Trong những ngày cận kề tết Trung Thu này, lượng người đổ về phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đặc biệt đông. Đây chính là cơ hội cho kẻ gian, đặc biệt là móc túi, rạch túi hoạt động.Diễn ra như cơm bữa Dịp cận kề Tết Trung thu, lượng người đổ về phố Hàng Mã để chơi, xem, mua sắm những mặt hàng phục vụ cho Tết Trung Thu là rất lớn. Giờ cao điểm (từ 19h - 23h), lúc khách đông nghịt, là thời gian “ưa thích” của các đối tượng trộm cắp, móc túi. Tối 20/9, phóng viên có mặt tại con phố này. Rất đông người đi chợ Trung thu, đa phần là thanh niên và các gia đình có con nhỏ. Lượng khách phải đến hàng chục ngàn người và đây chính là cơ hội cho những tên đạo chích hoành hành.
|
Một kẻ gian (dấu X) mà người bán hàng chỉ cho PV. Thị đang chủ ý gây ra chen lấn để móc túi |
Anh Kế, một người đến chơi phố Hàng Mã bức xúc: “Tôi bị kẻ gian móc túi, dù ví để trong túi đã khoá nhưng kẻ gian vẫn mở được ra và lấy, rất may là không mất chiếc điện thoại di động”. Còn Quỳnh Trang, một bạn gái trẻ cũng hoảng hốt khi chiếc điện thoại di động và ví của mình trong túi xách không cánh mà bay. Cô cho biết, chiếc BlackBerry 9000 của cô đã được để cẩn thận trong túi xách và có khóa lại hẳn hoi, thậm chí khóa túi xách còn rất khó mở. Ngay cả chủ nhân cũng phải vất vả mới mở được ra. Vậy mà kẻ gian lợi dụng đám đông mở chiếc túi và lấy cắp đi lúc nào không biết… Một người bán hàng ở đây cho biết: Trong thời gian này, phố rất đông, tận dụng sợ sơ ý của mọi người mải ngắm hàng hay trông nom con nhỏ, bọn kẻ cắp dễ bề hành động. Những kẻ móc túi ở đây khá nhiều, hoạt động có tổ chức và đa phần là những phụ nữ trung tuổi. Thủ đoạn của chúng là đi vòng vèo khắp khu phố, tạo ra các va chạm nhỏ, ùn tắc xô đẩy để lấy cắp. Thậm chí chúng còn ngang nhiên tới mức khi đã lấy được ví, lấy hết tiền trong ví thì hô to hỏi xem ai mất ví để trả lại, hoặc vứt ngay chiếc ví đã trống rỗng xuống đường. "Hàng đêm đều có cả chục người bị móc túi, ví như vậy ở đoạn phố này..." - anh thanh niên bán hàng rỉ tai cho biết. Nguy hiểm hơn, bọn chúng hoạt động có tổ chức, khi tên này móc được, sẽ tuồn chiếc ví, điện thoại di động hoặc bất cứ thứ gì “kiếm được” cho tên khác “xử lý”. Với thủ đoạn như vậy rất khó để người bị ăn cắp có thể tìm lại được hoặc xác định bằng cớ. Kẻ gian còn thường khoác một chiếc áo trên tay để dễ dàng giấu tang vật “chôm” được. Không những vậy chúng còn đóng giả làm người mua hàng rất khéo khi dẫn theo một em bé để dễ bề hoạt động.Cơ quan chức năng bất lực? Theo quan sát của phóng viên, phố Hàng Mã vào thời điểm 8h tối ngày 20/9 đặc biệt đông người, nhưng chỉ thấy một đồng chí công an chốt tại ngã tư Hàng Mã – Hàng Lược. Ngoài ra cũng có một số dân phòng, tự quản của khu phố.
Khi được hỏi về việc này thì một thành viên đội dân phòng phường Hàng Mã chỉ lắc đầu tỏ ý ngán ngẩm. Còn đồng chí công an chốt tại ngã tư thì cũng giải thích với phóng viên rằng không có nhiều những vụ móc túi ở đây (?). Điều đáng nói là sự việc trên diễn ra khá công khai, nhưng lại không vấp phải bất kỳ sự phản ứng nào của những người xung quanh. Không phải tự dưng mà những người bán hàng ở đây biết rõ ràng thủ đoạn và mặt của những kẻ gian, nhưng bọn chúng hoạt động quá công khai và táo tợn trong khi các lực lượng chức năng thì thờ ơ… Dù phát hiện “đạo chích” không hề khó, và có thể xử lý triệt để, song bọn trộm cắp vẫn hành hoành. Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đã cận kể, đạo chích hoành hành giữa lòng phố cổ, số người bị hại ngày càng nhiều. Phải chăng cơ quan chức năng bất lực trước tệ nạn này?
Theo VOV