Thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan tổ chức Diễn đàn “Đổi mới đào tạo Báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số”.
Tham dự có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW; đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục – Quốc hội; đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông. Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu địa phương.
Tham dự diễn đàn có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW; đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục – Quốc hội; đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông. |
Diễn đàn “Đổi mới đào tạo Báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” được tổ chức nhằm trao đổi, đánh giá thực trạng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí truyền thông hiện nay; những mô hình đào tạo báo chí, truyền thông trên thế giới; những cơ hội và thách thức của báo chí trong thời đại công nghiệp 4.0. Đưa ra thông điệp và những giải pháp về đào tạo báo chí, truyền thông thời đại 4.0; đào tạo báo chí gắn với công nghệ số, trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội; đào tạo báo chí, truyền thông theo định hướng phát triển năng lực: Quan niệm, triển vọng và các giải pháp thúc đẩy; chú trọng phát triển và xây dựng nguồn nhân lực. Đổi mới chương trình đào tạo báo chí bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ và truyền thông hiện đại. Qua đó, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, phục vụ chuyển đổi số báo chí, vì sự nghiệp Cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong xu thế công nghệ mới.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng, sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại những cơ hội cũng như thách thức và đang làm thay đổi cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động trong đó có báo chí, truyền thông. Thực tế, nguồn lực báo chí truyền thông hiện nay hầu hết chủ yếu được đào tạo theo hình thức truyền thống nhưng nay phải “gồng mình” để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số. Do đó, công tác đào tạo nguồn lực báo chí truyền thông cần đổi mới phù hợp với xu hướng phát triển của kỷ nguyên số.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn phát biểu tại diễn đàn |
Trên cương vị đại diện cho các cơ quan sử dụng báo chí, Thạc sĩ Vũ Hải Quang, Phó tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã chỉ rõ thực tiễn tiếp nhận nhân lực báo chí và các yêu cầu đối với công tác đào tạo: “Các cơ sở đào tạo đã và đang nỗ lực cung cấp các sân chơi nghề cho sinh viên thực hành nghiệp vụ, nhưng nhiều cơ quan báo chí khi tiếp nhận học viên về thực tập hoặc tuyển dụng đều thấy rằng số đông học viên có vẻ khá về lý thuyết và kỹ năng nghề, nhưng kiến thức nền tảng về chính trị, kinh tế, văn hóa… còn rất thiếu và yếu”.
Thạc sĩ Vũ Hải Quang đưa ra các yêu cầu “3K” với công tác đào tạo: Kiến thức sâu sắc, Kỹ năng (gồm kỹ năng cứng và kỹ năng mềm), Kỹ thuật và Công nghệ. |
PGS, TS Nguyễn Trường Giang, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đề xuất các giải pháp trong đào tạo: “Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực báo chí, đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số, Bộ Thông tin và Truyền thông nên có sáng kiến, gợi mở để có sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan báo chí và các cơ sở đào tạo báo chí trong việc tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng”.- PGS. TS Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
PGS, TS Nguyễn Trường Giang cho rằng Việc đổi mới báo chí cần gắn lý thuyết với thực tiễn, ngoài ra cần có sự kết nối của cơ quan quản lý nhà nước tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên. |
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH KHXH và NV) cũng đề xuất: Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu để ban hành quy định đối với các nhà báo không tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo báo chí trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay, bắt buộc phải được đào tạo báo chí và có chứng chỉ nghề nghiệp báo chí.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương đề xuất đưa các kiến thức về năng lực thông tin, năng lực tiếp nhận thông tin và đạo đức truyền thông thành một nội dung giảng dạy trong môn Giáo dục Công dân tại các cấp học phổ thông |
Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa. Đây là Dự án được triển khai theo phương thức xã hội hóa các nguồn lực có thể đóng góp cho sự phát triển của Báo chí và thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước góp phần chuyển tải các giá trị tốt đẹp đến với xã hội.