Nhiều thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, cần “mở” thêm quyền cho Viện kiểm sát (VKS), tránh nguy cơ khép kín trong tố tụng.
Không biết thì không thể kháng nghị
Theo quy định của BLTTDS hiện hành, VKS chỉ tham gia phiên tòa đối với những vụ án do Toà án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, các việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, các vụ việc dân sự mà VKS kháng nghị bản án, quyết định của Toà án
|
Cần thiết "mở" thêm quyền cho VKS? |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba đánh giá: Công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự của ngành Kiểm sát thời gian qua còn nhiều bất cập, hạn chế; nguyên nhân một phần là do quy định của BLTTDS về trách nhiệm tham gia phiên tòa của VKS chưa hợp lý, chưa rõ ràng. Cũng theo bà Ba, thực tiễn thi hành BLTTDS cho thấy, trong khi đơn thư khiếu nại nhiều và tỷ lệ bản án, quyết định dân sự bị hủy, sửa cao nhưng các kháng nghị của VKS lại không nhiều.
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đồng tình: Từ khi bỏ chức năng kiểm sát chung, có địa phương suốt 3, 4 năm trời không hề kháng nghị một vụ việc nào. “Không làm (không tham gia phiên tòa, không biết về vụ việc dân sự đó –PV) thì biết gì mà kháng nghị”, ông Vượng đề nghị “khôi phục” quyền năng cho VKS như trước đây (khi chưa có BLTTDS - PV).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận, quy định giảm vai trò của VKS giống như “khuyến khích dân khiếu nại, kháng cáo”. Chuyện này phải nhìn thẳng vào thực tế để tính toán kỹ chứ không đơn giản là mở rộng hay thu hẹp quyền năng.
Bà Lê Thị Thu Ba một lần nữa thừa nhận: Trong tố tụng dân sự khi giải quyết vụ, việc dân sự từ khâu thụ lý, lập hồ sơ, thu thập, xác minh chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ và giải quyết vụ, việc đều do Tòa án thực hiện. Điều đó có nguy cơ dẫn đến tình trạng khép kín trong tố tụng, không đảm bảo khách quan. Để khắc phục những hạn chế trên, theo Ủy ban Tư pháp, dự thảo Luật cần quy định theo hướng VKS có quyền tham gia tất cả các phiên tòa xét xử vụ án dân sự và phiên họp giải quyết việc dân sự để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng,…
Tại phiên tòa, phiên họp, để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, Kiểm sát viên không phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ, việc mà chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, của người tham gia tố tụng. Còn việc kiểm sát giải quyết vụ, việc dân sự thì sau khi có bản án, quyết định của Tòa án, nếu phát hiện có sai lầm thì VKS thực hiện quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật.
VKS có quyền khởi kiện vụ án dân sự?
Trước một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định VKS được quyền khởi tố vụ án dân sự trong trường hợp cần bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước mà không có người khởi kiện, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cho biết: Thực tế hiện các tổ chức xã hội (như Hội phụ nữ, MTTQ…) có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho những người yếu thế.
Tuy nhiên, thực tế suốt 5 năm thi hành BLTTDS cho thấy, chưa có một vụ việc nào mà các tổ chức này đứng ra khởi kiện. Ông Thể dẫn chứng vụ Vedan xả thải ra môi trường, nếu VKS được quyền khởi kiện thì sẽ giúp người dân rất nhiều trong việc đòi bồi thường.
Bởi vậy, ông Thể đề nghị sửa đổi Bộ luật theo hướng VKS được khởi kiện vụ án dân sự trong các trường hợp nói trên. Tuy nhiên, dự thảo đã không đề cập đến vấn đề này mà chỉ sửa đổi quyền tham gia phiên tòa của VKS.
Thu Hằng