Qua đợt triển khai giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm theo kế hoạch, trong đó thực hiện giám sát mối nguy đối với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh thực hiện năm 2021.
Theo như kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia đã phát hiện nhiều sản phẩm là TPBVSK có chứa chất cấm Sibutramine. Cụ thể, phát hiện 06 mẫu sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ dương tính với Sibutramine, gồm:
TPBVSK Lady slim, số lô: 190715; NSX: 20/6/2019; HSD: 19/6/2022. Sản phẩm này được sản xuất tại Công ty cổ phần Truepharmco. Công ty CP thiết bị y tế Fitness store (địa chỉ: Cổ điển A, Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) là đơn vị chịu trách nhiệm.
TPBVSK Kisu, số lô: 170120; NSX: 14/01/2020; HSD: 14/1/2023. Sản phẩm này được sản xuất tại Công ty cổ phần dược phẩm trung ương VIHECO. Công ty TNHH thương mại thực phẩm Nam Phát (địa chỉ: 268 Trương Vĩnh Ký, P. Tân Thành, Q. Tân Phú, TP. HCM) là đơn vị chịu trách nhiệm.
TPBVSK Super African Mango 1200- NV.M250; số lô: 01160044; HSD: 08/2022. Sản phẩm do Công ty CP kinh doanh và phát triển Thiên Phát (địa chỉ: 19/38 Võ Văn Ngân, P. Bình Chiểu, Q. Thủ Đức, TP. HCM) là thương nhân nhập khẩu.
TPBVSK seven days - NV.M253; số lô: 202021109; NSX: 09/11/2020; HSD: 08/11/2023. Sản phẩm do Công ty Cổ Phần XNK & TBYT Lee Nguyễn (địa chỉ: 267 Hồ Tùng Mậu, P. Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là thương nhân nhập khẩu.
TPBVSK Diamond slim - NV.M168; số lô: 20L366; HSD: 01/2024. Sản phẩm do Công ty TNHH thiết bị y tế Hoa Anh Đào (địa chỉ: Xóm 4 thôn Hải Bồi, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, Việt Nam) nhập khẩu.
TPBVSK weight loss, Số lô: 030120 NSX: 06/01/20, HSD: 06/01/23. Sản phẩm này được sản xuất tại Công ty TNHH dược phẩm Hải Linh (địa chỉ: 119 Nguyễn Trãi I, P. Sao Đỏ, TP. Chí Linh, Hải Dương) và do Công ty CP kinh doanh và phát triển Thiên Phát (địa chỉ: 19/38 Võ Văn Ngân, khu phố 2,P. Đình Chiểu, Q. Thủ Đức, TP. HCM) chịu trách nhiệm khi lưu hành trên thị trường.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng thông tin cảnh báo sau khi phát hiện nhiều thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được quảng cáo có công dụng giảm cân, giảm béo có chứa chất cấm.
Cụ thể, Đoàn kiểm tra của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tiến hành lấy mẫu tại Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển. Phát hiện sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe FEO DỨA (số lô: 04.2021, NSX: 25/11/2021, HSD: 24/11/2024). Kết quả kiểm nghiệm phát hiện trong sản phẩm có chứa chất cấm, gồm: Sibutramine (5,93 mg/g), Phenolphtalein (0,71mg/g).
Và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống thảo mộc Mộc slim (số lô: 01.2021, NSX: 17/04/2021, HSD: 16/04/2024) chứa chất cấm, gồm: Sibutramine (12,7mg/viên), Phenolphtalein (2,40 mg/viên).
Còn theo báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang, kết quả kiểm nghiệm mẫu Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimming TIGI MAX 28, có lô sản xuất: 190669; ngày sản xuất: 21/6/2019; hạn dùng 3 năm (20/6/2022) có chứa chất cấm Sibutramine.
Trong thời gian ngắn trở lại đây, Cục An toàn thực phẩm liên tục thông tin cảnh báo về việc phát hiện các sản phẩm chứa chất cấm Sibutramine. Điểm chung, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ này đều được quảng cáo giảm hấp thu chất béo, giảm mỡ dư thừa trong cơ thể; hỗ trợ giảm béo.
Được biết, Sibutramine - chất cấm phát hiện có trong các mẫu giám sát sản phẩm thực phẩm chức năng giảm cân này - là một hoạt chất làm giảm cảm giác thèm ăn, nhưng gây nguy hiểm đối với người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp. Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra Sibutramine cũng tác động lên hệ thần kinh, với các triệu chứng như mất ngủ, chóng mặt, lo lắng...Năm 2011, Cục quản lý Dược - Bộ Y tế đã cấm lưu hành sản phẩm có chứa Phenolphtalein và Sibutramine.
Theo các bác sĩ, giảm cân là một quá trình diễn ra lâu dài và liên quan đến chuyển hóa trong cơ thể. Nếu có nhu cầu giảm cân, chị em nên đến các trung tâm dinh dưỡng để được tư vấn, điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp kết hợp với tập luyện thể thao, đó là phương pháp giảm cân an toàn và hiệu quả.
Các thuốc hay sản phẩm giảm béo không điều trị được bệnh béo phì. Khi ngừng uống thuốc, cân nặng sẽ tăng trở lại nếu không duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh và tập luyện thường xuyên. Bác sĩ cũng khuyến cáo không nên mua thuốc giảm cân trôi nổi trên thị trường, đề phòng hàng giả mạo, gây những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe.
Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm vi phạm nêu trên. Khi phát hiện các sản phẩm này lưu hành trên thị trường đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật./.
Trả lời trên Báo SK&ĐS, Tiến sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, khuyến cáo phương pháp giảm cân an toàn với hiệu quả giảm 10% cân nặng trong 8 tuần bao gồm 3 trụ cột chính: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ vận động hợp lý và lối sống lành mạnh, tích cực. Nếu cân nặng giảm quá nhanh cũng ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Để giảm cân và có được vóc dáng như ý thay vì dùng các loại thuốc giảm cân không đúng chỉ định gây nguy hiểm, người dân cần tránh các thực phẩm cung cấp năng lượng nhiều như: bánh kẹo, nước ngọt đóng chai, bánh rán, thịt nhiều mỡ; cần đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng (chất bột - đường, đạm, chất béo); Ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu chất xơ, vitamin.
Song song với việc kiểm soát năng lượng đưa vào cơ thể, việc tập luyện cần được duy trì hằng ngày để tiêu hao lượng calo dư thừa. Theo khuyến cáo, nên có chế độ luyện tập kiên trì, đều đặn và phù hợp với cơ thể. Tập tối thiểu 30 phút/lần và duy trì 5 lần tập/tuần. Chú trọng đến những bài tập với vòng eo, bụng, đùi và sẽ tốt hơn nếu có chuyên gia về thể dục hướng dẫn.
Lối sống lành mạnh, tích cực như ngủ đủ giấc; Ăn đủ bữa chính, không ăn vặt; Tập thói quen ăn chậm; Hạn chế giận dữ, buồn chán... cũng là yếu tố tác động đến quá trình tìm lại cân nặng lý tưởng.