Hạ Lang cách thành phố Cao Bằng khoảng 75 km về phía Đông Bắc theo Tỉnh lộ 207. Huyện có 13 đơn vị hành chính, bao gồm 01 thị trấn và 12 xã. Hạ Lang có địa hình phức tạp, do kiến tạo địa chất thấp dần từ Tây sang Đông, núi cao, hiểm trở, chia cắt mạnh, có nhiều nếp gãy khổng lồ từ 5 đến 10 km tạo nên những khe sâu, hang động có vẻ đẹp kỳ vĩ. Trên địa bàn huyện có 3 dân tộc Tày, Nùng, Kinh sinh sống, trong đó người Tày, Nùng là chủ yếu, chiếm khoảng 97%. Bà con các dân tộc cư trú xen kẽ bên nhau thành làng, bản, khu dân cư, tạo nên một bức tranh đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc.
Những bản làng bình yên |
Đặc sắc những di tích, danh thắng quốc gia
Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Hạ Lang Nguyễn Phương Huy say sưa nói về những di tích, những thắng cảnh trên địa bàn huyện với một niềm tự hào cùng những trăn trở để làm sao những địa danh này được nhiều du khách biết tới hơn, để Hạ Lang thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Cao Bằng.
Nằm trên một cánh đồng xóm Huyền Du thuộc địa phận thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, chùa Sùng Phúc là một ngôi cổ tự, được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông (1278 - 1293). Ban đầu chùa được dựng trên núi Pò Kiền có tên là Sùng Khánh, sau làng Nà Ến, sung quang có rừng cây cổ thụ bốn mùa xanh tươi. Vào thời Trần, Phật giáo hựng thịnh, chùa chủ yếu thờ Phật và thờ những người có công trấn giữ vùng biên ải, đến thời Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) chùa đổi tên thành Sùng Phúc mới được dời đến vị trí hiện nay. Tại đây, ngoài việc thờ Quan Âm bồ tát còn phối thờ Thiên Vương đại thần tức Hoàng Nghệ ở châu Tư Lang (Hạ Lang), người đã tham gia chống quân Nguyên Mông lần thứ ba, bảo vệ ba tổng Lệnh Cấm, Vĩnh Thọ, Phong Đằng; Thành hoàng Nguyễn Thành Vương (tức Nguyễn Đình Bá, quê thôn Bình Dân, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, là tri châu Tư Lang, sau làm Đốc đống ở Cao Bằng.
Chùa Sùng Phúc còn thờ bà Nguyễn Thị Duệ, đỗ tiến sỹ đầu bảng trường quốc học Bản Thảnh Cao Bằng (triều Mạc), là nữ tiến sỹ duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam.
vào mùa xuân vùng đất này có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống |
Trên địa bàn Hạ Lang còn có một danh thắng cấp quốc gia khá nổi tiếng. Đó là Động Dơi, nằm ở xã Đồng Loan. Năm 2014, Động Dơi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Danh thắng quốc gia. Động Dơi nằm trên lưng chừng một ngọn núi của xóm Lũng Súm (nay là xóm Đồng Tâm), có kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm với chiều dài hang khoảng 930m, cao trung bình từ 60 – 80m.
Động Dơi có kiến tạo gồm 3 khoang được ngăn cách nhau bởi những vách đá. Khoang thứ nhất có những nhũ đá hình thù kỳ thú, nhiều màu sắc và nhiều hồ nước nhỏ. Khoang thứ hai dài 200m với những khối thạch nhũ hình ngọn núi, ruộng bậc thang, thác vàng, thác bạc... Khoang thứ ba khá lớn, được kiến tạo uốn lượn theo hình bán nguyệt, khoang này có điểm đặc biệt là có những cây măng đá từ trần động rủ xuống cân xứng hài hòa với những cây măng đá nhô lên khỏi nền động. Đi sâu vào phía trong, du khách sẽ thấy nhiều khối thạch nhũ màu vàng khổng lồ trông như những cột đá chống đỡ trần động.
