Mấy ai được có dịp chứng kiến nỗi vất vả gian truân của các thầy cô giáo “cắm bản” ở vùng sâu vùng xa như Điểm trường Thẳm Pao – Quài Tở - Tuần Giáo – Điện Biên mà không rơi nước mắt vì xót xa. Cũng làm nghề giáo viên, cũng ngày ngày lên lớp nhưng con đường gieo cái chữ nơi đây khó khăn hơn rất nhiều.
“Học trò ở đây nghèo lắm. Bố mẹ đa phần là người dân tộc thiểu số nhận thức còn hạn chế nên nhiều gia đình còn không cho con đi học vì kinh tế khó khăn quá…”, cô giáo Quàng Thị Thái đang cắm bản ở Điểm trường Thẳm Pao – Quài Tở - Tuần Giáo – Điện Biên chia sẻ.
Nhiều ngày trước khi lên lớp, cô Thái phải đến tận nhà phụ huynh động viên cho con em đi học. Mỗi khi có học sinh bị ốm, cô giáo không ngại đón trò tới lớp chăm sóc vì bố mẹ trò còn bận đi làm không thể mang theo con ốm.
Cô Quàng Thị Thái một mình chăm sóc, dạy học lo cho các em học sinh ở Điểm trường Thẳm Pao – Quài Tở - Tuần Giáo – Điện Biên |
Cô Quàng Thị Thái tâm sự: “Năm 2014 tôi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc và được phân công làm giáo viên ở Trường Mầm non Pú Nhung - Tuần Giáo. Sau đó thì về Trường Mầm non Pú Xi - Tuần Giáo. Thời gian công tác ở đây cũng rất khó khăn vì Pú Xi là một xã khó khăn nhất của huyện, xã cách trung tâm huyện 45km và cách nhà tôi 52km. Để tiện cho việc dạy học, tôi đã xin ở lại bản để dạy chữ cho các em học sinh. Tháng 9/2019 đến nay tôi được điều chuyển về công tác tại Trường Mầm non Hoa Ban - Quài Tở - Tuần Giáo. Trong năm học 2022-2023 tôi được nhà trường phân công đứng lớp giảng dạy tại Điểm bản Thẳm Pao”.
Được biết, điểm bản Thẳm Pao xã Quài Tở thuộc sự quản lý của Trường mầm non Hoa Ban. Đây là một điểm bản cách trung tâm trường 6km, cách trung tâm xã 9km, giao thông đi lại khó khăn. Đặc biệt là vào mùa mưa giáo viên phải đi bộ đến điểm trường. Bản Thẳm Pao hiện chưa có đường điện, toàn bản có 19 hộ dân với 102 nhân khẩu và 100% là dân tộc Mông.
Đã hơn 8 năm tuổi nghề, nhưng cả 8 năm thanh xuân của cô Thái chỉ gắn bó với các em nhỏ ở các bản vùng cao huyện Tuần Giáo. Có lẽ điều tốt đẹp nhất của tuổi thanh xuân mà cô Thái có được, chính là những gương mặt rạng ngời khi được đọc “ê a” từng chữ cái, khi được cô giáo dạy hát vang những bài ca thiếu nhi….
Cô Thái chia sẻ: “Ngoài công việc chuyên môn, các giáo viên cắm bản phải “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số) với bà con và học sinh. Vì ngoài khó khăn bởi đi lại, ăn ở, đối với người giáo viên “cắm bản”, ngôn ngữ giao tiếp là rào cản lớn nhất. Vì vậy, để bám trụ và dạy chữ cho các em học sinh, trước hết mình phải học tiếng của họ, rồi làm quen với họ, gần gũi với họ để giao tiếp và vận động các em đến trường”.
Các cô giáo đến từng nhà phụ huynh trong bản để vận động gia đình cho con em đến trường |
Luôn quan tâm, động viên các giáo viên cắm bản, bám trường, bám lớp, cô Dương Thị Châu lãnh đạo Trường mầm non Hoa Ban chia sẻ: “Lớp học tại điểm trường Thẳm Pao được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2017 nhờ nguồn kinh phí của quỹ từ thiện Trái tim hồng - Tấm lòng việt. Năm học 2022-2023 điểm bản Thẳm Pao có 01 lớp với 14 trẻ từ 1-5 tuổi. Do chỉ có một giáo viên là cô Thái, nên cô là người thực hiện tất cả các hoạt động nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ tại điểm trường phụ trách như: Tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ theo chương trình, chăm sóc vệ sinh cá nhân trẻ và vệ sinh môi trường, nấu ăn cho trẻ, làm vườn trồng rau cải thiện bữa ăn cho trẻ…
Các em học sinh đang được cô giáo hướng dẫn vệ sinh tay sạch sẽ |
Yêu nghề, mến trẻ, dành cả tuổi thanh xuân cho trẻ em vùng cao, cô Thái và những giáo viên vùng cao luôn được lãnh đạo đánh giá có ý thức tìm tòi học hỏi đồng nghiệp nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Không những vậy, các thầy cô nơi đây còn tích cực, nhiệt tình đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường. Được trẻ và phụ huynh tin yêu, đồng nghiệp, người thân và nhân dân bản làng nơi công tác và cư trú quý mến.
Các giáo viên tham gia xây dựng cơ sở vật chất trường học đảm bảo cho các em học sinh đến trường |
Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng Phòng giáo dục và đào tạo huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên chia sẻ: Trường Mầm non Hoa Ban có 6 điểm bản nằm cách xa trung tâm, giao thông đi lại không thuận lợi nên việc thực hiện công tác bồi dưỡng, công tác quản lý chỉ đạo cũng như kiểm tra giám sát của Ban giám hiệu, tổ chuyên môn còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, đa số trẻ em của nhà trường là con em dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, tiếng phổ thông của trẻ còn hạn chế, phong tục tập quán của các dân tộc khác nhau, lớp học ghép có nhiều độ tuổi, 4/16 nhóm/lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập, nhận thức của trẻ không đồng đều dẫn đến khó khăn trong việc truyền đạt của giáo viên cũng như việc lĩnh hội kiến thức của học sinh.
Điều kiện kinh tế của phần lớn người dân trong xã còn nghèo, tình trạng người dân đưa gia đình đi làm ăn xa nhiều do vậy ảnh hướng lớn đến việc huy động trẻ ra lớp và khó khăn trong công tác huy động tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại nhà trường.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhà trường và các giáo viên đã đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong thời gian tới, Phòng giáo dục và đào tạo sẽ kiến nghị cấp trên tạo điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung, thay thế các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ; Mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường;…. để các giáo viên yên tâm công tác, để tiếng trẻ ê a đọc bài luôn vang vọng giữa thinh không núi rừng biên viễn.