Vụ án ly hôn thụ lý “mất” 5 năm, phiên xét xử dài 4 ngày
Vừa qua, Pháp luật Media - Báo Pháp luật Việt Nam nhận được phản ánh của ông Nguyễn Thừa Khoản (trú tại xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), là nguyên đơn trong vụ án “Ly hôn, tranh chấp tài sản khi ly hôn” theo bản án số 08/2023/HNGĐ-ST của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương về việc bị những dấu hiệu sai phạm tại bản án khiến quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cụ thể, theo hồ sơ vụ án, ông Khoản và bà Nguyễn Thị Liên kết hôn vào năm 1999, hoàn toàn tự nguyện và có đăng ký kết hôn theo đúng quy định tại chính quyền địa phương. Sau khi kết hôn, vợ chồng chung sống với bố mẹ chồng được một thời gian, sau đó ra ở riêng. Hai vợ chồng chung sống được khoảng 10 năm thì phát sinh mâu thuẫn. Từ năm 2012 đến nay, ông Khoản về sống cùng bố mẹ đẻ còn bà Liên ở lại tại nhà trên đất của 2 vợ chồng (thửa đất số 398, tờ bản đồ số 05 với diện tích 173m2 tại thôn Bùi Xá, xã Nhân Quyền).
Do hôn nhân không đạt được mục đích nên ông Khoản đã yêu cầu TAND huyện Bình Giang giải quyết ly hôn. Về con chung và tài sản chung ông Khoản không yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Liên đã yêu cầu chia tài sản chung của hai vợ chồng.
Có lẽ sẽ chẳng có gì đáng nói nếu tất cả việc chia tài sản diễn ra đúng quy định vì việc ly hôn vốn đã chỉ còn là thủ tục. Thế nhưng, những bất thường của vụ việc đã khiến ông Khoản phải gửi đơn cầu cứu tới cơ quan chức năng và yêu cầu được bảo vệ quyền lợi.
Căn nhà do ông Nguyễn Thừa Khoản đi lao động xuất khẩu gửi tiền về cho bố mẹ đẻ và vay mượn người thân để xây dựng lên. |
Theo ông Khoản, điểm bất thường đầu tiên là ngay từ thủ tục thụ lý và giải quyết của TAND huyện Bình Giang. Theo đó, ông Khoản đã gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết thủ tục ly hôn từ thời điểm tháng 6/2019, nhưng đến ngày 02/11/2022 thì TAND huyện Bình Giang mới có thông báo thụ lý vụ án số 167/2022/TLST-HNGĐ. Như vậy, từ thời điểm ông Khoản nộp đơn, phải mất hơn 4 năm TAND huyện Bình Giang mới thụ lý vụ án, dù thời hạn chuẩn bị để xét xử vụ án không lâu đến vậy và được pháp luật hiện hành quy định rõ tại Điều 195 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Đáng chú ý, tháng 11/2022, TAND huyện Bình Giang mới có thông báo thụ lý vụ án nhưng Thẩm phán Nguyễn Văn Cường và Thư ký đã tiến hành lấy lời khai, đo đạc hiện trạng, kiểm đếm tài sản từ những năm 2019, 2020.
Một điểm bất thường khác mà ông Khoản chỉ ra, đó là việc với một vụ án hôn nhân gia đình không quá phức tạp, nhưng phiên xét xử đã kéo dài đến 4 ngày (từ 25-28/4/2023), sau đó lại không hỏi han gì nhiều. Vào thời điểm phiên tòa còn chưa kết thúc, Thẩm phán của TAND huyện Bình Giang chưa tuyên án nhưng ngày 27/4/2023, bản tin truyền thanh của huyện Bình Giang đã phát thông báo về kết quả xét xử trong khi đó ông Khoản còn chưa biết được bản án, đã khiến gia đình ông hoang mang và bức xúc.
