Bún Mạch Tràng và Bỏng chủ - Nét văn hóa ẩm thực của người Cổ Loa xưa và nay

(PLM) - Về Cổ Loa, có lẽ du khách sẽ không còn xa lạ với những địa danh như đền Cổ Loa, am thờ công chúa Mỵ Châu,… nhưng có mấy ai biết tới ở Cổ Loa cũng có những món ăn đặc sản bắt nguồn từ thời vua An Dương Vương và còn lưu truyền cho tới tận bây giờ. Những thứ quà lạ ấy nhắc con cháu đời sau không quên lịch sử nước Âu Lạc, không quên cuộc chiến với quân xâm lược Triệu Đà. Những thứ quà ấy là bún Mạch Tràng và bỏng chủ.
Bún Mạch Tràng và Bỏng chủ - Nét văn hóa ẩm thực của người Cổ Loa xưa và nay

Người dân Cổ Loa hay nói câu: “Về với mảnh đất Cổ Loa, ai chưa thưởng thức món bún Mạch Tràng và bỏng chủ thì coi như chưa về vùng đất này”.

Bún Mạch Tràng được dùng để dâng cúng trong các ngày lễ và trở thành món ăn chính trong ngày Sêu Bà Chúa (bắt nguồn từ ngày 13 tháng 8 đến hết Rằm tháng 8).

Nguyên liệu làm nên món Bún Mạch Tràng

Nguyên liệu làm nên món Bún Mạch Tràng

Tương truyền rằng: “Từ ngàn năm trước, trong lúc chuẩn bị yến tiệc cho lễ dạm hỏi công chúa Mỵ Châu, người đầu bếp nọ chẳng may làm đổ bột gạo vào chiếc rổ đặt trong vạc nước sôi. Hốt hoảng, anh vội vàng nhấc chiếc rổ lên, thì thấy bột gạo đã kết thành những sợi dây dài màu trắng. Tiếc của, lại không biết làm gì với những sợi bột trắng kia, sẵn có rau cần, anh bèn xào trộn cả hai lại với nhau.

Khi yến tiệc được bày lên, vua An Dương Vương lấy làm thích thú khi nhìn thấy thức ăn lạ, với những sợi nhỏ màu sắc trang nhã, mang hương đồng cỏ nội. Nhà vua hết lời khen ngợi. Món bún xào rau cần ngẫu nhiên trở thành món ăn đặc biệt trong thực đơn đãi khách của nhà vua”. Và bún Mạch Tràng bắt nguồn từ đó.

Du khách đến đây sẽ không khỏi ngạc nhiên trước màu sắc của sợi bún. Không mang màu trắng đục như các loại bún khác, bún Mạch Tràng thu hút bởi màu trắng ngà đặc trưng, sợi bún to, mềm, là sợi bún duy nhất xào với cần không bị nát.

Cho dù bún Mạch Tràng đã có bề dày lịch sử gắn bó lâu dài với truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy, nhưng hiện nay, số hộ gia đình làm bún Mạch Tràng không nhiều và chủ yếu làm gia công thay vì thủ công như trước đây.

Không chỉ bún Mạch Tràng thơm ngon nức tiếng thì bỏng chủ cũng được coi là nét đẹp văn hóa ẩm thực của người dân địa phương được lưu truyền từ ngàn đời. Bỏng chủ là một vật tế lễ không thể thiếu trong lễ hội đền Cổ Loa.

Tương truyền, từ thời Âu Lạc, khi để đối phó với quân xâm lược Triệu Đà bên cạnh việc chế tạo vũ khí, Thục Phán An Dương Vương cũng đã truyền lệnh chế biến một loại lương thực cho quân lính, bắt nguồn từ những sản vật của nền văn hóa lúa nước, người dân đã sử dụng nếp cái hoa vàng, kết hợp với những nguyên liệu như: thảo quả, vừng lạc, mật mía…để tạo nên một loại lương khô có tên là Bỏng chủ. Từ đó món bỏng chủ là thực phẩm chính trong những chuyến hành quân của quân dân vào thời đó.

Bánh Bỏng chủ - món anh truyền thống của người dân Cổ Loa

Bánh Bỏng chủ - món anh truyền thống của người dân Cổ Loa

Hiện nay, chỉ còn một số ít gia đình làm nghề bỏng chủ và thường làm vào những ngày lễ Tết để dâng cúng tổ tiên hoặc để dâng lên đền thờ Vua An Dương Vương vào ngày hội đền Cổ Loa.

Theo ông Trần Dưỡng, trước kia làm bún Mạch Tràng có thể coi là nghề nghiệp chính của cả làng, tuy nhiên, đất nước ngày càng phát triển, cũng không còn nhiều nhà lưu giữ nghề làm bún của tổ tiên, hiện nay chỉ còn hai nhà theo nghề bún thủ công và đều là những nghệ nhân có thâm niên trong làng.

Còn về bỏng chủ, bà Ngọc chia sẻ, trước đây bỏng chủ được coi là lễ vật bắt buộc phải có trong các dịp lễ, nhưng sau này bỏng chủ dần được thay thế bằng các vật phẩm khác nên cũng ít nhà làm hơn và thường chỉ làm khi đặt trước hoặc làm vào hội đền Cổ Loa.

Bún Mạch Tràng và bỏng chủ chính là những tinh hoa ẩm thực còn lưu truyền từ thời xa xưa, nhưng việc lưu giữ, bảo vệ và kế thừa nét tinh hoa trong văn hóa ẩm thực này vẫn luôn là điều canh cánh trong lòng không chỉ với những người đã đang tiếp tục theo đuổi nghề truyền thống này mà người dân nơi đây, cũng như khách thập phương cũng mong mỏi nghề làm Bún Mạch Tràng và bỏng chủ không bị mai một theo thời gian.