Xung quanh chuyện chọn SGK: “Quyết định việc lựa chọn” hay “quyết định lựa chọn”?

(PLM) - Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13, với phương châm “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, các cơ sở giáo dục trong cả nước đã lần đầu tiên được quyền tự lựa chọn sách trong những bộ sách giáo khoa phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh và điều kiện dạy học của các cô giáo, thầy giáo trong cơ sở giáo dục của mình. Tuy nhiên, xung quanh việc đổi mới này vẫn còn những vấn đề “nóng” cần phải giải quyết kịp thời.
 Xung quanh chuyện chọn SGK: “Quyết định việc lựa chọn” hay “quyết định lựa chọn”?

Còn nhiều “sạn” trong sách giáo khoa

Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13, với phương châm “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, các cơ sở giáo dục trong cả nước đã lần đầu tiên được quyền tự lựa chọn sách trong những bộ sách giáo khoa phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh và điều kiện dạy học của các cô giáo, thầy giáo trong cơ sở giáo dục của mình.

Ngay trong năm học đầu tiên triển khai Chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới lớp 1, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, dư luận xã hội và các cơ quan ngôn luận đã phản ánh về những “hạt sạn” trong SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều do NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Với tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu ngành Giáo dục lúc bấy giờ, GS. TS Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời tiếp thu ý kiến của công luận, ngay lập tức yêu cầu NXB và tác giả có tài liệu điều chỉnh, bổ sung để kịp dạy cho các em học sinh theo đúng thời gian và quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cử tri cả nước đã đồng tình với ý thức trách nhiệm của Tư lệnh ngành Giáo dục tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, tiếp theo đó, một loạt lỗi, đặc biệt là các lỗi trong SGK Tiếng Việt 1, Tiếng Việt 2, Ngữ văn 6, Khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành, lại được các cô giáo, thầy giáo, các bậc phụ huynh học sinh phát hiện và các cơ quan ngôn luận chỉ ra. Cụ thể, SGK Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã không dạy học sinh lớp 1 viết chữ hoa, đưa một số ngữ liệu hiện đang dạy trong chương trình Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở (truyện “Tôi đi học” của Thanh Tịnh) xuống dạy ở lớp 1, biến một áng văn hay được nhiều chục thế hệ học sinh yêu mến trở thành một bài tập đọc bị gọt đẽo thô bạo, không còn mang hồn cốt của nguyên tác, gây phản cảm trong giáo dục mỹ học đối với học sinh. Đặc biệt mới đây, dư luận xã hội và các cơ quan truyền thông lại phát hiện ra SGK Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ P độc lập với tư cách là một phụ âm đứng trước (ví dụ: Po, Pô, Pi, Pa…) với lý do trong tiếng Việt rất ít từ có phụ âm P đứng trước các nguyên âm hoặc có chăng là từ ngoại lai. Đây là một sai lầm lớn mà cả người biên soạn SGK, NXB và Hội đồng quốc gia thẩm định SGK mắc phải, bởi lẽ ngay từ năm 1987, SGK Tiếng Việt 1 do chính NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành đã dạy học sinh lớp 1 những kiến thức này. Hơn nữa, những từ mà Tổng Chủ biên SGK Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức cho là từ ngoại lai thực chất đã được Việt hóa và trở thành tài sản của Tiếng Việt hiện đại, được đưa vào Từ điển Tiếng Việt do GS Hoàng Phê Chủ biên từ năm 1987. Đây là sai lầm về quan điểm dạy tiếng Việt với tư cách là một SINH NGỮ như báo chí đã đề cập. Mặt khác, SGK Tiếng Việt là sách dạy chung cho con em đồng bào 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Việc không dạy chữ P và âm Pờ trong tiếng Việt sẽ làm cho con em của 53 dân tộc ít người gặp khó khăn trong việc tiếp cận và học tiếng phổ thông, theo quy định của Luật giáo dục 2019 tại khoản 1 Điều 14: “Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc”. Cũng quyển SGK Tiếng Việt 1 này còn đưa ra những yêu cầu vượt chương trình, vượt quá khả năng nhận thức của học sinh lớp 1 như yêu cầu các em phát biểu cảm nghĩ về những đoạn thơ, đoạn văn, hay cảm nghĩ về một người, một sự việc.

Báo chí còn lên tiếng về những sai sót khó chấp nhận trong SGK Tiếng Việt 2, Ngữ văn 6, Khoa học tự nhiên 6 cũng thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam: Nhiều câu chuyện và hình ảnh trong SGK Tiếng Việt 2 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thiếu tính giáo dục, thiếu tính thực tiễn, có dấu hiệu vi phạm Điều kiện tiên quyết của SGK quy định tại Thông tư 33/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. SGK Khoa học tự nhiên 6 dạy sai kiến thức nghiêm trọng. SGK Ngữ văn 6 không tuân thủ quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 32/2017. Ví dụ, không dạy các ngữ liệu văn học theo thể loại để các em học sinh bước đầu làm quen với các thể loại văn học, mà dạy theo các chủ đề như dạy môn Tiếng Việt đối với học sinh tiểu học. Nhiều thể loại văn học phải dạy ở các lớp trên được đưa xuống dạy ở lớp 6. Một số ngữ liệu văn học không tiêu biểu cho thể loại hoặc gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn về chân giá trị của cái đẹp trong văn học, gây bất bình trong dư luận như bài “Bắt nạt” trong SGK Ngữ văn 6.