Việc thẩm định tài sản chung của vụ án này, ông Khoản cho biết được định giá hoàn toàn dựa theo lời khai của bà Liên mà không căn cứ theo chứng cứ và lời khai của ông dẫn đến việc kiểm đếm cả đất nông nghiệp, đất ở của anh trai và bố, mẹ ông Khoản.
Bên cạnh đó, biên bản định giá tài sản căn cứ vào đâu, số tiền là bao nhiêu ông Khoản cũng không hề được biết. Do đó, theo hồ sơ vụ án, biên bản thẩm định giá hoàn toàn không có bất cứ chữ ký nào của các đương sự.
Từ những dấu hiệu bất thường này, sau khi Thẩm phán TAND huyện Bình Giang tuyên án sơ thẩm, ông Khoản cho rằng quyền lợi của mình đã không được đảm bảo. “Việc chia cho bà Liên hưởng 60% tài sản chung của 2 vợ chồng là không có căn cứ, vì tiền đất, tiền xây nhà là do tôi đi lao động xuất khẩu ở Malaysia gửi về và tiền của bố mẹ đẻ tôi cho. Hiện tôi không có chỗ ở, không sở hữu đất ở, phải đi ở nhờ nhưng yêu cầu chia tài sản chung, được chia đất ở lại không được Thẩm phán đồng ý. Vậy quyền quyền sở hữu về nhà ở của tôi liệu có được đảm bảo. Tôi không hiểu vì nguyên nhân gì, động cơ, mục đích từ đâu mà bản án bất lợi nhiều cho tôi đến vậy” - ông Khoản cho hay.
Viện Kiểm sát chỉ ra 4 vi phạm trong bản án sơ thẩm
Những bức xúc, thắc mắc của ông Khoản không phải là không có căn cứ do sau khi có đơn kháng cáo phúc thẩm thì Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Bình Giang đã ban hành Quyết định Kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐ-VKS-HNGĐ, chỉ ra nhiều điểm trong bản án sơ thẩm của vụ án này đã không bảo đảm quyền lợi của nguyên đơn.
Theo bản án số 08/2023/HNGĐ-ST, Thẩm phán đã tuyên, quyết định cho ông Khoản ly hôn bà Liên. Về tài sản chung, bản án quyết định chia cho bà Liên quyền sử dụng toàn bộ nhà đất với diện tích 173m2 tại thửa đất 398. Cùng với đó, chia cho ông Khoản và bà Liên phần đất nông nghiệp như nhau là 382,2 m2 đã được đào ao cá, tại cánh đồng Trại Lợn. Nhưng giao cho bà Liên sở hữu 44m tấm đan kè bờ ao, bờ ao trại xi măng, công trình chăn nuôi,…
Bà Liên chỉ phải thanh toán cho ông Khoản số tiền tổng cộng là 202.843.200 đồng (tương đương 40% giá trị đất ở và tài sản trên đất ở) do bà Liên được hưởng quyền sử dụng toàn bộ căn nhà 2 tầng và 173m2 đất ở tại thửa đất 398. Bà Liên cũng chỉ phải thanh toán hơn 8,5 triệu đồng cho những người đã có công tôn tạo, xây dựng chuồng trại, kè trạm bê tông, kè ao,….
Tuy nhiên, theo VKSND huyện Bình Giang, bản án số 08/2023/HNGĐ-ST đã có một loạt những vi phạm. Cụ thể, về tỷ lệ chia tài sản chưa bảo đảm tương xứng với công sức đóng góp của vợ, chồng.
Nội dung Quyết định Kháng nghị Phúc thẩm của VKSND huyện Bình Giang đối với bản án sơ thẩm số 08/2023/HNGĐ-ST. |
VKSND huyện Bình Giang phân tích, thửa đất số 398, diện tích 173m2 là do vợ chồng tích lũy mua được sau khi kết hôn. Năm 2006, ông Khoản đi lao động nước ngoài; đến năm 2010, vợ chồng ông bà xây nhà là do tiền ông Khoản đi lao động gửi về và tiền vay của người thân trong gia đình. Và từ năm 2015 đến nay, ông Khoản về nước, ông đã có trách nhiệm trả nợ và đã trả gần hết số nợ này.
