Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XI thông qua năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XII sửa đổi Điều 10 năm 2008 là cơ sở pháp lý cao nhất của Nhà nước ta trong lĩnh vực dân số để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện. Pháp lệnh dân số đã tạo nên sự chuyển biến tích cực, giúp ổn định quy mô dân số, hình thành cơ cấu dân số vàng, từng bước nâng cao chất lượng dân số và phân bố dân cư hợp lý.
Cụ thể, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay và cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Cùng với đó, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Tuy nhiên, sau 20 năm thực hiện, Pháp lệnh Dân số cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải điều chỉnh kịp thời, do đó cần thiết xây dựng Luật dân số nhằm đáp ứng với yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới trên cơ sở kế thừa và phát triển Pháp lệnh Dân số.
Một trong những quy định liên quan trực tiếp đến quyền con người là quyền sinh sản, quyền được lựa chọn nơi cư trú được quy định tại Pháp lệnh Dân số không còn phù hợp với Hiến pháp, do đó cần phải có khung pháp lý ở cấp độ luật để quy định những vấn đề này.
Bên cạnh đó, một số quy định của Pháp lệnh Dân số chưa cụ thể, tính khả thi chưa cao; thiếu các quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong xã hội đối với việc giải quyết những vấn đề dân số, về đối tượng ưu tiên, mức ưu tiên và chính sách ưu tiên.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đã vượt con số 100 triệu người hồi tháng 4/2023, trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Đây vừa là động lực mạnh mẽ vừa là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế – xã hội nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Trước những thay đổi rõ rệt về tình hình dân số và kinh tế - xã hội hiện nay Pháp lệnh Dân số dường như không còn phù hợp để điều chỉnh những vấn đề dân số. Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển khoa học, kỹ thuật cùng nhiều vấn đề xã hội thay đổi nhanh chóng, sự thay đổi dẫn đến nhận thức chưa kịp thời và giải quyết chưa hiệu quả các vấn đề về dân số. Trong đó, việc thay đổi cách thức quản lý về dân số là yếu tố cần thiết cấp bách hiện nay. Đòi hỏi phải cần sớm có Luật Dân số để giải quyết những vấn đề dân số phù hợp với tình hình mới.
Để thể chế hóa quan điểm trên của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, bên cạnh đó là các công cụ quản lý khác như chính sách, kế hoạch, hành chính, tài chính…, cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Dân số nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác dân số hiện nay và đáp ứng với yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới.
Từ các lý do trên đây cho thấy, việc xây dựng và ban hành Luật Dân số là hết sức cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết toàn diện công tác dân số, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Hiện nay, Bộ Y tế đang dự thảo dự án Luật Dân số nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác dân số hiện nay và đáp ứng với yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới trên cơ sở kế thừa và phát triển Pháp lệnh Dân số.
Chỉ ra một số vấn đề của dân số, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề về xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Hiện nay, có những thay đổi khác biệt về các vấn đề kinh tế, xã hội, dân số cần pháp luật điều chỉnh để giải quyết toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể, khu vực kinh tế - xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao, trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế - xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế. Cùng với đó, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng kết hợp với tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, đòi hỏi sự thích ứng của xã hội.
Ngoài ra, các yếu tố dân số chưa được lồng ghép một cách hệ thống trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và việc phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập là những hạn chế và tồn tại của Pháp lệnh Dân số.
Trước các vấn đề dân số mới xuất hiện, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ gây ra những hệ lụy khó lường cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và cả đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số sẽ giải quyết những vấn đề mới phát sinh về công tác dân số trong tình hình mới, cũng như để đáp ứng yêu cầu phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng.
Tại hội thảo do Cục Dân số tổ chức vào tháng 8/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: "Việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số hiện nay là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới".
![]() |
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề về xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân. |
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Luật Dân số sẽ giúp ứng phó với tốc độ già hoá dân số nhanh trong thời gian tới, tận dụng hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước, hướng đến năm 2045 Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao... nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đối với tầm quan trọng của Luật Dân số cũng như những định hướng chính sách quan trọng trong dự án Luật này, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn – nguyên Chuyên viên cao cấp Bộ Y tế cho biết: “Mục đích xây dựng Luật Dân số nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ; góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số; khắc phục các hạn chế, tồn tại; đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới”.
Quan điểm của Luật Dân số, một là, góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là quan điểm chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển.
Hai là, các quy định của Hiến pháp; tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành; sự tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến dân số mà Việt Nam là thành viên là các nguyên tắc, căn cứ quan trọng khi xây dựng Luật.
Ba là, bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân số và phát triển; bảo đảm bình đẳng giới.
Bốn là, bảo đảm nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý công tác dân số; cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình với lợi ích của cộng đồng, xã hội và quốc gia.
Năm là, khắc phục các hạn chế, bất cập; kế thừa các quy định còn hiệu quả của Pháp lệnh Dân số; bảo đảm tính khả thi.
Tại Dự án Luật Dân số có 6 chính sách cơ bản, bao gồm: Duy trì mức sinh thay thế; Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; Thích ứng với già hóa dân số, dân số già; Phân bố dân số hợp lý; Nâng cao chất lượng dân số và Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, đây cũng chính là những vấn đề trọng tâm của công tác dân số trong tình hình mới.
Xây dựng Luật Dân số: Tiếp tục thực hiện tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Dân số để gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ; đề xuất thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến Luật Dân số vào kỳ họp thứ 10 năm 2025 Quốc hội khóa XV và thông qua Luật Dân số vào kỳ họp thứ 11 năm 2026 Quốc hội khóa XV.