Lào Cai: Vi phạm tại Vườn Vô Cực liệu đang được hợp thức hóa? – (Bài 4)

(PLM) - UBND thị xã Sa Pa là đơn vị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho phép chuyển đổi gần 10.000m2 từ đất trồng cây hàng năm khác sang đất ở đô thị tại khu “Vườn Vô Cực”, dù trước đó tại khu đất này đang có những vi phạm về đất đai chưa được xử lý. Mới đây, UBND thị xã Sa Pa đã có thông báo và ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận và huỷ bỏ việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đối với gần 10.000m2 được chuyển đổi trên, lý do được đưa ra là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai. Nhìn lại những vi phạm đã diễn ra tại đây để thấy trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm cũng cần phải được làm rõ.
Toàn cảnh khu “Vườn Vô Cực” từ trên cao.
Toàn cảnh khu “Vườn Vô Cực” từ trên cao.

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin tại các bài viết trước đó, ngày 27/5/2021, UBND thị xã Sa Pa ban hành Quyết định số 78/QĐ-UBND về việc cho phép ông Đỗ Trọng Nguyên và ông Hoàng Công Tuấn chuyển đổi 9.766,7m2 đất trồng cây hàng năm khác sang đất ở đô thị. Vị trí chuyển đổi thuộc khu đất có tổng diện tích 4,5 héc-ta nằm tại Tổ 3, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đáng chú ý, trước khi việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất này diễn ra khoảng 2 tháng thì các cá nhân là chủ sở hữu đất này đã có những vi phạm về đất đai khi xây dựng trái phép nhiều công trình, hạng mục kiên cố với diện tích 800m2 trên đất trồng cây hàng năm.

Sau hơn 1 năm, UBND thị xã Sa Pa ban hành thông báo số 694/TB-UBND ngày 19/12/2022 về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng 9.766,7m2 đất ở đô thị đã cấp cho ông Đỗ Trọng Nguyên và ông Hoàng Công Tuấn. Thì đến ngày 22/3/2023, UBND thị xã Sa Pa tiếp tục ban hành Quyết định số 526/QĐ-UBND về việc "Huỷ bỏ cho phép chuyển đổi 9.766,7m2 đất trồng cây hàng năm khác sang đất ở đô thị" tại khu Vườn Vô Cực.

Ở cả 2 văn bản nêu trên, UBND thị xã Sa Pa cùng nêu lý do việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đảm bảo theo Khoản 2, Điều 158 của Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, khoản 2, Điều 158 Luật Đất đai nêu rõ: “Trong trường hợp đặc biệt cần thiết phải sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh vào mục đích khác thì việc chuyển mục đích phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xếp hạng đối với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó”.

Liên quan đến việc thu hồi này, ông Cấn Xuân Trọng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sa Pa thừa nhận, trong số gần 10.000m2 này có hơn 6.000m2 đất nằm trong phần diện tích đất “Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Sa Pa”.

Ông Cấn Xuân Trọng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sa Pa.

Ông Cấn Xuân Trọng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sa Pa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 18/10/2013, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 3578/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Sa Pa tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Việc sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Sa Pa mà cụ thể ở đây liên quan đến 6.000m2 đất nằm trong khu Vườn Vô Cực phải xin ý kiến và được sự chấp thuận của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Bởi vậy, việc UBND thị xã Sa Pa đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho phép chuyển đổi 6.000m2 nằm trong ranh giới Ruộng bậc thang Sa Pa khi chưa xin ý kiến của của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và chưa thực hiện việc quy hoạch chi tiết là không phù hợp theo quy định của pháp luật.

Mặc dù, đã ban hành các quyết định thu hồi Giấy chứng nhận, huỷ bỏ việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Thế nhưng, tại lần kiểm tra, rà soát lại mới đây của UBND Thị xã Sa Pa lại cho rằng, một số công trình vi phạm tại khu Vườn Vô Cực nằm trên phần diện tích đất ở đô thị.

Khu “Vườn Vô Cực” nằm trong ranh giới Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Sa Pa.

Khu “Vườn Vô Cực” nằm trong ranh giới Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Sa Pa.

Trong đó, có 2 công trình xây dựng trên diện tích đất ở, 3 công trình xây dựng trên một phần đất ở và 11 công trình xây dựng trên đất nông nghiệp. Điều đáng nói, toàn bộ 16 hạng mục công trình tại đây đều không có giấy phép xây dựng và không được các cơ quan chức năng của thị xã Sa Pa cấp phép.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng: “Trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã, nơi mà có công trình vi phạm xảy ra. Thứ hai, thuộc trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp huyện là những cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn thiếu việc kiểm tra và giám sát để xảy ra vi phạm”.

Trên cơ sở của Báo cáo số 291/BC-TCT ngày 28/4/2023 của UBND Thị xã Sa Pa, sau khi xin ý kiến của Thường trực Thị uỷ Sa Pa thì đến ngày 19/5/2023 UBND thị xã Sa Pa đã ban hành Quyết định số 1746/QĐ-UBND-ĐT cho biết các công trình xây dựng trên đất ở, một phần trên đất ở là đúng mục đích sử dụng đất và không vi phạm quy hoạch. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa xin phép và phải hoàn thành thủ tục xin cấp phép trong 30 ngày. Còn đối với các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chủ đầu tư phải tự tháo dỡ, trường hợp không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế xong trước ngày 31/7/2023.

Chiểu theo quyết định mới nhất này, dư luận đặt câu hỏi “Phải chăng UBND thị xã Sa Pa đang hợp thức hoá cho những vi phạm này?” Bởi trước đó, UBND thị xã Sa Pa đã ban hành quyết định thu hồi và huỷ bỏ việc cho phép chuyển mục đích sang đất ở đô thị cũng như thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở tại đây.

Luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng: “Nếu một công trình xây dựng trên đất nông nghiệp mà được hợp thức hoá để tồn tại không khác nào ‘con voi chui lọt lỗ kim’, bởi chúng ta đều biết đất đai là một tài sản đặc biệt được quy định rất chi tiết về các mục đích sử dụng đất như đất ở, đất nông nghiệp hay thương mại dịch vụ. Tuỳ theo mục đích sử dụng đất, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ hướng dẫn, ban hành các giấy phép theo quy định của pháp luật. Như vậy, không thể cấp phép cho một công trình kiên cố đã được xây dựng trên đất nông nghiệp được”.

“Rõ ràng chúng ta thấy việc công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trong mấy năm mà vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí vi phạm còn tiếp tục diễn ra thì đây là dấu hiệu của việc bao che, có hay không lợi ích nhóm ở đây để dẫn đến việc tư lợi, tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật. Tôi cho rằng UBND cấp tỉnh cần phải vào cuộc để làm rõ cũng như xử lý thật nghiêm minh” – Luật sư Nguyễn Danh Huế khẳng định.

Đến nay, đã gần 2 năm kể từ ngày những vi phạm tại khu “Vườn Vô Cực” được các cơ quan chức năng của UBND thị xã Sa Pa phát hiện. Cũng chừng đó thời gian, những công trình, hạng mục được đầu tư một cách bài bản tại đây vẫn đang nằm “phủ bụi”… chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt từ phía UBND thị xã Sa Pa. Trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm cần sớm được xử lý, tránh tiền lệ về sau cũng như gây ra những bức xúc cho nhân dân.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Cùng chuyên mục