Chỉ sau vài ngày công chiếu, bộ phim Điện ảnh cổ trang “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ, đã dẫn đầu doanh thu các phòng vé, và nhận được nhiều lời khen khi tái hiện những hình ảnh Việt Nam thời phong kiến, từ những bộ cổ phục tỉ mỉ, đến những khung hình non nước hồ Ba Bể thơ mộng, mà lại rất hùng vĩ. Và đặc biệt, phải nói đến sự nhập vai ấn tượng của dàn diễn viên. Trong đó là sự chuyên nghiệp, dày dặn của NSƯT Kim Oanh ( bà Cả ), NSƯT Quang Thắng ( Quan tri huyện ), là sự xuất thần của Kaity Nguyễn ( bà Ba – nhân vật chính ), hay sự đáng yêu, tưng tửng của Đinh Ngọc Diệp ( bà Hai ).
Diễn viên trong phim “Người vợ cuối cùng”. Từ trái sang:Đinh Ngọc Diệp, NSƯT Kim Oanh, Kaity Nguyễn |
Với nhân vật Bà Cả quyền lực của gia đình quan Tri huyện, vừa lo toan, sắp xếp, quán xuyến mọi sự trong nhà, vừa phải dạy dỗ, “áp bức” các bà vợ sau, tính cách khắt khe, độc ác, đạo diễn Victor Vũ đã chọn mặt gửi vàng, đặt vào tay NSƯT Kim Oanh, và chị đã cho khán giả thấy, để khắc họa đúng nét một nhân vật Bà cả thích làm khó người khác trên màn ảnh như vậy, ngoài đời chị đã phải tự làm khó mình trước.
Bà Cả trong phim do NSƯT Kim Oanh thủ vai |
Đầu tiên từ tạo hình nhân vật, nếu như tìm kiếm hình ảnh một phụ nữ Bắc Bộ quyền lực thời phong kiến, thì tạo hình của “Bà Cả” Kim Oanh chính là hình mẫu, vẫn là ánh mắt xéo xắt, sắc lẹm, nhưng ánh mắt của Bà Cả, khác biệt hoàn toàn với cái “sắc như dao cau” của cô Mây đình đám một thời ( Phim “Sóng ở đáy sông” ), hay sự lưu manh của cô Tuyết ( Phim “Những ngọn nến trong đêm” ), và cũng không hề giống với ánh mắt gian xảo của cô Ló ( Phim “Ma làng ). Đó chính là những cái liếc, những chiếc lườm ẩn chứa sự thâm trầm, độc ác có chiều sâu. Kèm theo là hàm răng như đen mà không phải đen, khẩu hình mỗi khi thoại như móm nhưng không phải móm. Bởi thế, giới chuyên môn luôn đánh giá NSƯT Kim Oanh diễn mà như không diễn.
Tiếp đến là diễn biến tâm lý nhân vật, Bà Cả bên ngoài có tiếng nói riêng, có cái uy riêng, nhưng bên trong lại chất chứa ẩn ức, lo sợ chồng yêu thương vợ bé, tuy đường đường chính chính cưới thêm vợ lẽ cho chồng, nhưng thực ra là “tậu” thêm một con sen, một con ở biết đẻ con trai, nối dõi tông đường. Có thể thấy, để thống nhất được những tính cách trái ngược như vậy, “Bà Cả” Kim Oanh đã phải nghiên cứu rất sâu, chuẩn bị rất kỹ cho lần “lên đồng” lần này của mình.
Tuy không phải vai có quá nhiều đất diễn trên phim, nhưng sự xuất hiện của Bà Cả đã cộng hưởng cùng chồng là quan Tri huyện, thể hiện rõ ràng sự dã man, ghê tởm của tầng lớp quan tham thời phong kiến.
NSƯT Kim Oanh đã từng chia sẻ rằng, khó khăn lớn nhất khi nhận vai diễn này, chính là yếu tố cân nặng, ngoại hình. So với cân nặng cũ, nhân vật Bà Cả yêu cầu chị phải giảm 3kg, thế nhưng, hơn ai hết, vì hiểu chính mình, hiểu nhân vật của mình, chị đã nỗ lực giảm gần 10kg, để xây dựng chỉn chu hình ảnh người phụ nữ quyền lực thời phong kiến. Việc điều chỉnh cân nặng ở độ tuổi của chị không dễ dàng, nhưng chính sự cầu kỳ, tỉ mỉ, tính trách nhiệm đã làm động lực để chị hoàn thành mục tiêu do chính bản thân mình đề ra.
NSƯT Kim Oanh ngoài đời. |
Có thế thấy, nhân vật phản diện nào do NSƯT Kim Oanh đảm nhiệm cũng chạm mạnh tới tận cùng cảm xúc của khán giả, để ngoài đời, quý cô ưu tú, xinh đẹp Oanh “cong” còn “được” khán giả ghét cay ghét đắng, điều này khẳng định việc hoá thân của chị vào các vai diễn là trên cả tròn vai. Chị đã lao động, sáng tạo nghệ thuật với tất cả sự tử tế của một nghệ sĩ bài bản dành cho nghề.
Xin chúc mừng đạo diễn Victor Vũ đã một lần nữa thành công trong việc “chọn mặt gửi vàng”. Kỳ thực, nếu như không phải NSƯT Kim Oanh, thì khó có thể tìm được một “Bà cả” thứ hai. Xin chúc mừng thành công của “Người vợ cuối cùng”.