Tại xã Đồng Loan, cách Động Dơi khoảng 3km còn có đền Tô Thị Phúc Thần, năm 2011 đền đã được UBND tỉnh Cao Bằng công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đền nằm ở chân núi Phia Roan (núi Xuân Sơn), xóm Bản Lung, (nay là xóm Đồng Tâm) được xây bằng đá, lợp ngói âm dương.
Trải nghiệm khó quên nơi miền xanh thẳm
Ngoài những điểm trên, du khách đến Hạ Lang sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước phong cảnh thiên nhiên của một huyện biên giới.
Xuôi theo dòng Quây Sơn từ thác Bản Giốc về hướng cửa khẩu Lý Vạn (xã Lý Quốc) khoảng 12km, thác Hoa (Thoong Lài) được du khách ví như "thác Bản Giốc thu nhỏ" của Cao Bằng vì cũng có thác chính, thác phụ, hồ nước dưới chân thác và cảnh sắc tương đồng. Nhiều du khách lần đầu đến thác Hoa đã ngẩn ngơ trước khung cảnh thiên nhiên quyến rũ, đặc trưng của miền non nước Cao Bằng. Thích nhất là có rất nhiều phong cảnh tuyệt đẹp để chụp ảnh, check-in và được tận hưởng bầu không khí trong lành.
Là điểm đến mới được khám phá nên thác Hoa còn nguyên nét hoang sơ tự nhiên. Trong khu vực trải dài khoảng 1km quanh thác Hoa là những hồ nước xanh trong, núi non hùng vĩ, cây cối um tùm cùng dòng thác trắng xóa, tạo nên cảnh sắc sơn thủy hữu tình.
Thác Hoa |
Thác Hoa đẹp nhất vào mùa mưa, từ khoảng tháng 5 tới tháng 7 hàng năm. Đối với những du khách ưa mạo hiểm, thích chinh phục thiên nhiên thì nên đến đây vào mùa mưa để có những trải nghiệm tuyệt vời. Khu vực chân thác còn thích hợp với một số môn thể thao như chèo thuyền SUP, kayak, bè mảng, bơi lội... vô cùng thú vị.
Từ khu vực thác Hoa, du khách cũng có thể ghé thăm làng đá cổ Nà Vị tại xã Minh Long, cách đó không xa. Nà Vị nép mình dưới chân núi Phja Cao, xung quanh là màu xanh mướt của những rặng tre và đồng ruộng mênh mông. Làng đá cổ với gần 100 ngôi nhà đá nhuộm màu thời gian trăm năm cùng nét văn hóa của bà con người Tày đang được tỉnh quy hoạch trở thành một làng du lịch cộng đồng với quy mô bảo tồn nhiều nhà đá nhất ở Cao Bằng.
Hoa dã quỳ ở Hạ Lang |
Với những tín đồ thích chụp ảnh thì háo hức chờ ngày được đi chụp ảnh với hoa dã quỳ. Cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 80km, theo tuyến đường về các huyện miền Đông, du khách có dịp đến xã Thái Đức cũ (nay là xã Thống Nhất), xã Thị Hoa, để được chiêm ngưỡng những vạt núi tít tắp hoa dã quỳ bung nở rực rỡ. Vào khoảng giữa tháng 11, 12, hoa dã quỳ ở Thống Nhất và Thị Hoa nở rộ, nhuộm vàng rực cả một vạt núi như những mặt trời nhỏ mang đến cho du khách những bức hình đẹp mê hồn. Loài hoa với vẻ đẹp hoang dại cùng với không khí trong lành, khung cảnh nên thơ mà hoang sơ sẽ khiến cho du khách cảm thấy bình yên khi đặt chân đến vùng đất biên viễn này.
Cách thị trấn Thanh Nhật khoảng 10km, đồi thông thuộc địa phận xóm Khau Lừa (nay là xóm Làn Lừa), xã Vinh Quý là một địa điểm mới được giới trẻ tìm đến trong thời gian gần đây để cắm trại, dã ngoại cùng gia đình, bạn bè.
