Hòa Bình: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư

(PLM) - Nhằm hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong thời gian qua tỉnh Hòa Bình đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, mở rộng khả năng tiếp cận vốn…
Hòa Bình: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính

Nhằm hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách hành chính. Hiện nay, tỉnh đã ban hành 1.113 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 745 dịch vụ công trực tuyến 1 phần.

Những nỗ lực, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh xếp thứ 23; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 43; Chỉ số PCI cải thiện được 9 bậc. Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được cấp trong ngày, trường hợp phức tạp thực hiện không quá 2 ngày.

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình thường xuyên tiếp xúc đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp; duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm; thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang loại hình doanh nghiệp. Tỉnh Hòa Bình hỗ trợ các doanh nghiệp gặp vướng mắc trong vay vốn tại các ngân hàng thương mai trên địa bàn tỉnh. 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 320 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; thu hút 32 dự án đầu tư.

Tại Hội nghị gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình diễn ra vào tháng 10/2023 đã có 19 ý kiến, kiến nghị thuộc 5 lĩnh vực về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhà đầu tư, gồm: Quy hoạch; đầu tư công; đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, điều kiện triển khai dự án, như: Giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai, đất đắp, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng…; cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Hội nghị gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Hội nghị gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư kiến nghị tỉnh Hòa Bình sớm phê duyệt quy hoạch các điểm xử lý rác thải, điểm trung chuyển rác ở các địa phương; xem xét chủ trương điều nh, cắt giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; tăng cường công tác quản lý đô thị tại trung tâm gắn với nhu cầu phát triển; ban hành hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết hồ sơ, thủ tục cho các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đấu giá các khu đất có giá trị thương mại cao; đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng; tăng cường quản lý công tác quy hoạch các dự án tại các địa phương.

Các doanh nghiệp đề nghị tỉnh Hòa Bình nghiên cứu, xem xét tính giá thuê đất thương mại, dịch vụ ở trung tâm các huyện, thành phố cho phù hợp. Quan tâm bổ sung thêm vốn cho quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp…

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương đã trao đổi, giải đáp các ý kiến về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Sau khi lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương đã giải đáp, trả lời thẳng thắn, chi tiết theo từng lĩnh vực. Từ đó các đơn vị này đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những ý kiến tham gia, chia sẻ trách nhiệm, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với những khó khăn chung mà tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang đối mặt trong thời gian vừa qua. Ông Bùi Văn Khánh làm rõ thêm những vấn đề mà doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương có liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp tập trung giải quyết, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, đúng quy định, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Trên thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, ngày 29/7/2021, tại Kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình Khóa XVII đã thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Việc ban hành đã cụ thể hóa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh Hòa Bình đưa ra các giải pháp, cơ chế, chính sách ưu đãi và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương trong xây dựng, triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và vừa; đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao trong quá trình thực hiện.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành thường xuyên rà soát, bổ sung các dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất vào quy hoạch sử dụng đất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện thủ tục về đất đai.

UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn số 2008/HD-UBND, ngày 20/10/2021 và Hướng dẫn số 1566/HD-UBND, ngày 12/9/2022 về trình tự thực hiện dự án đầu tư không sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tiếp cận khai thác lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã giúp doanh nghiệp của tỉnh duy trì sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã giúp doanh nghiệp của tỉnh duy trì sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được hỗ trợ 30% giá thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp (bao gồm chi phí thuê hạ tầng, tiền thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và phí sử dụng hạ tầng), tối đa không quá 100 triệu đồng cho 1 dự án/năm; hỗ trợ 100% lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh và phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa pháp luật, thủ tục hành chính thuế, sử dụng phần mềm kế toán doanh nghiệp, chế độ kế toán do Sở Tài chính, Cục thuế tỉnh thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Những điều kiện thuận lợi mà tỉnh Hòa Bình tạo ra có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn.

Hệ thống các ngân hàng thương mại trong thời gian đã tích cực mở rộng mạng lưới hoạt động, đa dạng hoá các hình thức huy động vốn, đa dạng đầu tư cho vay tới các thành phần kinh tế. Mạng lưới ngân hàng được mở rộng đến hầu hết các phường, xã và cụm liên xã, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận.

Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện khá nghiêm túc chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng, có kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với mức tăng trưởng của nền kinh tế theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và của cấp uỷ chính quyền địa phương.

Nguồn vốn từ các ngân hàng đã đóng góp lớn trong đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh. Đầu năm 2023, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp vướng mắc trong việc vay vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 35.712 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng khoảng 48,8%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng khoảng 23,5%/tổng dư nợ.

Quỹ đầu tư phát triển tỉnh hiện đang phát triển ổn định và tăng trưởng cả về quy mô, chất lượng. Đây là nguồn lực tài chính để doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Hiện tại vốn hoạt động của Quỹ là 251 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ được cấp là 225 tỷ đồng.

Từ nguồn Quỹ, tỉnh đã thực hiện cho vay đối với 17 khách hàng, đầu tư 55 dự án với tổng số vốn cho vay theo Hợp đồng tín dụng đã ký là 395,6 tỷ đồng. Trong đó, số vốn đã giải ngân là 361,4 tỷ đồng và số vốn đã thu hồi là 193 tỷ đồng. Dư nợ vốn vay đến thời điểm hiện tại là 168,4 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng tốt, không phát sinh nợ xấu.

Cùng chuyên mục