Lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), phát huy quyền làm chủ của nhân dân

(PLM) - Ngày 9/3, Trường ĐH Luật Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đơn vị đã tổ chức thành công Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Quang cảnh hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Quang cảnh hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Luật Đất đai là đạo luật có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân cũng như sự phát triển của nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Ngoài Hiến pháp thì Luật Đất đai là đạo luật nhận được sự quan tâm rộng khắp của mọi tầng lớp nhân dân, từ các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp, hợp tác xã đến các hộ gia đình, cá nhân từ thành thị đến nông thôn, từ khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh đến các vùng có tốc độ tăng trưởng chậm hơn.

Theo TS Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội: “Đất đai không chỉ là nguồn lực sản xuất đảm bảo sinh kế cho hơn 70% dân số Việt Nam mà còn là nơi sinh đóng trụ sở, nơi sinh sống, nơi lao động sản xuất, là quê hương nơi gắn bó máu thịt với mỗi con người, tổ chức chúng ta.

Do đó, đất đai nói chung và lĩnh vực pháp luật đất đai nói riêng luôn được đặc biệt quan tâm chú ý, đồng thời tác động của đất đai, chính sách, pháp luật đất đai đến chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế và xã hội cũng vô cùng mạnh mẽ”.

TS Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo

TS Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo

Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất vẫn còn tồn tại, hạn chế mặc dù Luật Đất đai đã sửa đổi toàn diện nhiều lần bao gồm Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013 và đến nay chuẩn bị cho dự thảo Luật Đất đai 2023. Đặc biệt, Luật Đất đai năm 2013 tưởng như đã hoàn thiện khi đặt ra yêu cầu phải tương thích với Hiến pháp 2013, nhưng thực tế không đạt được như kỳ vọng.

Những vấn đề tồn tại vẫn khá nhiều, từ việc quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện pháp luật chưa nghiêm; việc tiếp cận đất đai còn bất cập; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, của nhà nước, của nhà đầu tư; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường v.v., dẫn đến hậu quả là nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; số lượng khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai xảy ra còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế và chưa thật sự thuyết phục. Vẫn còn đó nhiều câu chuyện về việc có những cá nhân, tổ chức giàu lên từ đất đai một cách thiếu minh bạch, không thuyết phục, ngược lại có hàng triệu người khánh kiệt vì đất đai, trong đó chủ yếu là những người dân bình thường.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Theo PGS. TS Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp: nhiệm vụ đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Đất đai lần này phải đặt bài toán thật đúng, chẩn đoán thật chính xác “căn bệnh” đang diễn ra đối với đất đai nói chung và thị trường quyền sử dụng đất nói riêng để “kê đơn, bốc thuốc” đúng bệnh, đúng liều lượng cần thiết để phát huy được sức mạnh của nguồn lực đất đai hiện có.

Chính vì vậy, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đây là chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết.

Cũng theo PGS. TS Hà Hùng Cường: “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân và huy động trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp trong xã hội, từ đó tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai.

Cũng như nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Ông Nguyễn Văn Pha - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu

Ông Nguyễn Văn Pha - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu

Ngoài việc lấy ý kiến toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày, việc lấy ý kiến cần được tập trung vào một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; Hộ gia đình sử dụng đất.

Đây đều là những vấn đề phát sinh nhiều bất cập trong những năm qua, đồng thời dự thảo cũng đề cập đến nhiều nội dung mới, có ảnh hưởng lớn đến quan hệ pháp luật đất đai trong thời gian tới. Theo đó, cần được nhìn nhận ở nhiều góc độ, đa chiều để có được những quy định pháp luật đất đai thực sự hiệu quả, hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia và góp phần phát triển thị trường quyền sử dụng đất một cách lành mạnh như mong muốn của Đảng và Nhà nước.