Ninh Bình: Người dân vùng DTTS huyện Nho Quan hưởng lợi và phát triển kinh tế xã hội từ Chương trình MTQG

(PLM) - Sau gần 4 năm thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã có hàng nghìn gia đình là đồng bào DTTS được hưởng lợi, có sinh kế bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2023 là 1,84%. Đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện, trình độ, năng lực cán bộ xã, thôn, bản từng bước được nâng lên rõ rệt ; sản xuất nông, lâm nghiệp chuyển biến theo hướng kinh tế hàng hoá.
Ninh Bình: Người dân vùng DTTS huyện Nho Quan hưởng lợi và phát triển kinh tế xã hội từ Chương trình MTQG

Nho Quan là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Ninh Bình, sau gần 4 năm thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 bao gồm: Xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện Nho Quan đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nhiều dự án đã được triển khai và đạt hiệu quả tốt như: dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải tạo dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững...

Đã có hàng nghìn gia đình đồng bào được hưởng lợi, có sinh kế bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến cuối năm 2023, huyện Nho Quan còn trên 1.200 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,84%. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; trình độ, năng lực cán bộ xã, thôn, bản từng bước được nâng lên; sản xuất nông, lâm nghiệp chuyển biến theo hướng kinh tế hàng hóa.

Ngày hội Văn hoá, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan năm 2024

Riêng với Cúc Phương, đây là xã miền núi đặc thù của huyện Nho Quan với 86% dân số là người dân tộc Mường. Những năm qua, Chương trình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả thiết thực. Người dân được tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua đó đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; nhiều học sinh được tiếp sức đến trường... Chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, xuất khẩu lao động được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, tiếp thêm động lực giúp các hộ nghèo vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống. Khối đại đoàn kết tiếp tục được phát huy.

Đến nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn văn hóa, có nhà văn hóa, có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, 100% hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch hợp vệ sinh… Từ đó, đồng bào an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng và quản lý của Nhà nước.

Chương trình MTQG 1719, được triển khai đúng đối tượng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, NTM nâng cao đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, đến nay xã Cúc Phương đã đạt chuẩn xã NTM nâng cao.

Đối với Chương trình MTQG 1719, từ năm 2021 đến nay huyện Nho Quan từng bước giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phát triển bền vững.

Từ triển khai Chương trình xây dựng NTM đã có 26/26 xã đã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã NTM nâng cao và 3 xã NTM kiểu mẫu, với 53/274 thôn, xóm NTM kiểu mẫu. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ rệt.

Đến nay, 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Nho Quan đạt chuẩn nông thôn mới (gồm 7/7 xã: Thạch Bình, Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang và Văn Phương, trong đó 2/7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Cúc Phương và Văn Phương) được công nhận là vùng đồng bào DTTS và miền núi, với gần 29 nghìn người là đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Mường chiếm 97,18%.

Thời gian tới, Nho Quan tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo Trung ương, của tỉnh. Tập trung xây dựng hoàn thành đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn các đề án, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Cùng chuyên mục