Mở rộng đối tượng và thi tuyển lãnh đạo cấp trưởng

(ĐNĐT) - Trước đây thí điểm, thì thi tuyển lãnh đạo cấp phó nhưng khi thành quy định bắt buộc thì sẽ thi cấp trưởng. Trúng tuyển cấp trưởng mới có điều kiện thực hiện đề án của mình đã bảo vệ thành công. Đối tượng cũng sẽ mở rộng.

(ĐNĐT) - Trước đây thí điểm. thì thi tuyển lãnh đạo cấp phó nhưng khi thành quy định bắt buộc thì sẽ thi cấp trưởng. Trúng tuyển cấp trưởng mới có điều kiện thực hiện đề án của mình đã bảo vệ thành công. Đối tượng cũng sẽ mở rộng.

Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, đã mở đầu như vậy khi sở này tổ chức lấy ý kiến của những người đã được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo qua thi tuyển trong buổi gặp mặt ngày 6-3.

Chưa có nhiều người mạnh dạn tham gia

Đây là ý kiến của nhiều người cùng nhận định qua 3 năm thành phố thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. Mặc dù số người dự thi vào mỗi chức danh bình quân là 3 người/chức danh nhưng số dư này quá ít so với số người đủ điều kiện dự thi. Chỉ duy nhất trường hợp ở quận Thanh Khê 15 người nộp hồ sơ thi tuyển 1 chức danh phó hiệu trưởng trường tiểu học.
 

Chị Hồ Thị Thu Thanh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hòa Vang: Cần đổi mới đề tài trong phần thi đề án để lớp lãnh đạo sau mới có ý  tưởng đột phá

Ông Nguyễn Thăng Hoa, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Phù Đổng, cho biết ngành giáo dục-đào tạo thành phố hưởng ứng rất mạnh chủ trương thi tuyển để bổ nhiệm lãnh đạo nhưng việc này còn mới nên nhiều người có tâm lý ngại tham gia hoặc do nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa của việc thi tuyển lãnh đạo. Do vậy, trong ngành giáo dục có một thực tế, nhiều người thực sự có kinh nghiệm, có tố chất lãnh đạo nhưng không tham gia dự thi mà người trẻ ít kinh nghiệm hơn lại mạnh dạn tham dự.

Ông Hồ Hải Nam, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Cẩm Lệ, kể lại chuyện ở quận mình: Khi thông báo rộng rãi thi tuyển chức danh lãnh đạo các phó trưởng phòng thì đến gần thời điểm tổ chức thi vẫn rất ít hồ sơ, không đảm bảo số dự thi tối thiểu vào mỗi chức danh là 3 người. UBND quận phải nhắc nhở các đơn vị động viên cán bộ, công chức của mình dự thi, đồng thời đưa việc tham gia dự thi vào tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức và xếp loại đơn vị hàng năm mới có đủ người dự thi.

Theo ông Nam, nhiều người trong diện quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo chưa mạnh dạn dự thi vì cứ nghĩ mình không thuộc diện quy hoạch “số 1” (đã được lãnh đạo cấp trên “nhắm” rồi) thì có thi cũng không đậu. Thực tế không phải vậy, ông Nam cho biết, mình không thuộc diện quy hoạch “số 1” mà vẫn trúng tuyển và được bổ nhiệm đấy thôi. Vấn đề đặt ra ở đây là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức về tham gia thi tuyển là vì trách nhiệm chung, cống hiến nhiều hơn cho phát triển của ngành, đơn vị mà mình đang công tác. Bổ nhiệm lãnh đạo qua thi tuyển là tạo không khí dân chủ, đồng thuận trong công tác cán bộ, đồng thời tạo động lực phấn đấu trong công chức trẻ.

Cần cải tiến nội dung thi

Nhiều ý kiến đề xuất khi thành phố ban hành quy định bắt buộc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo phải tổ chức thi tuyển cạnh tranh, công khai thì cần đổi mới nội dung hình thức thi tuyển. Bà Hồ Thị Thu Thanh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hòa Vang, đề nghị đổi mới đề tài trong phần thi đề án tổ chức hoạt động và phát triển đơn vị theo hướng mở, cho thí sinh chọn đề tài làm đề án. Nếu cuộc thi nào cũng cứ yêu cầu giải pháp tổ chức hoạt động và phát triển đơn vị sẽ nhàm, không có tính đột phá ở những lớp lãnh đạo sau, có thể sẽ xảy ra trường hợp copy lại đề án của người đã thi và trúng tuyển.

Theo chị Nguyễn Thanh Hiếu, Phó Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương, đề án dự thi phải sát với nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo cần tuyển. Không thể nói thi tuyển phó hiệu trưởng một cách chung chung. Mỗi phó hiệu trưởng chỉ phụ trách một mảng công việc như phó hiệu trưởng chuyên môn, phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất và hoạt động ngoài giờ, cũng như không thể lấy nhiệm vụ của hiệu trưởng để thi tuyển hiệu phó. Để khi trúng tuyển người đó mới có thể thực hiện đề án của mình trong phạm vi chức năng, quyền hạn của chức danh lãnh đạo được bổ nhiệm.

Anh Nguyễn Bá Hòa, Phó Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ, đề nghị nên mở rộng đối tượng dự thi ra ngoài khỏi đơn vị tổ chức thi tuyển lãnh đạo. Công chức ở sở này có thể thi tuyển lãnh đạo ở sở kia, miễn là có cùng lĩnh vực chuyên môn và đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện dự thi.

Nhiều ý kiến đề xuất hạ điểm cộng thêm trong phần tiêu chí cứng về tiêu chuẩn của đối tượng dự thi như có điểm cộng thêm do đã được quy hoạch nguồn cán bộ, điểm cộng do đang là lãnh đạo cấp phó. Cần tăng điểm phần thi bảo vệ đề án tổ chức hoạt động và phát triển đơn vị, tăng điểm ở nội dung kỹ năng thuyết trình, phản xạ xử lý tình huống. Bởi đây là những nội dung thi quan trọng thể hiện tố chất, năng lực lãnh đạo của thí sinh. Nhiều ý kiến đồng tình: Trong tiêu chuẩn “cứng” khó đánh giá nhất là phẩm chất đạo đức của thí sinh. Do vậy để thẩm định tiêu chuẩn này cần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của tập thể nơi thí sinh đang công tác. 

Ông Đặng Công Ngữ (ảnh), Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Việc tổ chức lấy ý kiến những người đã được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo qua thi tuyển là một phần trong đề án sở sẽ trình UBND thành phố ban hành quy định từ năm 2010 trở đi các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của thành phố khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo phải tổ chức thi tuyển cạnh tranh công khai, bình đẳng.

Mục tiêu của đề án là sẽ thi tuyển cả cấp trưởng. Anh trúng tuyển cấp trưởng mới có khả năng thực hiện đề án mình đã bảo vệ thành công. Có thể thi tuyển cả chức danh trưởng, phó cùng một lần. Ai có khả năng ở vị trí nào thì bổ nhiệm vào vị trí ấy, tránh để cán bộ, công chức phải “xếp hàng” đợi thi từ cấp phó rồi thi cấp trưởng.

Qua 3 năm thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, Đà Nẵng có 17 lượt sở, ngành, UBND quận, huyện tổ chức thi tuyển 58 chức danh lãnh đạo với 163 người tham gia.

SƠN TRUNG

Đọc thêm