“Em đã có một giấc mơ cách đây 5 năm. Trong cuộc hành trình ấy có nụ cười, nước mắt và thậm chí cả đau thương. Trong 5 năm ấy, em đã bắt đầu mơ về một gia đình, được nắm tay những đứa con của mình như bao cặp vợ chồng khác”. Đó là tâm sự của Chu Thanh Hà - đại diện cho nhóm 6+ …
|
Hình chỉ mang tính minh họa (Internet) |
Những “mối tình” sét đánh
Lê Minh Trang và Nguyễn Hằng Giang đều sinh năm 1989, hiện chung sống tại Hà Nội đã được gần một năm. Gia đình Trang chấp nhận vì đã biết cảm xúc đồng giới từ khi con mình 13-14 tuổi, nhưng với Giang, mẹ em vẫn chưa thể chấp nhận được cú sốc này.
Giang tâm sự: “Nhà em chỉ có hai mẹ con nên mẹ em đau lòng lắm. Nhưng em tin với thời gian mẹ sẽ hiểu cho hạnh phúc của tụi em. Hiện tụi em đã tính tới chuyện sinh con, và em sẽ là người mang thai và sinh em bé. Dự định này tụi em sẽ thực hiện trong khoảng hơn một năm tới, khi kinh tế đã ổn định hơn”.
Cặp đôi Trịnh Thị Trà Giang (24 tuổi, sống ở Hải Dương) và Nguyễn Thị Hương (sinh viên năm thứ nhất khoa Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) dù sống cách xa nhau nhưng tình yêu đã tới với họ thật bất ngờ. Hai cô gái gặp nhau vào đúng ngày Tình yêu (14/2) trong chuyến Hương ra bắc thăm quê. “Mối tình” sét đánh ấy đã khiến cô gái trẻ xách va ly theo Giang về sống tại Hải Dương từ đầu năm tới nay. Hiện gia đình Giang đã chấp nhận cuộc sống vợ chồng của hai cô gái sau nhiều cản trở từ phía anh chị Giang, còn gia đình Hương vẫn chưa thể nguôi ngoai, thậm chí “cấm cửa”.
Dù còn khá trẻ nhưng Hương đã có những suy nghĩ nghiêm túc về cuộc sống chung của mình. Hương chia sẻ: “Trước đây em cứ hy vọng tụi em cấy được hocmon nam để em mang thai, sinh con, nhưng giờ em biết là rất khó nên buồn lắm. Em không muốn con của tụi em lại là của riêng em hay Giang, nên tụi em thống nhất là sẽ xin con nuôi. Một điều nữa em lo lắng là trên giấy tờ không thể thể hiện là gì của nhau để có thể lo cho nhau khi có chuyện gì xảy ra…”.
Những nỗi niềm không trọn vẹn
Anh Trần Khắc Tùng hiện là Giám đốc Trung tâm về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (ICS) năm nay 40 tuổi, đã có bạn trai được 12 năm. Tuy nhiên, người sống ở Hà Nội, kẻ ở TP.Hồ Chí Minh nên vẫn chưa nghĩ tới việc sống chung dù hai người được gia đình đôi bên thấu hiểu. Họ vẫn thường đùa nhau, nếu là một cặp vợ chồng bình thường thì năm nay con họ đã học hết tiểu học rồi.
Anh chia sẻ: “Hiện, đã có những cặp đôi được bố mẹ hai bên thừa nhận, ủng hộ. Thế nhưng, việc không cho phép kết hôn giữa những người đồng tính cũng khiến chúng tôi không có quyền đại diện cho nhau, không có quyền về tài sản chung, quyền thừa kế theo pháp luật, quyền đối với con nuôi, quyền ly dị và phân chia tài sản”…
Lo lắng của anh Tùng không hẳn không có lý khi theo nghiên cứu iSEE, có 29% các cặp đôi đồng tính sở hữu chung các tài sản có giá trị lớn như ô tô, sổ tiết kiệm; 18,4% có vốn đầu tư kinh doanh chung, 16% có nhà đất chung (chỉ đứng tên một trong hai người)… Nếu chia tay hoặc một bên mất đột ngột thì sẽ gây thiệt thòi cho người không có tên sở hữu những tài sản đó.
Yến (31 tuổi) ở miền Bắc, Hương (30 tuổi) ở miền Nam, tình cờ họ quen nhau qua một nhóm bạn rồi yêu nhau. Yến bỏ công việc hiện tại để vào Nam sống với người yêu. Hiện giờ, Hương và Yến đang sống hạnh phúc, cô con gái riêng của Hương đã gần 5 tuổi được nuôi lớn trong tình yêu thương của hai mẹ.
Đành rằng, với Dự thảo Luật sửa đổi về hôn nhân gia đình thì với hôn nhân đồng giới lần này đã không còn chữ “cấm”, song theo những người trong cuộc, không cấm cũng không có nghĩa là công nhận. Chu Thanh Hà - thủ lĩnh nhóm 6 + (Nhóm hoạt động vì hình ảnh tích cực của cộng đồng LGBT) phân tích, mâu thuẫn trong Dự thảo thể hiện giữa việc bảo vệ quyền lợi, hạnh phúc và giải quyết hậu quả.
Khi bắt đầu một mối quan hệ, hai người luôn có niềm tin sẽ đem lại hạnh phúc cho nhau, nhưng Dự thảo lại đưa ra mặt thiếu tích cực của mối quan hệ. Đó là chỉ khi hai người chia tay nhau thì mới giải quyết cho họ những vấn đề về tài sản và con cái. Vậy tại sao không đưa ra một điều luật để có thể bảo vệ quyền lợi cho những người này ngay từ khi họ bước chân vào mối quan hệ đó? .
Miên Thảo