Tranh biện về sách giáo khoa phải bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018

(PLM) - Trong những ngày vừa qua, sau bức thư ngỏ của ông Đào Quốc Vịnh gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phản ánh việc sách giáo khoa “Tiếng Việt 1, tập một” thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam không dạy âm “p” (âm “pờ”), chữ “p”, dư luận xã hội đã dậy sóng theo nhiều chiều. Nội dung phản ánh của ông Vịnh đã được Bộ trưởng quan tâm và kịp thời yêu cầu các cơ quan liên quan vào cuộc kiểm tra và xem xét để sớm có giải pháp khắc phục.
Đào Quốc Vịnh - Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Đào Quốc Vịnh - Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Một vấn đề tưởng như rất nhỏ như dạy một chữ “p” mà được dư luận xã hội quan tâm, Bộ trưởng kịp thời chỉ đạo xem xét thì đó là điều đáng mừng. Đặc biệt, vấn đề này còn được các nhà khoa học về ngôn ngữ và giáo dục đặc biệt quan tâm. Một xã hội mà các trí thức còn bàn luận, tham gia ý kiến là một xã hội phát triển. Sợ nhất là các trí thức quay lưng lại với các vấn đề của xã hội.

Trong quá trình tranh biện, có một vài nhà khoa học cho rằng, đây là vấn đề học thuật và những lý thuyết chuyên sâu nên một ông Hiệu trưởng tiểu học hay những cô giáo tiểu học không thể hiểu được. Tôi cho rằng quan điểm này không đúng đắn, bởi lẽ sách giáo khoa phổ thông ngoài tư cách là một công trình khoa học, nó còn phải là một sản phẩm có tính ứng dụng rất cao.Nếu sách giáo khoa cao siêu đến mức ngay cả những người trực tiếp giảng dạy và quản lý nhà trường không thể hiểu được thì làm sao có thể đạt được hiệu quả giáo dục?

Ai cũng biết rằng Chân lý là những điều giản đơn. Liệu Chân lí có bí hiểm đến mức rõ ràng sách không dạy âm “p”, chữ “p” ở bài đáng ra phải dạy mà vẫn tìm mọi cách ngụy biện là có dạy không?

Một số nhà chuyên môn còn dựa vào sách dạy “học vần” cách đây từ 20 năm (2002) đến trên 60 năm (1958) không dạy chữ “p” với tư cách là kí tự ghi một phụ âm độc lập mà chỉ dạy chữ “p” ghép với chữ “h” thành “ph” ghi âm “phờ” để biện minh rằng sách giáo khoa “Tiếng Việt 1, tập một”thuộc bộ sách “Kết nối tri thức …” không dạy riêng phụ âm “p” khi nó mở đầu âm tiết là đúng. Lập luận này không dựa trên nhận thức tiếng Việt là một SINH NGỮ và dạy SINH NGỮ khác với dạy “tử ngữ”. Người biên soạn sách không thể không biết rằng, trong sự vận động không ngừng của cuộc sống, sẽ có nhiều từ không còn được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày nữa mà chỉ còn lưu lại trong các văn tự ở vào thời kỳ chúng phổ biên; mặt khác, sẽ có hàng loạt các từ mới xuất hiện, trong có có không ít từ vay mượn ngôn ngữ Âu châu được dùng cả một thế kỷ, hay ít nhất cũng vài chục năm, đã được Việt hoá và được đưa vào Từ điển Tiếng Việt phổ thông ngang bằng với những từ thuần Việt hay Hán Việt. Những từ ấy dù có xuất xứ nước ngoài nhưng hằng ngày đã được đa số người Việt sử dụng trong giao tiếp và trong văn tự. Hơn nữa, ngoài dân tộc Kinh, nước Việt Nam thống nhất còn có 53 dân tộc anh em khác. Tên đất, tên sông núi, tên các đơn vị hành chính, tên các dân tộc anh em có âm “p” mở đầu từ lâu đã trở thành vốn từ tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia, do đó, âm “p” cũng từ lâu đã đi vào hệ thống ngữ âm tiếng Việt. Dù là vô tình hay hữu ý, người biên soạn sách Tiếng Việt lớp Một không dạy phụ âm đầu “p” thì sẽ là một thiếu sót không thể chấp nhận được và không thể nói nó là sách giáo khoa phổ thông! Với việc không dạy phụ âm đầu “p”đứng trước nguyên âm, vô hình trung tác giả cuốn sách đã loại nhiều địa danh quen thuộc như Sa Pa, Phan Xi Păng, Pác Pó, Pò Hèn, Pò Chài... và tên của nhiều địa danh làng xã khác ở miền núi mà tôi không thể liệt kê hết trong khuôn khổ bài viết này. Cũng như vậy, tên một số dân tộc như Pa Cô, Pà Thèn, Pu Péo mặc nhiên bị tác giả sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một (bộ Kết nối tri thức…) coi là từ ngoại lai, không cần dạy. Ngoài ra, âm “p”, chữ “p” còn có trong tên riêng của người dân tộc mà chúng ta chưa thể thống kê hết được, ngoài tên một số vị có chức sắc trong Hội đồng Dân tộc của Quốc hội qua các thời kỳ mà chúng ta đã biết.

