Lũ lụt, động đất và lũ cát, 2 tháng qua, các tỉnh miền Trung chìm trong thảm họa thiên tai. Thảm họa tự nhiên kinh hoàng nhất - sóng thần - cũng là mối quan ngại của người dân. Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu về các thiên tai địa - vật lý (động đất, sóng thần) tại Việt Nam.
Động đất cấp 7 ở gần bờ có thể tạo nên sóng thần
* Thưa ông, theo các nhà khoa học thì Việt Nam chưa từng bị sóng thần tấn công. Nhưng với các thảm họa thiên tai bất thường xảy ra liên tục tại miền Trung, liệu sóng thần có đổ bộ vào Việt Nam?
- Từ tháng 4 đến tháng 10/2010, tại Việt Nam đã xảy ra tám trận động đất có độ dao động 2,3 - 4,7 độ Richter. Tất cả các trận động đất này đều thuộc loại trung bình và nhỏ nên không gây thiệt hại về người và tài sản. Trận động đất mạnh nhất mà chúng tôi ghi nhận được có tâm chấn nằm ngoài khơi và độ lớn không đủ để gây nên sóng thần.
|
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương |
Động đất ghi nhận được ở Việt Nam thời gian qua đều có nguồn gốc kiến tạo. Nói cách khác, chúng đều được phát sinh trên các đứt gãy kiến tạo hoạt động đã biết đến từ trước. Chẳng hạn, ba trận động đất ở Thanh Hóa có thể coi là một chuỗi động đất được phát sinh trên hệ đứt gãy sông Mã, còn động đất ở Phan Thiết có thể phát sinh bởi hệ đứt gãy kinh tuyến 109 độ.
Theo các nhận định khoa học, trên dải đứt gãy kinh tuyến 109 có khả năng xảy ra động đất có cường độ lớn nhất là cấp 7. Tuy nhiên, do các trận động đất thường xảy ra ngoài biển nên ở các thành phố lớn khi bị ảnh hưởng bởi chấn động lan truyền thì cấp độ động đất bị suy giảm đi.
Thực tế đến nay chưa ghi nhận được trận động đất nào có cường độ lớn nhất xảy ra trên đứt gãy này. Trường hợp động đất xảy ra gần bờ hơn thì chấn động đối với đất liền lớn hơn nên cũng khó đoán trước được điều gì xảy ra. Nếu xảy ra động đất ở cấp 7 và gần bờ thì vẫn có khả năng xảy ra sóng thần ở ven biển.
Một đứt gẫy ở Biển Đông có thể “xua” sóng thần vào miền Trung
* Thưa ông, sóng thần xuất hiện ở khu vực, quốc gia nào thì sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam?
- Nếu sóng thần xuất hiện ở Thái Bình Dương thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Vùng biển nước ta, đặc biệt là khu vực biển miền Trung có nguy cơ đối mặt với hiểm họa sóng thần cực kỳ nguy hiểm. Những nguy cơ này được cảnh báo dựa trên 25 kịch bản sóng thần có thể diễn ra trên biển Đông và bờ biển Việt Nam.
Những nghiên cứu cụ thể cho thấy, vùng bờ biển Việt Nam có nhiều khả năng phải chịu sự tác động chủ yếu từ các vùng nguồn sóng thần nằm bên trong khu vực biển Đông. Mối hiểm họa của nước ta là máng sâu Manila ở vùng biển phía tây Philippines. Máng sâu này gây ra những chấn tâm động đất rất mạnh và có khả năng phát sinh sóng thần lan qua biển Đông vào bờ biển miền Trung của Việt Nam.
Theo đó, một đứt gãy dưới Biển Đông phía tây Philippines có thể gây ra động đất cấp 9 và sóng thần. Chỉ trong vòng 2-3 tiếng, sóng thần có thể ập đến Việt Nam và vùng biển miền Trung có nguy cơ bị tàn phá nặng nề nhất.
Mưa lũ không tạo sóng thần nhưng động đất thì có
* Trong tháng 10, khi các tỉnh miền Trung chìm trong mưa lũ thì tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An xảy ra động đất. Thưa ông, vậy mưa lũ kéo dài có sinh ra động đất, sóng thần hay không?
- Câu trả lời là không vì mưa bão được hình thành bởi sự tương tác giữa các tầng không khí với môi trường nước của các biển và đại dương, còn động đất được phát sinh bởi sự giải phóng ứng suất từ bên trong quả đất ra ngoài thông qua những kẽ nứt của lớp vỏ cứng trái đất còn gọi là các đứt gẫy kiến tạo.
Tuy vậy, khi có trận động đất lớn dưới đáy đại dương, một lực địa lý mạnh tác động lên đáy biển tạo ra lực đẩy rất mạnh tác động vào một khối lượng nước khổng lồ hướng từ dưới lên mặt biển. Quá trình này tạo ra sóng thần. Động đất càng lớn, sóng thần càng mạnh. Sóng thần có thể cao hơn 10 mét và có vận tốc 800-900 km/giờ.
Công tác cảnh báo sóng thần còn nhược điểm
* Sóng thần xảy ra rất nhanh. Vậy khả năng cảnh báo sóng thần của Việt Nam thế nào, thưa ông?
- Chúng ta có khả năng cảnh báo sóng thần trước khi xảy ra khoảng 2 tiếng. Hiện hệ thống máy móc báo tin động đất ở nước ta đã được kết nối với hệ thống quốc tế. Tuy nhiên, do những nhược điểm về truyền số liệu động đất ghi nhận được tại các trạm ghi động đất, tốc độ phân tích số liệu động đất còn chậm, gây ảnh hưởng tới việc xây dựng và phát kịp thời các bản tin thông báo động đất.
Hiện chúng ta đã có hai dự án là Dự án nâng cấp mạng lưới quan trắc động đất tại Việt Nam do Viện Vật lý Địa cầu chủ trì thực hiện và Dự án xây dựng hệ thống trạm trực canh sóng thần tại các địa phương ven biển và hải đảo Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, với sự tham gia của nhiều cơ quan, trong đó có Bộ Quốc phòng, Viện Vật lý địa cầu và nhiều cơ quan khác.
Mục tiêu của Dự án là mở rộng mạng lưới trạm quan trắc động đất ra toàn lãnh thổ và hải đảo của Việt Nam, tăng số lượng trạm địa chấn. Quan trọng hơn cả là các trạm sẽ được trang bị máy ghi địa chấn dải rộng, được vận hành tự động và các dữ liệu động đất thời gian thực sẽ được truyền trực tiếp về Viện Vật lý Địa cầu qua vệ tinh/Internet. Dự án này được triển khai từ năm 2009 và sẽ kết thúc năm 2012.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Dự án hai này là việc triển khai xây dựng khoảng 100 tháp báo thiên tai sử dụng hệ thống đèn và còi phục vụ cho công tác cảnh báo đa thiên tai, trong đó có sóng thần tại các địa phương ven biển và hải đảo của Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông!
Lam Hạnh (thực hiện)