Qua tìm hiểu, nghiên cứu, thì những bất cập trên hầu hết xuất phát từ việc các tác giả biên soạn SGK Tiếng Việt, SGK Ngữ văn, SGK Khoa học tự nhiên đã nêu của bộ Kết nối tri thức chưa nắm chắc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định cụ thể tới từng môn học của từng cấp, từng khối lớp. Cần lưu ý rằng, các SGK do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành trước Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ có thể là tài liệu tham khảo, tuyệt đối không thể là căn cứ pháp lý để người biên soạn SGK dựa vào để bào chữa cho những sai sót rất căn bản của mình. Căn cứ pháp lý mà tất cả các cuốn SGK hiện nay phải dựa vào và thực hiện theo là Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Để những cuốn sách có những sai sót trên được đưa ra dạy học trên diện rộng trong cả nước, trách nhiệm không chỉ thuộc về người biên soạn mà trách nhiệm lớn nhất thuộc về các tổ chức, cá nhân giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có vai trò của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Nếu Hội đồng thẩm định bám sát các quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để thẩm định SGK thì sẽ không để lọt những lỗi lớn đến như vậy. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng này còn do Thông tư 33/2017 do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký ban hành ngày 21/12/2017 thiếu các quy định về đối tượng không được tham gia Hội đồng thẩm định, tạo điều kiện cho một số người có quan hệ họ hàng, thân thuộc với tác giả SGK, người tham gia làm sách tham khảo “ăn theo” SGK của một NXB tham gia Hội đồng. Đây là khe hở pháp lý dẫn đến nhiều hệ lụy trong xem xét, phê duyệt một ấn phẩm đặc biệt đưa vào lưu hành trong các cơ sở giáo dục.

Trong năm học 2021-2022, sau khi Luật giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 25/2020 cũng do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký, quy định quy trình chọn SGK cho học sinh. Tuy nhiên, Thông tư đã thể hiện không đúng nội dung của Luật giáo dục. Tại điểm c, khoản 1, Điều 32, Luật quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Thông tư này đã khéo léo chuyển quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “quyết định việc lựa chọn SGK” thành “quyết định lựa chọn SGK”. Nếu chỉ đọc lướt quy trình lựa chọn SGK tại Thông tư 25 thì thấy khá chặt chẽ và dân chủ, được thực hiện từng bước, từ cơ sở giáo dục, qua Phòng Giáo dục và Đào Tạo, đến Sở Giáo dục và Đào tạo, rồi qua Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Nhưng Thông tư 25 hoàn toàn không quy định giá trị ý kiến của cơ sở giáo dục như thế nào, tạo khe hở để một số Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh chỉ gồm tối đa 15 người phớt lờ ý kiến cơ sở, tự quyết định bằng cách bỏ phiếu kín, như bỏ phiếu bầu lao động tiên tiến trước đây. Phải chăng đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều tỉnh chỉ chọn mỗi môn học một quyển sách, thậm chí chỉ chọn một bộ sách cho hầu hết các môn học, trái với quy định “có một số SGK cho mỗi môn học” của Nghị quyết 88 của Quốc hội? Còn nguyên nhân của nguyên nhân này là gì, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, thanh tra để kết luận.

Những vấn đề mà người viết bài này nêu lên đã được nhiều cơ quan báo chí lên tiếng, thậm chí nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn và gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 14 tháng 10/2021. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã hứa với cử tri cả nước sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư 33/2017 và Thông tư 25/2020 cho phù hợp, đồng thời yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam sửa chữa những thiếu sót, sai phạm trong quá trình biên soạn, thẩm định và phát hành SGK. Nhưng tới thời điểm này, sắp diễn ra kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 14, mọi việc vẫn chưa được giải quyết. Vẫn biết rằng đó là tồn tại của nhiệm kỳ trước, nhưng nếu không được giải quyết kịp thời thì những tồn tại đó sẽ thuộc về nhiệm kỳ này.

Trước những bất cập lớn về lựa chọn, phát hành SGK, để tránh hình thành các nhóm lợi ích can thiệp làm thiếu tính khách quan và minh bạch trong công việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên ban hành Nghị quyết quy định theo tinh thần Nghị quyết 88/2014/NQQH13, giao các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK. Bởi ngay khi Luật giáo dục 2019 có hiệu lực pháp luật, thì mục c khoản 1 Điều 32 của Luật giáo dục đã thể hiện rõ những hạn chế trong việc thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng và Quốc hội về đổi mới toàn diện về giáo dục, trong đó khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn SGK, tránh độc quyền, tạo một thị trường SGK lành mạnh để các cơ sở giáo dục được tự lựa chọn những cuốn sách biên soạn đúng Chương trình, dễ dạy và dễ học, vừa đảm bảo thực hiện chủ trương “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, vừa tránh được sự thiếu nhất quán và đồng bộ khi cơ quan hành chính nhà nước can thiệp vào thị trường SGK tạo ra một thị trường cạnh tranh hoàn hảo đã được Luật cạnh tranh 2018 số 23/2018/QH14 điều chỉnh.

Điều 32, Luật Giáo dục năm 2019 quy định:

Điều 32. Sách giáo khoa giáo dục phổ thông

1. Sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quy định như sau:

a) Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; sách giáo khoa thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi Braille, sách điện tử;

b) Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

d) Tài liệu giáo dục địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

2. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định sách giáo khoa. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và hội đồng thẩm định cấp tỉnh.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định tài liệu giáo dục địa phương.