Trong lời giải thích của minh, PGS. TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên quyển sách này, có cho rằng ông đã dành một trang để in đầy đủ 29 chữ cái trong đó có chữ ‘p” và coi đó là đã dạy chữ “p”, âm “p”. Tôi không tiện dùng lại hình ảnh “dựng hiện trường giả” mà ai đó đã dùng nhưng điều ông Hùng nói là một nguỵ biện không khoa học, nó chẳng khác nào ta mua thật nhiều sách đặt lên bàn mà nói với mọi người rằng ta đã đọc những cuốn sách đó. Ai cũng biết rằng các em học sinh lớp Một còn quá nhỏ để tự học. Các em cần phải có sự hướng dẫn chi tiết của thầy cô, thậm chí phải cầm tay các em dạy từng nét chữ, đặc biệt là học sinh các dân tộc miền núi lần đầu học tiếng phổ thông. Vì vậy, không dạy âm “p”, chữ “p” với tư cách là phụ âm đầu và kí tự ghi phụ âm đầu này trong tiếng Việt hiện đại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc học của học sinh 53 dân tộc anh em. Tác giả cuốn sách, PGS. TS Bùi Mạnh Hùng, cho rằng học sinh vẫn đọc được những từ có “p” là phụ âm đầu, và cho rằng đó là kết quả của cuốn sách. Đó chỉ là sự nhập nhằng trong giải trình mà thôi, vì trên thực tế, như nhiều thầy cô đã phát biểu với báo chí, để các em học sinh đọc được chữ “p”, các thầy cô đã phải chủ động bổ sung một bài dạy âm “p”, chữ “p” cho các em. Điều này càng chứng minh là sách giáo khoa không có bài dạy âm “p”, chữ “p” là một thiếu sót không thể bào chữa.

Có một số vị có học vị học hàm về ngữ văn còn cho rằng sách giáo khoa bây giờ chỉ là tài liệu, thiếu đâu các thầy cô sẽ tìm tài liệu bổ sung. Nhưng vì sao người viết sách lại không chịu sửa sai mà đẩy cái khó cho các thầy giáo, cô giáo như vậy?

Chưa kể trong tình hình dạy học trực tuyến hiện nay, nhiều phụ huynh học sinh cùng tham gia tham gia dạy học cho con em mình. Hầu hết chỉ biết căn cứ vào sách giáo khoa để dạy, làm sao có thể “chủ động” dạy âm “p”, chữ “p” cho các con?

Cần phải khẳng định rằng chủ trương “Một chương trình nhiều sách giáo khoa” là một chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện để phụ huynh học sinh, các cơ sở giáo dục được lựa chọn bộ sách mà mình yêu thích, tránh độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa. Nhưng điều đó không có nghĩa là các tác giả viết sách giáo khoa được tự do sáng tác theo cảm tính, mà ngược lại, họ phải tuân thủ các nguyên tắc và các yêu cầu tối thiểu trong mỗi phần học của từng môn học. Ví dụ, với học sinh lớp Một, trong phần ÂM, các sách giáo khoa Tiếng Việt phải dạy học sinh biết đọc âm “p”,biết viết chữ “p”và biết ghép “p” với các nguyên âm thành tiếng. Với quy định này thì rõ ràng sách giáo khoa “Tiếng Việt 1, tập một” của ông Bùi Mạnh Hùng không tuân thủ các quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành kèm theo Thông tư 32/2017 của BGD& ĐT.

Biên soạn sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa tiểu học, là một việc làm rất khó. Ngoài kiến thức về ngữ văn, người viết còn cần có hiểu biết về giáo dục học, tâm lý học, dân tộc học và nhiều lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn khác. Trong quá trình biên soạn có thể có những lỗi nhất định do vô ý, nhưng tuyệt đối không được tự ý xa rời Chương trình giáo dục. Đặc biệt, khi đã có lỗi, có sai sót thì cần phải cầu thị, tiếp tục thực hiện phương châm "Tất cả vì học sinh thân yêu!"

Người viết bài này hy vọng rằng ông Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là một trong những chuyên gia về khoa học ngữ văn và thấu hiểu những khó khăn trong công tác dạy tiếng phổ thông cho con em đồng bào các dân tộc ít người, sẽ sớm dưa ra các giải pháp kịp thời để thầy và trò ở cấp tiểu học có những cuốn sách giáo khoa đúng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà BGD& ĐT đã ban hành.