Mùa xuân đến sớm với các hộ nghèo ở Bảo Lạc (Cao Bằng)

(PLM) - Mùa xuân năm nay dường như đến sớm hơn với nhiều hộ đặc biệt khó khăn ở huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) khi những ngôi nhà tạm bợ của họ đã được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang, vững trãi hơn. Đây là điều mà nhiều hộ nghèo không bao giờ dám nghĩ tới. Từ khi Bảo Lạc thực hiện chương trình hỗ trợ để xóa nhà tạm, nhà dột nát, một cuộc sống no ấm hơn đã đến với rất nhiều hộ nghèo nơi đây.
Mùa xuân đến sớm với các hộ nghèo ở Bảo Lạc (Cao Bằng)

Ngắm nhìn ngôi nhà mới của gia đình, ông Chảo Trùng Phây dân tộc Dao đỏ ở xóm Nà Đoỏng, xã Xuân Trường nở nụ cười tươi trên gương mặt khắc khổ rồi bảo: giờ có nhà mới rồi, yên tâm rồi không lo lắng nữa đâu, tập trung làm ăn thôi. Nhà ông Chảo Trùng Phây là hộ nghèo có 6 nhân khẩu, nhà không có đất sản xuất, không có ruộng, có ít nương thì toàn đá nên quanh năm chỉ bới đất ở kẽ đá để trồng ngô, không có nguồn thu nhập, hằng năm gia đình ông thiếu đói từ 1 - 2 tháng. Nhiều năm nay, gia đình ông sống trong ngôi nhà tạm đã xuống cấp, trống trải tứ bề. Gia đình ông đã đăng ký nhà nước hỗ trợ kinh phí làm nhà mới để ổn định cuộc sống. Với nguồn hỗ trợ 44 triệu đồng từ UB MT Tổ quốc tỉnh Cao Bằng, gia đình mạnh dạn vay mượn người thân trên 50 triệu để xây dựng căn nhà trị giá gần 100 triệu đồng. Khát khao có một mái ấm tử tế của gia đình ông nay đã thành hiện thực.

Ngôi nhà trước và sau khi được hỗ trợ xây dựng mới của gia đình ông Chảo Trùng Phây ở xóm Nà Đoong, xã Xuân Trường.
Ngôi nhà trước và sau khi được hỗ trợ xây dựng mới của gia đình ông Chảo Trùng Phây ở xóm Nà Đoong, xã Xuân Trường.

Gia đình ông Đặng Chòi Tỉnh ở xóm Nà Năm, xã Kim Cúc nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì không biết bao giờ mới có đủ tiền để xây dựng lại căn nhà vốn đã xập xệ từ lâu. Ông cho biết, gia đình có 4 nhân khẩu, vợ thường xuyên bị ốm đau, ruộng nhà ông diện tích nhỏ lại chỉ canh tác được 1 mùa nên hàng năm vẫn bị thiếu đói. Lo chạy ăn còn khó chứ nói gì đến việc có tích lũy để làm nhà. Nay ông đã có căn nhà mới khang trang hơn nhờ chủ trương hết sức nhân văn của tỉnh.

Ngôi nhà trước và sau khi được hỗ trợ xây dựng mới của gia đình ông Đặng Chòi Tỉnh xóm Nà Năm, xã Kim Cúc.
Ngôi nhà trước và sau khi được hỗ trợ xây dựng mới của gia đình ông Đặng Chòi Tỉnh xóm Nà Năm, xã Kim Cúc.

Đón xuân Nhâm Dần 2022, hộ gia đình ông Nông Văn Nàn ở xóm Cốc Lùng, xã Bảo Toàn chắc hẳn niềm vui được nhân đôi. Nhà có 3 nhân khẩu, ông Nàn thường xuyên bị ốm đau, đất canh tác ít, ruộng chỉ canh tác được 1 mùa nên hàng năm vẫn bị thiếu đói. Nhà dột nát mà không có thu nhập ổn định nên nhà ông không có khả năng tự làm nhà ở. Điều rất phẩn khởi là từ nguồn xã hội hóa của Công ty Syngenta Việt Nam, hỗ trợ gia đình ông 44 triệu từ tháng 11/2021 nên gia đình ông đã có căn nhà mới thay thế căn nhà cũ xiêu vẹo với tổng mức chi phí trên 80 triệu.

