Tại buổi tọa đàm “Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Việt Nam” tại Hà Nội, ngày 28/1, đại sứ Phạm Sanh Châu đã chia sẻ những suy nghĩ mà ông luôn đau đáu về Tết Việt.
“Tôi nghĩ rằng không có gì xứng đáng hơn là được trở về quê hương vào dịp Tết, của những người đã trải qua những thời khắc khó khăn nhất, đặc biệt là ở cận kề cái chết, đó là giá trị rất là lớn”. Đó là những suy nghĩ đầu tiên của đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, sau một năm Ấn Độ chịu nhiều mất mát nặng nề về bởi dịch COVID-19.
Lý giải về Tết Việt, đại sứ Phạm Sanh Châu phân tích: Đối với ông, người đi xa trở về, Tết của Việt Nam như một quả nam châm rất lớn, có sức hút một cách khủng khiếp. Nếu như các bạn ở trong nước có thể nhìn thấy quả nam châm ấy hút người ta vào những sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất như thế nào, để mọi người di chuyển. Sức hút ấy còn mạnh hơn ở các nước khác khi mà tất cả mọi người chỉ chờ đợi có chuyến bay để trở về. Để có thể thấy rằng qua sự trải nghiệm lần này, định nghĩa của tôi là gì, định nghĩa của tôi là: Một quả nam châm có sức hút rất lớn.
“Định nghĩa thứ hai qua trải nghiệm này là tôi đã ở rất nhiều nước, đặc biệt Ấn Độ là một nền văn hóa rất lớn, với rất nhiều Tết, lễ hội. Ở một đất nước đa lễ hội, đa sắc tộc như Ấn Độ, nhìn lại Tết của Việt Nam mới thấy rằng Việt Nam mình có một cái Tết rất đặc biệt. Tại sao lại đặc biệt?”. Đại sứ Phạm Sanh Châu đã tự đặt ra câu hỏi về sự khác biệt của Tết Việt với những lễ tết khác trên thế giới.
Theo ông, thứ nhất, là sự đoàn tụ và trở về, vì Tết là thời khắc thiêng liêng nhất. Tuy nhiên không chỉ có Tết Việt, Noel người ta cũng có gắng ngồi quanh lại với nhau bên cạnh cây thông, hay là ngày lễ Tạ ơn, người ta cũng cố gắng ngồi lại ăn một con gà tây,… Vậy thì tính “ở cùng với nhau” (Together need) ấy, không phải chỉ có Tết Việt mới có. Nhưng Tết Việt khác ở chỗ nào? Tết Việt khác ở chỗ có một màu sắc khác, rất rực rỡ màu hoa, màu trang trí. Nhưng các nước khác cũng có, Noel có cây thông Noel, lễ hội ánh sáng thì cả thành phố thắp đèn ánh sáng,… Dường như Tết là cái mà chúng ta sẽ làm những cái mà ngày thường chúng ta không làm, hoặc chúng ta làm rất ít. Chúng ta ít quan tâm đến nhau hơn vào ngày thường, ngày Tết chúng ta rất quan tâm. Chúng ta ít nhớ về tổ tiên hơn thì ngày Tết là thời kỳ chúng ta nhớ về tổ tiên. Chúng ta ít nghe đến những giai điệu như là Chèo, như là Xẩm, vì trong cuộc sống bận rộn ngày thường chúng ta không để ý được, thì Tết là sự trở về của gốc, của văn hóa, của âm nhạc, tự nhiên chúng ta nghĩ là Tết rồi, chúng ta phải thắp hương, hay tết rồi chúng ta phải nấu lên một nồi rau mùi chẳng hạn, vào thời điểm ấy người ta đòi hỏi một cái gì đấy rất đặc biệt.
|
Đặc biệt nữa là độ dày của Tết Việt Nam. Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ: “Tôi chắc chắn rằng không có Tết nào lại dài như thế, bởi bắt đầu 20 mà tôi đã cảm thấy Tết rồi, ở đâu cũng nói chuyện Tết. Tết chúng ta không phải là ngày mùng 1, Tết chúng ta hình như bắt đầu từ rằm tháng Chạp là bắt đầu rục rịch của Tết, rồi chạy qua Tết đến tận Rằm, tức là gần 1 tháng. Vậy nghĩa là công tác chuẩn bị rất công phu và công tác tận hưởng cũng rất dài với rất nhiều cung bậc.Ở đây có thể nói thêm một chút về yếu tố thời tiết, nếu như không có cái se lạnh, dường như Tết cũng giảm đi”.
“Tôi đã từng phụ trách ngoại giao văn hóa. Qua sự trải nghiệm, tôi thấy rằng: Sức mạnh mềm của Việt Nam, phải chăng là nằm ở chính cái Tết?. Như sức mạnh mềm của Ấn Độ nằm ở đâu, nằm ở Yoga, nằm ở Phật Giáo, vì Ấn Độ là nơi sinh ra Đức Phật, và là nơi Đức Phật thành đạo”. Nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu nhấn mạnh.
Phạm Sanh Châu là nhà ngoại giao có hơn 38 năm hoạt động đối ngoại.
Ông hiện là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ấn Độ kiêm Nepal và Bhutan. Ông là người đưa đám cưới tỷ phú Ấn Độ vào Việt Nam, thiết kế đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ông đã sơ tán hơn 1.000 công dân Việt Nam rời Ấn Độ trong hai đợt dịch vừa qua.
Ông Phạm Sanh Châu đã trải qua nhiều vị trí trong ngành Ngoại giao như: nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh châu Âu, Bỉ, Luxembourg, Tổ chức Unesco, Tổ chức Pháp ngữ.
Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên tranh cử chức Tổng giám đốc Tổ chức Unesco.