Lô hàng 100 container điều xuất khẩu đứng trước nguy cơ mất trắng: “Cần đưa vụ việc lên toà án quốc tế”

(PLM) - Trong tháng 3 này, hầu hết các lô hàng điều của Việt Nam sẽ về cảng của nước Ý (Italia). Dù cảnh sát nước này đã tạm thời giữ lại các lô hàng đã nằm và sắp cập cảng nhưng theo luật pháp quốc tế, bên cầm chứng từ gốc sẽ được nhận hàng từ hãng tàu quốc tế vận chuyển. Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội nhận định, theo VINACAS thì vụ việc có dấu hiệu tổ chức tội phạm lừa đảo, vậy nên cần cơ quan tòa án quốc tế và Interpol vào cuộc.
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ vụ 100 container hạt điều xuất khẩu (Ảnh minh hoạ)
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ vụ 100 container hạt điều xuất khẩu (Ảnh minh hoạ)

Trước đó, ngày 8/3, Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) có công văn hỏa tốc đến Đại sứ quán và thương vụ Việt Nam tại Italia trước nguy cơ một số doanh nghiệp điều bị lừa mất hàng trăm triệu USD.

Cụ thể, hiệp hội cho biết vừa nhận được đơn kêu cứu của một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân điều Việt Nam đã ký hợp đồng với một số khách hàng ở Italy thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt. Hiện nay một số lô hàng đã đến cảng sau của Italy là Genoa, LA SPEZIA... Một số khác đang trên đường vận chuyển.

Hiệp hội điều Việt Nam cho biết hiện nay các doanh nghiệp đang gặp vấn đề với hồ sơ doanh nghiệp gửi tới ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. "Theo đó, trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua theo hướng dẫn thì đều có sự thay đổi về số Swift", hiệp hội VINACAS cho biết.

Hiện các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể gặp hãng vận chuyển để nhận hàng.

Ngày 15/3, Văn phòng Chính phủ có Công điện số 1583/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng giao Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân.

Theo VINACAS, trong tháng 3 này, hầu hết các lô hàng điều của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cập cảng. Đáng ngại, cá nhân hay tổ chức nào đang cầm chứng từ gốc sẽ được nhận hàng từ hãng tàu quốc tế vận chuyển theo theo luật pháp quốc tế.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc Công ty Luật TNHH TGS (Ảnh: Văn Hùng)

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc Công ty Luật TNHH TGS (Ảnh: Văn Hùng)

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc, Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, các bộ, ngành liên quan và Interpol Việt Nam bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả phối hợp với chặt chẽ với cơ quan đại diện Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý thành công vụ việc với mục tiêu giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam được nhận lại hàng.

Bởi theo Vinacas thì “đây là vụ việc có dấu hiệu tổ chức tội phạm lừa đảo nên vụ việc cần cơ quan tòa án và Interpol vào cuộc”.

Đối với vụ việc này là phương thức thanh toán nhờ thu, vì thế nên ngân hàng không có trách nhiệm trong việc đảm bảo giao dịch được thanh toán hay hàng hóa là phù hợp với thỏa thuận giữa người mua – người bán.

Ngân hàng Việt Nam chỉ giữ vai trò là người thu hộ nên không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp phát sinh rủi ro này, các bên cần khởi kiện lên tòa án hoặc trọng tài kinh tế… tùy vào thỏa thuận trong hợp đồng hoặc quy định của pháp luật.

Trước sự việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cũng khuyến nghị đến các doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác làm ăn với các đối tác là doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể:

Thứ nhất, khi giao dịch với khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin đối tác, chú trọng thực hiện việc xác minh, thẩm định đối tác, nhất là các đối tác mới giao dịch lần đầu, đề nghị cung cấp hồ sơ pháp lý công ty như: Giấy phép hoạt động, Passport của người đại diện theo pháp luật,…

Thứ hai, nên thường xuyên giữ mối liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại nhằm xác minh độ tin cậy của đối tác, nhất là các DN không có tiếp xúc trực tiếp hoặc tìm kiếm qua internet.

Thứ ba, nên đề nghị đối tác sử dụng phương thức tín dụng chứng từ (L/C) không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín quốc tế, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Khi đối tác mở L/C, cần đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ. Qua đó, có thể đảm bảo tính an toàn và hạn chế tối đa rủi ro trong giao dịch, thanh toán.

Cùng chuyên mục