Ngôi nhà trước và sau khi được hỗ trợ xây dựng mới của gia đình ông Nông Văn Nàn xóm Cốc Lùng, xã Bảo Toàn.
Ngôi nhà trước và sau khi được hỗ trợ xây dựng mới của gia đình ông Nông Văn Nàn xóm Cốc Lùng, xã Bảo Toàn.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bảo Lạc Quan Hồng Tiềm cho biết: Qua rà soát, giai đoạn 2021 - 2022, huyện Bảo Lạc có 731 hộ nghèo, người có công cần được hỗ trợ nhà ở. Riêng năm 2021, theo kế hoạch, huyện thực hiện hỗ trợ 410 nhà. Tất cả các hộ này đều thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, không có nguồn thu nhập gì khác ngoài làm ruộng, rẫy cũng phải “giật gấu vá vai” mới đủ lương thực ăn. Lại có hộ thì chủ hộ không tỉnh táo, không biết làm ăn... nên không thể có đủ tiền để tự làm nhà.

Linh hoạt, sáng tạo trong việc triển khai chương trình xóa nhà tạm, dột nát

Chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát được Tỉnh ủy Cao Bằng ban hành từ ngày 15/7/2021, HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 56 /2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 về chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2022, với các mức hỗ trợ nhà lắp ghép 55 triệu đồng, nhà làm mới có đối ứng không quá 40 triệu đồng, nhà sửa chữa hỗ trợ không quá 30 triệu đồng. Từ chủ trương của tỉnh, Bảo Lạc sớm xây dựng chương trình hành động của địa phương với cách làm linh hoạt, sáng tạo.

Qua điều tra, rà soát toàn huyện Bảo Lạc có 731 hộ thuộc đối tượng xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó nhà lắp ghép là 56 nhà; nhà làm mới có đối ứng của người dân là 457 nhà; nhà sửa chữa 217 nhà. Năm 2021, theo Kế hoạch của BCĐ tỉnh giao phải thực hiện xong trong là 410 nhà. Phấn đấu trong năm 2022 huyện sẽ thực hiện 321 nhà còn lại.

Mẫu nhà lắp ghép huyện Bảo Lạc thực hiện theo chương trình xóa nhà tạm
Mẫu nhà lắp ghép huyện Bảo Lạc thực hiện theo chương trình xóa nhà tạm

Trong bối cảnh khó khăn, chậm nhận được nguồn hỗ trợ của tỉnh, Chủ tịch UBND Bảo Lạc Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, huyện xác định không thể ngồi chờ ngân sách hỗ trợ của tỉnh, mà phải đẩy nhanh tiến độ, huy động các nguồn lực để sớm giúp đỡ cho các hộ dân có nhu cầu, nhất là những hộ dân nghèo kiệt, thuộc đối tượng chính sách, không thể tự làm được nhà trong thời gian sớm nhất để nhiều hộ nghèo có nhà ở mới, ổn định cuộc sống, kịp đón Tết nguyên đán năm 2022.

ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc
ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc

UBND huyện đã mạnh dạn đề xuất với Thường trực Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy cho chủ trương thí điểm làm 10 nhà lắp ghép với giá trị 55 triệu/nhà và hỗ trợ thêm tiền xi măng đổ nền bê tông 1,5 triệu đồng để làm cơ sở rút kinh nghiệm làm tiếp số nhà còn lại, Đồng thời chỉ đạo thiết kế mẫu nhà tôn lắp ghép loại tốt, bền, đẹp và đặc biệt là cách nhiệt rất tốt, mùa nóng vẫn ở được. Đồng thời, huyện cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người dân cố gắng phát huy nội lực, làm nhà mới có đối ứng và nhà sửa chữa.

