Tôi không biết phải đối diện với anh ra sao trước sự thật này?. Chẳng lẽ lại dễ dàng tha thứ như lời cô ta van xin?. Còn không thì tôi biết làm gì để trả thù một người phụ nữ có hoàn cảnh đáng thương như vậy?.
Cách nay 1 tuần, tôi tình cờ phát hiện tờ biên lai chuyển tiền trong ví của anh. Có lẽ là anh chưa kịp cất vì cuối năm lu bu liên hoan, nhậu nhẹt. Thật tình là tôi không có thói quen “kiểm soát” thu nhập của chồng vì hằng tháng, anh đều làm tròn nghĩa vụ: Lãnh lương xong là rút ra, đưa ngay cho vợ không thiếu một đồng như đã thỏa thuận giữa hai vợ chồng.
Tiền lương anh đưa, chủ yếu là lo đóng tiền trường, học thêm và mọi thứ liên quan đến chuyện học hành của cô con gái út. Phần còn lại trong nhà, cả lúc cô con gái đầu chưa đi làm, tôi phải lo hết. Tôi không hề so bì, bởi đó là mức đóng góp do tôi đề xuất khi anh có công việc ổn định cách đây mấy năm. Còn tôi may mắn có chỗ làm tốt, lương cao, giờ có thêm cô con gái đầu đi làm phụ giúp nên chẳng phải nặng nề về kinh tế gia đình.
Thế mà giờ đây, tự dưng tôi thấy lòi ra cái biên nhận anh gởi tiền cho một địa chỉ lạ hoắc. Nếu đó là địa chỉ của ba mẹ hay các anh em chồng, tôi không hề thắc mắc bởi đó là trách nhiệm anh phải làm trong phần thu nhập của anh, tôi không có quyền can dự như nguyên tắc sống của mình. Đằng này, tên người nhận là một phụ nữ, mà lại ở một nơi mà cái đầu vốn nổi tiếng là nhớ dai của tôi không tài nào nhớ nổi dù tôi đã vắt óc cả đêm…
Đêm đó, tôi đã đi ra, đi vô mấy lần; hết nhìn anh ngủ lại ngắm nghía cái biên nhận. Ngày tháng ghi trên đó còn mới tinh, có nghĩa là anh vừa mới gởi trong ngày... Người nhận tiền là ai, là ai? Câu hỏi đó hành hạ tôi suốt đêm.
Hôm sau, khi anh đi làm, tôi quyết định khám phá điều bí mật đang khiến mình đau đầu. Tôi phát hiện trong tận cùng ngăn bàn làm việc của anh có một xấp biên lai giống như vậy. Thời điểm tờ biên lai đầu tiên cách đây 6 năm. Nghĩa là lúc đó, anh vẫn còn thất nghiệp sau khi đi xuất khẩu lao động về.
Hàng trăm câu hỏi nảy sinh trong đầu tôi. Mấy năm ở nước ngoài, không lẽ anh đã có người khác?. Tại sao cứ phải chu cấp cho người ta suốt từ đó tới giờ?. Nếu không liên quan thì hà cớ gì lại phải chịu trách nhiệm như vậy?.
Tôi quyết định phải đến cái nơi ghi trong tờ biên nhận. Tôi nhất quyết phải điều tra ra ngọn nguồn… Và tôi đã gặp người phụ nữ ấy. Cô ta trẻ hơn tôi rất nhiều, đang sống với người mẹ già trong một căn nhà nhỏ ở một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Điều đáng nói là, cô ta còn có một đứa con nhỏ khoảng 6-7 tuổi. Thằng bé bị di chứng chất độc da cam…
“Em với ảnh làm chung một nhà máy… Mấy năm bên đó thì cũng có qua lại, nấu ăn chung nhưng lúc sắp hết hợp đồng về nước thì mới ở chung… Em không biết mình có thai vì đã uống thuốc ngừa thai… Đến khi phát hiện thì đã hơn 5 tháng, không bỏ được. Em cũng khổ lắm, nhất là khi biết cháu bị bệnh… em không muốn sống nữa…”. Cô ta vừa khóc, vừa kể sau khi đã biết tôi là ai.
Tôi nhìn cô gái ấy, lòng trống rỗng. Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết rồi, có lẽ số tiền anh gởi chưa tới nên không thấy cô ta sắm sửa gì trong nhà. Tôi móc bóp, lấy toàn bộ tiền mặt có trong đó đưa cho cô ta: “Em cầm lấy, sắm sửa mọi thứ cho tươm tất một chút. Thật tình, chị cũng không biết tính sao. Chuyện này… thật ngoài sức tưởng tượng của chị...”.
Chỉ nói được vậy rồi tôi nghẹn lời. Còn cô ta thì bật khóc thành tiếng. Cô xin lỗi tôi, mong tôi tha thứ cho hai người, nhất là cho anh vì thật ra, giữa họ chỉ là sự thiếu vắng của hai người khác phái trong khi xa nhà chứ không có tình yêu.
Trên đường về, tôi đã đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi trong đầu. Tôi không biết phải đối diện với anh ra sao trước sự thật này?. Chẳng lẽ lại dễ dàng tha thứ như lời cô ta van xin?. Còn không thì tôi biết làm gì để trả thù một người phụ nữ có hoàn cảnh đáng thương như vậy?.
Trước mặt tôi là những ngày tết ảm đạm nhất của cuộc đời. Tôi thật sự không biết phải làm gì…
Theo Người lao động