Ông Khoản và bà Liên đã ly thân khoảng 14 năm nay, bà Liên tiếp tục sử dụng căn nhà, không có kiến tạo gì thêm trên thửa đất. Trong khi đó, ông Khoản phải đi ở nhờ nhà bố mẹ đẻ.
Do vậy, VKSND huyện Bình Giang khẳng định, Bản án sơ thẩm nhận định “bà Liên trông coi tài sản nhà đất trong nhiều năm, nên cần tính công sức duy trì tài sản cho bà Liên và chia cho bà Liên 60% trị giá tài sản” là không có căn cứ. Bản án sơ thẩm không bảo đảm quyền lợi của ông Khoản.
Thứ hai, Bản án sơ thẩm của Thẩm phán Nguyễn Văn Cường cũng vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Theo đó, hồ sơ hiện trạng kèm theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ của vụ án, thì thửa đất số 398 gồm 1 nhà 2 tầng, 01 thửa đất phía sau và có đường đi vào. VKSND huyện Bình Giang cho biết, diện tích và thửa đất phía sau hoàn toàn phù hợp với hạn mức giao đất ở, hạn mức tách thửa với đất ở nông thôn của tỉnh Hải Dương.
Cùng với đó, trong quá trình giải quyết vụ án, ông Khoản và bà Liên đều yêu cầu được chia đất ở. Hai ông bà đều không còn quyền sử dụng đất nào khác, hiện ông Khoản còn đang phải đi ở nhờ. Do vậy, VKSND huyện Bình Giang đánh giá, Bản án sơ thẩm quyết định giao toàn bộ thửa đất 398 và các công trình trên đất cho bà Liên là không đảm bảo quyền lợi của ông Khoản.
Hơn nữa, cách chia hiện vật này của Hội đồng xét xử là không có căn cứ, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị".
Ngoài ra, theo tìm hiểu, tại Điều 22 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp”. Cùng với đó, Điều 32 cũng quy định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, ...”.
Thứ ba, VKSND huyện Bình Giang cũng chỉ ra rằng, việc định giá và áp dụng kết quả tài sản cũng không đảm bảo quyền lợi của ông Khoản.
Cụ thể, ngày 20/5/2020, Hội đồng định giá đã khảo sát tài sản và định giá 1.500.000 đồng/m2. Tuy nhiên, theo quy định mới năm 2022, thì định giá đất theo vị trí của thửa đất số 398 đã là 2.700.000 đồng/m2.
Trong khi đó, quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán đã giải thích cho đương sự về quyền được yêu cầu định giá lại tài sản, nhưng lại chưa giải thích rõ cho đương sự hiểu rằng: “Nếu đương sự chia toàn bộ thửa đất diện tích 173m2 này cho ai, thì người đó phải thanh toán số tiền cho người còn lại. Vì vậy, nếu giá đất thấp, người nhận tiền sẽ chịu thiệt”. Cùng với đó, giá đất tại thời điểm định giá là thấp hơi nhiều so với giá đất thị trường thời điểm xét xử.
Do đó, VKSND huyện Bình Giang nhận định, Bản án sơ thẩm vẫn áp dụng kết quả định giá năm 2020 để giải quyết vụ án và tuyên giao toàn bộ diện tích đất 173m2 cho bà Liên, buộc bà Liên trả số tiền chỉ hơn 200 triệu đồng là không bảo đảm quyền lợi của ông Khoản.
Ngoài ra, VKSND huyện Bình Giang cũng chỉ ra những sai sót về án phí, những thiếu sót trong việc chia tài sản đất nông nghiệp, yêu cầu thanh toán số tiền chênh lệch với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đã được VKSND huyện Bình Giang chỉ ra, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm cần xem xét lại vụ án một cách công tâm./.