Lâm Đồng: Chú trọng công tác tuyên truyền về bình đẳng giới

(PLM) - Việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bình đẳng giới cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến tuyên tuyền, nâng cao nhận thức về công tác này.
Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2024 tại Lâm Đồng.
Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2024 tại Lâm Đồng.

Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới đa dạng, phong phú

Để thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 -2030, Sở LĐ-TB&XH - cơ quan thường trực của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã cùng với các cấp, các ngành có liên quan chủ động tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch số 2167/KH-UBND ngày 12/4/2021 về triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu; ngoài ra UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5658/QĐ-UBND ngày 10/8/2021 về triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch số 1073/KH-UBND ngày 23/02/2022 về triển khai Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trên cơ sở các Kế hoạch giai đoạn của tỉnh, các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện hằng năm. Nhìn chung, việc xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược bình đẳng giới cho từng giai đoạn và hàng năm của tỉnh, của các sở, ngành đã bám sát vào chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.

Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới đã được chú trọng. Cụ thể, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới đã được các đơn vị, địa phương triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú: tổ chức hội nghị tập huấn đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức; in ấn cấp phát tài liệu, sách, báo, tạp chí, tranh ảnh, tờ rơi, tờ gấp; treo băng rôn, lắp đặt khẩu hiệu; thực hiện các phóng sự, chuyên mục phổ biến và giáo dục pháp luật trên Đài Phát thanh - Truyền hình; xây dựng các mô hình câu lạc bộ; đăng tải tin, bài trên Website, Facebook, Fanpage, Zalo… về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ…

Theo đó, Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng đã xây dựng 250 phóng sự và tin, bài, ảnh tuyên truyền về những hoạt động tiêu biểu của phụ nữ cũng như các thông tin, tình hình liên quan đến công tác bình đẳng giới và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến phụ nữ và trẻ em, tuyên truyền các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, các hoạt động văn hóa - văn nghệ; thể dục - thể thao và các hình thức khác được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tích cực góp phần nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò của người phụ nữ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ nhằm phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và hành động đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới theo chương trình, mục tiêu đề ra.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Lâm Đồng cũng tâp trung đổi mới tổ chức, bộ máy thực hiện công tác bình đẳng giới.

Hiện nay, toàn tỉnh có 3 công chức chuyên trách làm công tác bình đẳng giới cấp tỉnh, 12 công chức kiêm nhiệm công tác bình đẳng giới cấp huyện, 142 cán bộ kiêm nhiệm công tác bình đẳng giới cấp xã. Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới thường xuyên luân chuyển, thiếu ổn định, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bình đẳng giới, đặc biệt là cán bộ làm công tác bình đẳng giới tại cấp huyện, cấp xã.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới cũng được chú trọng. Các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh cũng đã thực hiện lồng ghép nội dung thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong các cuộc thanh tra, kiểm tra tại đơn vị mình. Các nội dung kiểm tra gồm: thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động, đặc biệt là đối với với lao động nữ như chế độ nghỉ thai sản, điều kiện làm việc phù hợp với phụ nữ; kiểm tra công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chương trình quốc gia về bình đẳng giới; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo bảo vệ quyền bình đẳng, quyền phụ nữ cho phụ nữ được chính quyền, các ngành chỉ đạo giải quyết kịp thời, công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật về bình đẳng giới được chú trọng, thông qua hoạt động giám sát đã tạo sự chuyển biến nhận thức, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành trong việc triển khai, thực hiện Luật Bình đẳng giới.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới

Theo Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng, việc triển khai công tác bình đẳng giới trên địa bàn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên, liên tục của thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đạt được nhiều kết quả nhất định; Vấn đề lồng ghép giới vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được các cấp các ngành, địa phương quan tâm. Một số kết quả thực hiện bình đẳng giới của tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Bên cạnh đó, công tác bình đẳng giới vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm thường xuyên trong việc triển khai công tác bình đẳng giới. Có địa phương triển khai nhưng còn mang tính hình thức, chưa tích cực; Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa, nhận thức của người dân tộc thiểu số chưa đồng đều; Khoảng cách giới vẫn còn khá lớn, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại và phần lớn nghiêng về phụ nữ, nhất là đối với phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng sâu, vùng xa…

Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới luôn được tỉnh Lâm Đồng chú trọng quan tâm.

Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới luôn được tỉnh Lâm Đồng chú trọng quan tâm.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng cho rằng cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 2167/KH-UBND ngày 12/4/2021 về triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch số 1732/KH-UBND ngày 24/3/2021 về triển khai Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch số 5658/KH-UBND ngày 10/8/2021 về việc triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”; Kế hoạch số 1073/KH-UBND ngày 23/02/2022 về việc triển khai Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”; Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”,

Giải pháp nữa là tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ở các cấp, các ngành là nhiệm vụ quan trọng. Các hoạt động tuyên truyền và giáo dục cần huy động sự tham gia của nam giới, trẻ em trai và lãnh đạo là nam nhằm thay đổi thái độ tiêu cực và thúc đẩy hành vi chia sẻ việc nhà và một số nội dung liên quan.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ nữ trong quy hoạch, trong đào tạo, bồi dưỡng, trong bổ nhiệm nhằm thực hiện có hiệu quả bình đẳng giới và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cần có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng, đại biểu HĐND các cấp theo quy định của Đảng và Nhà nước; Cần có sự phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành để triển khai thực hiện các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia bình đẳng giới đồng bộ, nhịp nhàng và có hiệu quả. Giải pháp thiết thực nhất là quan tâm, triển khai công tác thống kê, báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng, để nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách đối với lao động nữ trong giải quyết việc làm, đào tạo nghề; tạo điều kiện để phụ nữ nghèo được vay vốn giảm nghèo và vốn tín dụng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Qua đó góp phần tạo nhiều cơ hội việc làm, trong đó lao động nữ ở doanh nghiệp, ở nông thôn có cơ hội tiếp cận môi trường và việc làm phù hợp nhất…

Cùng chuyên mục