Kết quả đáng mừng là tại cuộc họp của Ban chỉ đạo tỉnh đánh giá kết quả triển khai đợt 1, trong 38 nhà lắp ghép của toàn tỉnh thì có 10 nhà của huyện Bảo Lạc đã hoàn thành và có chất lượng, mẫu mã đẹp, được Ban chỉ đạo tỉnh đánh giá cao.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hùng, để có kinh phí hỗ trợ người dân, tạo động lực cho hộ nghèo cố gắng vươn lên để làm được nhà mới, được sự đồng ý Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện rà soát các nguồn quỹ xã hội hóa chưa sử dụng để tạm ứng cho hộ nghèo và sẽ hoàn trả khi ngân sách cấp. Đây là việc làm chưa có tiền lệ nên huyện cũng rất thận trọng. Với giải pháp này đã giúp huyện sớm có nguồn vốn phân bổ cho các hộ nghèo trong diện được hỗ trợ, góp phần thúc đẩy phong trào xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cũng như của huyện.

Nhằm huy động các nguồn lực xã hội hóa, UBND huyện đã đề xuất và tổ chức cuộc gặp mặt doanh nghiệp, HTX trên địa bàn để vận động trực tiếp và gửi thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân các nhà hảo tâm tham gia quyên góp ủng hộ. Kết quả đã thu được số tiền ủng hộ trên 600 triệu đồng.

Chính nhờ cách làm sáng tạo, lấy tuyên truyền làm trọng tâm, tạo ra nguồn lực xã hội hóa làm đột phá và linh hoạt trong cách triển khai đã đem lại những tín hiệu rất vui trong thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chỉ sau hơn 3 tháng triển khai quyết liệt, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, đến hết tháng 12/2021 huyện Bảo Lạc đã có trên 400 hộ/731 hộ nghèo đã có nhà mới để ở đạt chuẩn 3 cứng đúng theo quy định để đón năm mới 2022. Chất lượng nhà tốt và mẫu thiết kế đẹp, người dân được hỗ trợ rất phấn khởi và càng thêm tin tưởng vào đường lối của Đảng, sự quan tâm chăm lo của chính quyền và đoàn thể các cấp.

Vẫn cần lắm những tấm lòng thơm thảo

Bảo Lạc là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 134 km. Huyện có 16 xã và 01 thị trấn, trong đó có 15 xã thuộc khu vực III, 02 xã, thị trấn thuộc khu vực I, bà con dân tộc thiểu số chiếm 96,93% dân số toàn huyện. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo của Bảo Lạc đến cuối năm 2020 còn 35,62%, cận nghèo trên 14%. Nếu đánh giá theo tiêu chí mới năm 2021 thì tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của huyện vùng cao này còn tới trên 60%.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đã hỗ trợ Bảo Lạc về mọi mặt, từng bước góp phẩn ổn định cuộc sống cho người dân,... Tuy nhiên, địa phương là huyện vùng cao nghèo, khó khăn chồng chất khó khăn, mọi đầu tư cơ sở hạ tầng đều phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước cấp. Thực hiện mục tiêu hoàn thành giúp trên 300 hộ nghèo xóa được nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2022, Bảo Lạc tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực.

Để thêm những ngôi nhà mới cho bà con, giúp bản làng luôn rộn rã tiếng cười, để cuộc sống no ấm đến với mọi gia đình, Bảo Lạc đang rất cần những tấm lòng thơm thảo của các doanh nhân, các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp vào việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào. Đây cũng chính là thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” tốt đẹp của dân tộc ta, với mục tiêu “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, giúp các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn cải thiện điều kiện về nhà ở, yên tâm phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu để xây dựng Bảo Lạc thành miền quê giàu đẹp.

Cùng chuyên mục