Ngoài ra, Hạ lang còn có nhiều điểm du lịch mang đến nhiều trải nghiệm thú vị khác như: Cây nghiến di sản tại xã Kim Loan; các điểm công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng (Đại dương cổ, Lục địa cổ tại xã Minh Long, đồn Pháp tại xã Lý Quốc, Tay cuộn tại xã An Lạc).. Các di tích, danh lam trên địa bàn chưa được xếp hạng như: Thành nhà Mạc, Ngườm Khu (xã Minh Long), hang Ngườm Én (xã Đồng Loan), hang Khò Mạ (xã Thắng Lợi), ngườm Riềm (trị trấn Thanh Nhật) (bỏ ngườm Riềm đi vì đây là khu vực Quốc phòng), Ngườm Cốc Bó (xã Thị Hoa)…
Đồi Thông xã Vinh Quý |
Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Phương Huy, không chỉ chú trọng gìn giữ và phát huy cảnh sắc thiên nhiên, Hạ Lang còn đặc biệt chú ý giữ gìn và phát huy nét văn hóa các dân tộc. Năm 2014, huyện khôi phục Hội giao duyên Thang Nà, Bản Kiểng (xã Quang Long) diễn ra vào ngày 16/4 Âm lịch hàng năm. Hạ Lang đã thành lập 14 phân Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tại các xã hoạt động hiệu quả. Hằng năm, huyện tổ chức tốt các lễ hội như: Lễ hội Chùa Sùng Phúc; Lễ hội giao duyên Thang Nà; Hội Pò Nà (xã Việt Chu), nay là xã Thống Nhất; Hội Phja Đán (xã Thị Hoa)…
Múa Rồng tại Lễ hội chùa Sùng Phúc |
Các lễ hội được duy trì tổ chức tạo không gian diễn xướng làn điệu dân ca mang đậm đà bản sắc dân tộc như: Hát đối đáp giao duyên, sli, lượn then... Qua các lễ hội, không chỉ thu hút du khách, tạo các điểm nhấn hoạt động du lịch mà còn nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Về văn hóa ẩm thực, Hạ Lang có đặc sản nổi tiếng được du khách thập phương biết đến đó là: sản phẩm bún khô Hạ Lang, bánh khảo tàu dùng tại trung tâm phố huyện, sản phẩm đường phên tại xóm Lũng Đốn, Thị trấn Thanh Nhật…
Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Phương Huy cho biết, phát triển kết cấu hạ tầng luôn được huyện xác định là khâu đột phá, nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cơ bản thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy cũng như thu hút đầu tư cho du lịch.
Cũng theo ông Nguyễn Phương Huy, việc triển khai đầu tư về du lịch trên địa bàn huyện thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch cũng như kinh doanh dịch vụ du lịch đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Các di tích lịch sử đã được quan tâm đầu tư, tôn tạo; khách du lịch ngày càng tăng; các sản phẩm du lịch có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường, hoạt động xúc tiến, quảng bá đã đem lại hiệu quả đáng khích lệ. Một số tuyến, điểm du lịch, khu du lịch đang được khảo sát và triển khai thực hiện.
Hoa trạng nguyên tô đẹp bản làng |
Tuy nhiên, các điểm du lịch chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng về du lịch, chưa có sự kết nối với các điểm du lịch nên chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương.
Nói về thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025 của huyện Hạ Lang, Chủ tịch Nguyễn Phương Huy cho biết: Ban Chỉ đạo huyện đã thông qua dự thảo quy chế hoạt động thực hiện Chương trình đột phá về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, qua đánh giá thực trạng hoạt động du lịch của địa phương, thời gian tới, Hạ Lang tập trung thực hiện nhiệm vụ đột phá về công tác quy hoạch, quản lý phát triển du lịch cho phù hợp với phát triển từng vùng theo hướng ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ, thương mại, du lịch một cách đồng bộ.
Cánh đồng hoa tam giác mạch |
Huyện tập trung huy động các nguồn lực theo hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông phục vụ tham quan du lịch tại các điểm di sản địa chất; xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh; mở các lớp dân ca, dân vũ tại địa phương; tổ chức triển khai đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, dịch vụ, các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm có quy mô sản xuất phù hợp, trong đó tập trung vào phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có thế mạnh; đổi mới cách thức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, ứng dụng công nghệ hiện đại để đưa hình ảnh thiên nhiên và con người Hạ Lang đến với du khách trong ngoài nước.