Mở cửa cho cái mới

Tuyển thủ thiếu khát vọng, huấn luyện viên ngại ngần với các nhân tố mới là hai trong số những nhận xét của người hâm mộ và giới chuyên môn khi phân tích thất bại của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cúp. Nếu thất bại là mẹ thành công thì việc tìm ra căn nguyên sự sa sút của bóng đá Việt Nam trên đấu trường khu vực nhằm bổ sung, chỉnh hướng để vực dậy đội tuyển là điều cần thiết.

Tuyển thủ thiếu khát vọng, huấn luyện viên ngại ngần với các nhân tố mới là hai trong số những nhận xét của người hâm mộ và giới chuyên môn khi phân tích thất bại của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cúp. Nếu thất bại là mẹ thành công thì việc tìm ra căn nguyên sự sa sút của bóng đá Việt Nam trên đấu trường khu vực nhằm bổ sung, chỉnh hướng để vực dậy đội tuyển là điều cần thiết.

Mô tả ảnh.
Đội tuyển Việt Nam dưới thời Calisto. (Ảnh tư liệu)
Đã có nhiều ý kiến lo ngại về hiện tượng ông Calisto ưa dùng các cầu thủ “ruột” từng giúp mình thành công trong màu áo tuyển thủ lẫn trong sắc áo câu lạc bộ, thời ông còn phục vụ cho Đồng Tâm Long An. Chuyên chú với một bộ khung đã định hình để không ảnh hưởng đến lối chơi cố hữu là chuyện thường thấy ở nhiều đội tuyển nhưng sẽ khập khiễng và thiên lệch nếu như nhà huấn luyện không chịu để mắt đến các nhân tố mới hằng ngày xuất hiện quanh mình.
Việc nhà cầm quân Bồ Đào Nha cứ một mực tung Tài Em vào sân vào lúc anh chưa hồi phục hẳn sau chấn thương, thể lực chưa kịp bù đắp là một điển hình của nhược điểm này. Nó vừa gây khó khăn cho chính Tài Em vì anh không thể chối từ sự tin dùng của người thầy dù biết hãy còn rất lâu mình mới tìm lại phong độ của một trụ đồng ở tuyến giữa, vừa làm thất vọng những tuyển thủ trẻ đang chờ dịp thi thố tài nghệ. Trong trận bán kết lượt về ở sân Mỹ Đình, ông Calisto một lần nữa rơi vào thế bị động khi Tài Em phải sớm rời sân do chấn thương. Dù lần này vết chấn thương xảy ra ở cánh tay nhưng có thể tai họa sẽ không xảy đến với anh - và với tuyển Việt Nam - nếu tiền vệ của Đồng Tâm Long An còn đủ thể lực, phong độ để tranh chấp tay đôi sòng phẳng với đối phương.

Sự xuất hiện muộn màng nhưng sống động và khởi sắc của Quang Hải trên thế công của đội tuyển trong cả hai trận bán kết cũng minh họa cho cách dùng người thiếu dũng cảm từ băng ghế huấn luyện. Ai cũng thấy từ lúc có sự góp mặt của Hải, tuyến trên của đội tuyển chơi linh hoạt hẳn lên với tính uy hiếp và áp lực cao hơn hẳn cho hàng thủ đối phương. Chưa biết chuyện gì sẽ diễn ra nếu chân sút của Khánh Hòa có mặt sớm hơn, ít nhất là vào đầu hiệp nhì, nhưng điều khán giả có thể hình dung là hàng thủ của Malaysia sẽ ít có thời gian rảnh chân dâng lên tham gia phản công như họ vẫn làm trước đó. Nhưng Quang Hải chỉ là một ví dụ điển hình vì trên hàng ghế dự bị của đội tuyển bấy giờ còn không ít những nhân tố mới khao khát được góp sức nhưng bị lãng quên.

Sẽ phi lý vô cùng nếu tình trạng này thực sự diễn ra trong nội bộ đội tuyển như nhận xét của nhiều người: Những tuyển thủ hăm hở nhất, có đủ đầy ước muốn lập công phải nhường chỗ cho các cá nhân ít nhiều phôi phai khát vọng. Đã có cảnh báo về tình trạng “ớn” bóng đá, những quá tải về tập luyện làm thui chột niềm đam mê trong một số tuyển thủ trụ cột. Ông Calisto nghe nói đã thừa nhận sai lầm khi chủ trương cho đội tuyển tập trung dài những 3 tháng, một nguyên nhân khiến chất thép của đội Việt Nam bị bào mòn. Tiếc là khi nhà cầm quân này thấy được sai sót thì bóng đá Việt Nam phải đắng cay trả lại chiếc cúp cho người ta!

TƯỜNG MINH

Đọc thêm