Chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được nâng cao
Nếu những năm 60 của thế kỷ trước, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam, khi hết tuổi sinh đẻ có trung bình khoảng 7 con, thì bước vào thế kỷ XXI, mức sinh đã giảm hẳn: Năm 2005 chỉ còn 2,11 con/phụ nữ (mức sinh thay thế), đạt mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/HNTW sớm 10 năm, cũng là mục tiêu của chính sách dân số Việt Nam theo đuổi từ năm 1961. Như vậy, việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ số lượng nhiều, chất lượng thấp sang số lượng ít, chất lượng cao; từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm đầy đủ hơn. Đây thực sự là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở Việt Nam.
Việt Nam hiện đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng và cũng đồng thời trong quá trình già hóa dân số. Nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh, từ 11,9% năm 2019 lên 13,9% vào năm 2023. Nhóm dân số trong độ tuổi từ 15- 59 tuổi năm 2019 là 63,8% đã giảm xuống còn 62,2% năm 2023. Như vậy, Việt Nam đã có 20 năm trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai; dự báo thời kỳ này sẽ kéo dài khoảng 35 năm, tức là đến năm 2040 và lợi thế do “cơ cấu dân số vàng” đem lại càng giảm đi.
Nhờ vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh chính sách dân số trong hơn nửa thế kỷ qua, chất lượng dân số được cải thiện về mặt thể chất, trình độ văn hóa, sức khỏe sinh sản.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến hết năm 2023, dân số trung bình năm 2023 ước tính 100,3 triệu người, tăng 835 nghìn người, tương đương tăng 0,84% so với năm 2022. |
Theo Tổng Cục thống kê, tính đến thời điểm 01/4/2023, 2/3 số dân từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam có trình độ học vấn từ Trung học cơ sở trở lên (chiếm 67%). Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên có xu hướng tăng dần qua các năm, từ 17,2% năm 2014 lên 19,2% năm 2019 và đạt 24,6% năm 2021; trong đó có 14% dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh là 112 bé trai/100 bé gái ở nước ta vẫn ở mức cao và có dấu hiệu tăng chậm lại trong những năm gần đây, dự báo sẽ giảm trong những năm tiếp theo.
Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) năm 2023 ước tính là 12 trẻ em dưới 1 tuổi tử vong trên 1000 trẻ sinh sống, thấp hơn của thế giới và của Châu Á. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) ước tính là 18,2 (trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống) và có xu hướng giảm nhẹ trong những năm vừa qua.
Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Chiều cao đạt được của thanh niên Việt Nam 18 tuổi đối với nam năm 2020 đạt 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010: 164,4cm), nữ năm 2020 đạt 156,2cm (năm 2010: 154,8cm).... Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt Nam năm 2023 là 73,7 tuổi (trong đó, tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,1 tuổi, của nữ giới là 76,5 tuổi), cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Cùng với đó, tuổi thọ trung bình cũng đang tăng lên, ngày càng nhanh và hiện là 74,5 tuổi. Những yếu tố này cũng khiến nước ta bước nhanh vào thời kỳ dân số già.
Những thành tựu mà công tác dân số đạt được tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, nâng cao bình đẳng giới, tiến bộ xã hội; qua đó đã đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các Mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs).
Cần nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của công tác dân số
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác dân số của chúng ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Theo Thạc sĩ. Bác sĩ Trần Ngọc Sinh - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, nhiều mục tiêu gặp khó đạt so với mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Cụ thể, mức sinh có xu hướng giảm sâu và đã xuống thấp nhất từ trước tới nay và dưới mức sinh thay thế (mức sinh của cả nước năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ), với thực trạng này, Việt Nam cũng đang trong quá trình già hóa dân số; dự báo, quá trình già hóa của nước ta chỉ diễn ra trong 23 năm (2012-2035) là dân số đã đạt đến ngưỡng “dân số già”, nghĩa là cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi. Cùng với đó, chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố và có nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm.
Bên cạnh đó, nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình có xu hướng tăng và tình trạng mang thai ở người chưa thành niên còn cao. Theo kết quả điều tra MICS năm 2021, tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi có con ở tuổi chưa thành niên cả nước ở mức 8,2% kéo theo đó là hệ lụy dẫn đến tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên tăng từ 0,4 lên 1%, gấp đôi so với thập niên trước đây.
Ngoài ra, tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người. Năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học và công nghệ của lực lượng lao động có trình độ cao còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, lợi thế của dân số vàng chưa được khai thác hiệu quả. Tốc độ già hóa dân số nhanh và chưa có hệ thống giải pháp phù hợp thích ứng với già hóa dân số…
Đây là những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Những hạn chế về chất lượng dân số nêu trên đã trở thành những rào cản đối với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và làm giảm đóng góp vào tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo Thạc sĩ. Bác sĩ Trần Ngọc Sinh - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, công tác dân số hiện nay ở Việt Nam đã chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển, không còn bó hẹp trong khuôn khổ kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, kết quả thực hiện Nghị quyết 21- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới trong thời gian qua chưa cao, khả năng không đạt được một số mục tiêu then chốt vào năm 2030 là rất lớn.
Thạc sĩ. Bác sĩ Trần Ngọc Sinh - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương. |
Bởi vậy, để nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới, Thạc sĩ. Bác sĩ Trần Ngọc Sinh cho rằng cần chú trọng vào 3 nội dung. Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác dân số trong bối cảnh hiện nay. Từ đó sẽ có các biện pháp huy động được nguồn lực để thực hiện tốt công tác dân số nói chung, đặc biệt là đạt được các mục tiêu nâng cao chất lượng dân số trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Chú trọng tuyên truyền các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Thư hai, là phải tập trung tuyên truyền về kết quả thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW trong thời gian qua, những hạn chế còn tồn tại cần phải được khắc phục; góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa nghị quyết trong thực tiễn. Mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ dân số, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Cùng với đó, thứ ba là Việt Nam cần tăng cường các giải pháp bao gồm tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách tạo việc làm bền vững, cũng như tăng tỷ lệ tham gia lao động, đặc biệt là đối với dân số cao tuổi, hỗ trợ phụ nữ duy trì tham gia thị trường lao động và đầu tư vào y tế, giáo dục./.