"Méo mặt" vì Thông tư “giẫm chân” Nghị định

 Khảo sát của phóng viên Pháp luật Việt Nam tại về lĩnh vực bán đấu giá tài sản tại tỉnh Bình Dương cho thấy còn hàng loạt vướng mắc đang trì néo những người thực hiện công tác này.

Khảo sát của phóng viên Pháp luật Việt Nam tại về lĩnh vực bán đấu giá tài sản tại tỉnh Bình Dương cho thấy còn hàng loạt vướng mắc đang trì néo những người thực hiện công tác này.
Một buổi Tọa đàm về công tác bán đấu giá tài sản
Một buổi Tọa đàm về công tác bán đấu giá tài sản

Hiệu quả cao, thu nhập thấp

Tìm hiểu về công tác bán đấu giá tài sản tại tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Tất Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản (gọi tắt là Trung tâm), Sở Tư pháp Bình Dương cho PLVN biết: Tại Trung tâm, các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bán đấu giá tài sản đều được cập nhật liên tục và kịp thời.

Chính vì vậy, khi có nhu cầu bán đấu giá tài sản, các đơn vị, tổ chức và cá nhân đã ký kết hoặc chuyển giao tài sản cho Trung tâm bán đấu giá và thu được hiệu quả tích cực… Cụ thể, 9 tháng qua, Trung tâm đã bán được tài sản có giá trị lên đến hơn 59 tỷ đồng (giá khởi điểm hơn 57 tỷ đồng), số tiền chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá bán gần 1,8 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, Trung tâm gặp khó cũng không ít, nhất là việc liên quan đến khoản phí đấu giá mà lẽ ra Trung tâm được hưởng, nhưng thực tế thì không. Cụ thể là khó khăn trong quá trình Trung tâm tổ chức đấu giá thành tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu và chuyển giao cho Trung tâm tổ chức bán đấu giá.

Sau khi bán đấu giá thành, Sở Tài chính căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Thông tư 137/2010/TT-BTC ngày 15/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc xác định giá khởi điểm của tài sản Nhà nước bán đấu giá và chế độ tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản nên chỉ đồng ý thanh toán chi phí bán đấu giá cho Trung tâm theo Điều 13 của Thông tư trên. Như vậy, nếu Trung tâm chấp nhận theo cách thanh toán của Sở Tài chính thì sau khi trừ các chi phí liên quan đến việc tổ chức bán đấu giá Trung tâm không dư được một khoản tiền nào.

Trong thực tế Trung tâm là đơn vị sự nghiệp tự trang trải kinh phí hoạt động mà nguồn thu kinh phí này đều phụ thuộc vào nguồn thu phí của Trung tâm trong việc bán đấu giá các loại tài sản thuộc thẩm quyền. Mặt khác, theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP thì Hội đồng bán đấu giá cấp tỉnh không còn tồn tại và nhiệm vụ bán đấu giá tài sản của Hội đồng bán đấu giá cấp tỉnh đã được chuyển giao cho Trung tâm.

Thông tư “giẫm chân” Nghị định

Liên quan đến vấn đề phí bán đấu giá, sau khi nhận được công văn (về việc hướng dẫn nghiệp vụ) của Trung tâm, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương nhận định: Đoạn cuối của khoản 2, Điều 1 Thông tư 137 quy định, “Trường hợp Trung tâm thực hiện bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước thì coi như Trung tâm thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng bán đấu giá tài sản. Việc bố trí nguồn kinh phí, quản lý, sử dụng kinh phí trong trường hợp này áp dụng như đối với Hội đồng bán đấu giá tài sản quy định tại Thông tư này”.

Tức là, trong trường hợp Trung tâm thực hiện công việc của mình thì được thanh toán theo Điều 13 Thông tư này. Tuy nhiên, theo bà Trần Nhất Huấn, Giám đốc Sở Tư pháp Bình Dương: “Điều 13 Thông tư 137 chỉ quy định “các chi phí bán đấu giá tài sản”(không phân biệt tố chức đấu giá thành hay không thành), trong khi đó Điều 43 Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ quy định về bán đấu giá tài sản: “Trong trường hợp bán đấu giá tài sản thành, Trung tâm được thanh toán phí bán đấu giá và chi phí bán đấu giá; trường hợp bán đấu giá tài sản không thành thì Trung tâm được thanh toán chi phí bán đấu giá. Như vậy, rõ ràng giữa Thông tư 137 và Nghị định 17 quy định không thống nhất về phí và chi phí bán đấu giá tài sản”.

Điều này thật sự gây khó cho địa phương trong việc áp dụng pháp luật.

Con số thẩm định giá “nhảy múa”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thẩm định giá của các tổ chức thẩm định giá (TĐG) đối với tài sản để thi hành án đang gây khó cho các tổ chức bán đấu giá, bởi thường tài sản được thẩm định giá quá cao, không sát thực tế. Do vậy, nhiều trường hợp dù Cơ quan Thi hành án Dân sự (THADS) giảm giá tài sản nhiều lần nhưng vẫn không bán được. Điều đáng nói là một số trường hợp sau khi Trung tâm đã thông báo không bán được tài sản và đương sự có yêu cầu định giá lại thì việc định giá lại thường cao hơn từ 15% - 58% so với giá ban đầu, và tất nhiên là càng không bán được, “tốn công, tốn của” Cơ quan THADS và Trung tâm…

Chẳng hạn, trường hợp Trung tâm bán đấu giá tài sản là khu đất (493,2m2) và tài sản gắn liền với đất của ông Lâm Văn Bình (xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, Bình Dương) với giá khởi điểm là 2,466 tỷ đồng. Do bán không được, Trung tâm có thông báo cho Chi cục THADS Dĩ An. Kế đó, Chị cục THADS Dĩ An yêu cầu Công ty TĐG Đông Á thẩm định giá lại tài sản thì lên hơn 3,897 tỷ đồng nên không bán được…

Những trường hợp như thế này không hiếm trong công tác bán đấu giá tài sản. Giá tài sản được mang ra thẩm định giá mà cứ “nhảy múa” như thế, thử hỏi điều gì xảy ra vẫn là một ẩn số!?.

Phong Trần – Ngọc Mai

Đọc thêm