Không dạy âm [p] là chủ trương không đúng, lạc hậu với tình hình
Trước thông tin phản ánh việc âm p (pờ) không được dạy trong Sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam) và chữ P không có trong mục lục của sách này, xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Trong các kết quả nghiên cứu về ngữ âm học tiếng Việt từ cuối thế kỷ trước, âm [p] được coi là âm mượn từ tiếng Âu châu. Nói cách khác, người ta quan niệm đó là âm không có trong tiếng Việt. Về bản chất, nó là phụ âm môi – môi, khi phát âm hơi bật ra nên gọi là phụ âm bật hơi, tắc vô thanh.
Tuy nhiên, đó là nhìn nhận [p] với tính chất là phụ âm đầu. Trong cấu tạo âm tiết tiếng Việt, [p] còn tham gia với tư cách là phụ âm cuối. Nó có mặt trong rất nhiều từ như: khiếp (khiếp đảm, khiếp vía, khiếp hãi), tiếp (tiếp nhận, tiếp theo, tiếp tục). Đặc biệt là nó có mặt trong nhiều từ láy: chiêm chiếp, thiêm thiếp … Do đó, dạy tiếng Việt cho các em không thể dạy âm [p].
Trên phương diện từ vựng, vào thời điểm đó, các kết quả nghiên cứu cho thấy, các từ có âm [p] mở đầu tồn tại rất ít. Đó là các từ như: pinh pông (bóng bàn), pô pô lin, pê ni xi lin… Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay thì tình hình đã khác nhiều. Do quá trình hội nhập khu vực và thế giới, số lượng các từ có âm [p] từ nước ngoài vào Việt Nam không còn ít như trước mà ngày một tăng lên. Có thể nói là càng ngày càng nhiều. Như thế, việc không dạy âm [p] trong Sách Tiếng Việt 1 của bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” (NXB Giáo dục Việt Nam) là chủ trương không đúng và lạc hậu với tình hình.
Sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống chỉ dạy chữ P khi kết hợp với H tạo thành PH đọc là " phờ". Một ý kiến lý giải việc sách này chưa dạy chữ P khi đứng trước các nguyên âm vì rất ít từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm. Xin cho biết quan điểm của ông?
Tôi đã đọc bài của Tổng chủ biên lý giải về việc dạy chữ [p] trong Sách Tiếng Việt 1 của bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” (NXB Giáo dục Việt Nam) trên Báo Mới ngày 24/02/2022 và thấy, cách giải thich của ông Tổng chủ biên chưa hướng đúng vào trọng tâm của dư luận; đó là dạy âm [p] khi nó đứng trước các nguyên âm. Rõ ràng, chỉ giới thiệu các từ có âm [p] là chưa đủ mà phải dạy nó với tư cách là một phụ âm đầu. Dù có quan niệm cho rằng, đó là âm ngoại lai, nhưng thực tế nó đã đi vào hệ thống ngữ âm tiếng Việt. Tất nhiên, biện lý rằng, nhà ngữ âm hàng đầu của Việt Nam coi đó là âm ngoại lai nên có thể coi đó không phải là phụ âm đích thực của tiếng Việt và không chú trọng dạy nó. Như thế lại càng sai hơn nữa, vì như tôi nhấn mạnh, cách quan niệm như vậy là cách quan niệm rất cũ. Chứng cớ là, trong danh mục tên người và địa danh của các dân tộc thiểu số Việt Nam, âm [p] là một âm không hiếm gặp: Giàng A Páo, Sa Pa, Pắc Bó (Pác Bó) … trong đó có cả các địa danh có tính lịch sử.
Như thế, quan niệm cho rằng, chưa dạy chữ p vì rất ít từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm là quan niệm thiếu tính khoa học, đặc biệt rất xa rời thực tiễn phát triển của ngôn ngữ cũng như của xã hội.
Theo thông lệ trên thế giới, thường sau 20 năm người ta phải thay SGK để tránh tụt hậu. Từ thời điểm như tôi vừa nêu, đến nay đã trải qua 30 – 40 năm rồi. Chủ trương dạy tiếng Việt như vậy theo tôi là chưa đáp ứng được chuyên môn cũng như thực tế. Nó rất bất lợi cho khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ em.
|
Rất nhiều từ trong vốn từ vựng của cha ông là... ngoại lai hay sao?
Có ý kiến cho rằng, âm p (pờ) cần được dạy độc lập và chữ P cũng phải được đứng ngang hàng với các phụ âm khác trong bảng chữ cái, chứ không thể bỏ ra khỏi mục lục của SGK. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
Tôi cho rằng, quan niệm âm [p] là âm mượn từ nước ngoài cần được xem xét lại vì trên thực tế âm này, như đã nói, không hiếm gặp khi ta khảo sát tên người và địa danh của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nó là một phụ âm vẫn được sử dụng hàng ngày trong ngôn ngữ các dân tộc. Hơn nữa, dù quan niệm âm [p] là một âm mượn từ tiếng nước ngoài, nhưng thực tế nó đi vào tiếng Việt đã khá lâu và tham gia vào hệ thống ngữ âm tiếng Việt như một yếu tố không thể thiếu của hệ thống. Nói cách khác, nó phải được quan tâm một cách bình đẳng với các âm khác khi dạy tiếng Việt cho học sinh. Đó là chưa nói, cần phải dành nhiều thời gian hơn và công phu hơn để dạy nó.
Ngôn ngữ của đồng bào dân tộc có hàm lượng và tần suất xuất hiện của âm p (pờ) rất nhiều. Theo ông, điều này có ảnh hưởng gì đến việc dạy môn Tiếng Việt 1 cho con em đồng bào dân tộc?
Rõ ràng, việc thiếu phương pháp cũng như có chủ trương không đúng về môn này sẽ có tác hại lớn vì nó sẽ tạo ra khó khăn không cần và không nên có đối với trẻ em các dân tộc thiểu số. Trong khi, hàng ngày các em vẫn nghe người lớn nói đến các từ có âm [p] nhưng lại không được học cách phát âm cũng như cách ghép chữ cái để hiểu nó thì hiệu quả việc học tiếng Việt sẽ rất thấp. Hơn nữa, nếu coi âm [p] là âm ngoại lai, thì hóa ra các em phải hiểu rất nhiều từ trong vốn từ vựng của cha ông mình là ngoại lai hay sao??? Các em sẽ nghĩ gì khi ngay cả tên người, tên đất như : A Páo, Pí lèng, Pắc Bó (Pác Bó)… đều là các tên gọi phải mượn âm của tiếng nước ngoài???
Liệu NXB GDVN cũng như đội ngũ biên soạn Sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cần sớm có sự điều chỉnh?
Cần điều chỉnh là thực tiễn rõ ràng đòi hỏi NXB GDVN phải có tinh thần tiếp thu. Nhưng đó là lý thuyết. Trên thực tế, nhiều ý kiến đóng góp cho nhà xuất bản này từ hai năm nay cũng khá nhiều, nhưng dường như họ chẳng mấy quan tâm. Việc họ, họ vẫn cứ làm. Ở ta, lâu nay vẫn tồn tại một thực tế như vậy. Báo chí nói là quyền của báo chí. Cuối cùng chỉ có nhân dân và học trò chịu thiệt.