19 do nước ngoài sản xuất (trị giá trên 02 tỷ đồng), không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Hiện các vụ việc trên đang được lực lượng chức năng xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Trung tá Ngô Anh Thuấn - Phó đội trưởng Đội 5 - Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Hà Nội cho biết: Toàn bộ số hộp thuốc điều trị này đều chưa được kiểm định chất lượng, không đảm bảo các yêu cầu cấp phép của Bộ Y tế, nếu tiêu thụ trót lọt ra thị trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.