Hiện tại, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức 112,1 bé trai/100 bé gái, dù tỷ số này có sự thay đổi qua các năm nhưng hiện vẫn đang ở mức cao hơn so với mức cân bằng tự nhiên là 104-106 bé trai/100 bé gái.
Số liệu của Cục Dân số - Bộ Y tế cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng rất nhanh, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Tại nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ có tỷ số dưới 108, trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại một số tỉnh miền núi phía Bắc còn cao.
Đáng lưu ý, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên, tức là các cặp vợ chồng đã nghĩ đến lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu. Bên cạnh đó, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao hơn, kinh tế khá giả.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên dưới 109 nhưng theo Cục Dân số nhận định mục tiêu này rất khó khăn khi từ nay đến đó, mỗi năm phải giảm 0,4 điểm phần trăm, trong khi 8 năm trước, với nhiều nguồn lực và tác động, nhưng mỗi năm chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm.
Nguyên nhân và những hệ lụy
Theo chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam, nhưng gốc rễ và cốt lõi là do định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ “ăn sâu” trong tiềm thức từng người dân Việt, xuất hiện từ khi chuẩn bị kết hôn đến khi có con, trước khi có con và có con, đến lúc qua đời.
Việc lạm dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính còn phổ biến cũng là một nguyên nhân chính, mặc dù Chính phủ đã tăng cường khung pháp lý, có các quy định về việc cấm xác định giới tính thai nhi và tất cả các hình thức lựa chọn giới tính nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức sinh học bình thường vào năm 2025.
Cục Dân số - Bộ Y tế cho biết, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước, thậm chí cả an ninh chính trị quốc gia…
Tình trạng thiếu hụt số trẻ em gái tại một số quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai. Cấu trúc dân số trong những thập kỷ tới sẽ mang dấu ấn của việc lựa chọn giới tính hiện tại, với quy mô dân số nam vượt trội trong một thời gian dài.
Việt Nam phấn đấu đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức sinh học bình thường vào năm 2025. |
Dựa trên các phân tích chuyên sâu, Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã đưa ra kịch bản về sự dư thừa nam giới so với nữ giới độ tuổi từ 20-39 tuổi trong giai đoạn 2019- 2059. Theo đó, nếu Việt Nam không thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái, sự dư thừa nam giới sẽ tăng từ 563,5 nghìn người nam năm 2019 lên 1,4 triệu người nam năm 2059, tương ứng sẽ dư từ 3,5% lên 9,7% tổng số nam giới của Việt Nam.
Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, dòng tộc mà còn để lại những hệ lụy không tốt, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước cả trong hiện tại và tương lai.
Trên phương diện xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ do tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi kết hôn.
Giải pháp khắc phục cần đồng bộ và bền bỉ
Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay, phải giải quyết nguyên nhân “gốc rễ” của vấn đề, tức là thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái. Đồng thời, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn, không còn tình trạng “trọng nam khinh nữ” cũng là việc cần thiết phải làm.
Tại Việt Nam, trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản để giải quyết vấn đề này như Luật Bình đẳng giới, Luật hôn nhân gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh dân số, các nghị định, quy định về cấm lựa chọn giới tính khi sinh.
Thực tế cho thấy, mặc dù hiện nay người phụ nữ có những đóng góp to lớn trong chính trị, kinh tế, xã hội và đặc biệt là vai trò của họ trong gia đình và cộng đồng, nhưng nhận thức về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới còn hạn chế nhất định. Tình trạng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn, phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chịu nhiều thiệt thòi hơn trẻ em trai cũng như so với trẻ em gái ở khu vực thành thị về cơ hội học tập, tiếp cận thông tin.
Để hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ và trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới, cần thực hiện mạnh mẽ các chính sách kinh tế – xã hội nhằm cải thiện vấn đề bình đẳng giới, cần nâng cao địa vị của phụ nữ trong xã hội khắc phục tư tưởng “trọng nam khinh nữ”; xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế có chú trọng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái.
Tại địa bàn tỉnh Hà Giang hiện tỷ số giới tính khi sinh năm 2023 đang ở mức 109 trẻ trai/100 trẻ gái, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn mức trung bình của cả nước, tuy đã có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.
Để khắc phục và cải thiện vấn đề này, thời gian qua Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hà Giang tập trung vào công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi, cụ thể: Phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh niên và các thành viên Ban Chỉ đạo Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tổ chức mít-tinh, diễu hành nhân Tháng hành động quốc gia về Dân số; Tổ chức hội thảo cấp tỉnh về nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Hà Giang với trên 100 đại biểu.
Hội nghị tổng kết thực hiện đề án mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh Hà Giang. |
Bên cạnh đó là Hội thảo chuyên đề công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong tình hình mới lồng ghép nội dung đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Tổ chức Liên hoan tuyên truyền viên dân số cấp tỉnh (trong đó có các nội dung liên quan như bình đẳng giới; hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh) với 11 đội do Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân của 11 huyện, thành phố cử tham gia… Ngoài ra, các cộng tác viên dân số tuyến thôn, bản cũng được hướng dẫn, chỉ đạo bám sát địa bàn, xuống từng hộ gia đình để truyền tải các thông điệp truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh.
Ông Nguyễn Công Khanh – Chi cục trưởng Chi Cục DS-KHHGĐ tỉnh Hà Giang cho biết: “Trong năm 2023, Chi cục đã tổ chức 115 cuộc Hội nghị truyền thông chuyên đề về giảm thiểu MCBGTKS cho 10.215 lượt người tham dự, thông qua nhiều hoạt động cùng những thông điệp liên quan về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi. Chi cục cũng đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cụ thể việc chấp hành các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; thực hiện niêm yết Bản cam kết không chẩn đoán, tiết lộ giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; không cung cấp tài liệu như sách, tờ rơi, tờ gấp, áp phích có nội dung tuyên truyền về lựa chọn giới tính thai nhi; không chẩn đoán, tiết lộ giới tính thai nhi”.
Theo Cục Dân số – Bộ Y tế, công tác dân số hiện nay phải giải quyết đồng bộ và toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội. Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cần can thiệp, giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là “định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái” đã “ăn sâu” vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông theo các nhóm đối tượng; đặc biệt cần quan tâm đến việc nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã được quy định trong các luật, pháp lệnh, quy định về cấm lựa chọn giới tính khi sinh; tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế để vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số…
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chỉ được giải quyết triệt để khi Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp lâu dài và bền bỉ với sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị./.