Mộc Châu, Sơn La: Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm qua, việc hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã và đang được huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) quan tâm đẩy mạnh, bước đầu đem lại kết quả tích cực.
Mộc Châu ứng dụng công nghệ trong sản xuất chè
Mộc Châu ứng dụng công nghệ trong sản xuất chè

Ứng dụng công nghệ để tăng giá trị sản phẩm

Ông Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: Với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mộc Châu đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác. Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đồng thời liên doanh, liên kết trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình ứng dụng công nghệ trong sản xuất đều đạt năng suất cao, chất lượng tốt, môi trường an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất đang tạo ra thương hiệu một số loại nông sản của Mộc Châu như: Quả bơ Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, sữa Mộc Châu, chè Mộc Châu... Các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao trên địa bàn Mộc Châu đã được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới.

Người dân dân bắt đầu thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thủ công sang ứng dụng công nghệ.

Người dân dân bắt đầu thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thủ công sang ứng dụng công nghệ.

Hiện nay, Mộc Châu có trên 100 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, hơn 36ha nhà lưới, nhà kính, hơn 60 mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun sương và tưới nhỏ giọt Isarel… Trong đó, có trên 460ha diện tích nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP và duy trì 27 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 723ha. Trên địa bàn huyện đã có 25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và 35 chuỗi tiêu thụ sản phẩm an toàn. Thống kê năm 2021, huyện Mộc Châu đã xuất khẩu được 256 tấn hoa quả; hơn 1.100 tấn chè; 8,7 tấn dâu tằm tơ; trên 120 tấn mật ong sang thị trường các nước Trung Quốc, Pakistan, UAE, Nhật Bản, Mỹ…

Tạo tính bền vững từ ứng dụng công nghệ

Hiện nay, huyện đang tiếp tục tập trung hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu bền vững. Tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tại địa bàn. Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Trọng tâm là ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn, tạo, nhân nhanh các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, áp dụng quy trình thâm canh, siêu thâm canh, sản xuất an toàn.

Xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với một số sản phẩm nông sản chủ lực như: Chanh leo, nhãn, mận, bơ, hồng giòn, cây ăn quả có múi… với các quy trình công nghệ canh tác mới đã được các tổ chức, đơn vị chuyển giao rộng rãi cho người dân trong huyện áp dụng thành công, mang lại hiệu quả kinh tế. Từng bước cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản lạnh sau khi thu hoạch nông sản.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, năng suất, chất lượng cây ăn quả trên địa bàn ngày càng tăng lên

Nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, năng suất, chất lượng cây ăn quả trên địa bàn ngày càng tăng lên

Theo lãnh đạo huyện Mộc Châu, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại những kết quả tích cực. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền đến các cán bộ công chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trên địa bàn về các quy định, các chính sách ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ về nông nghiệp đến với bà con nhân dân, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch của huyện. Quốc Định

Đọc thêm