Thời trước thường là “xuân thu nhị kỳ”, còn thời nay lễ hội diễn ra quanh năm, bao gồm cả lễ hội truyền thống và lễ hội hiện đại. Tuy nhiên, mùa xuân vẫn là thời điểm lý tưởng nhất để “người cầm trịch” tổ chức lễ hội và để mọi tầng lớp cư dân Việt, cũng như du khách nước ngoài, tìm đến để được thăng hoa cùng với lễ hội. Lý tưởng vì khí hậu ấm áp, cây cối nảy lộc, chim chóc véo von. Còn con người thì mới qua Tết đang phơi phới xuân thì “Lợn tháng mười, người tháng giêng” các cụ đã nói thì đố có sai, dù sự ví von có hơi dân giã một chút. Lại nữa “Tháng giêng là tháng ăn chơi” dẫu thú ăn chơi, cách ăn chơi mỗi thời ít nhiều có khác nhau.
Bìa Chuyên đề pháp luật số 6 tháng 2/2011 |
Vậy trong mùa lễ hội xuân này bạn sẽ đến với lễ hội nào? Bạn sẽ về tìm về hội làng truyền thống nơi quê mình hay ngược lên vùng cao đến với những bản người Mông, người Dao..., hay xuôi về miền biển với lễ hội “cầu ngư” của ngư dân “ăn sóng nói gió”...
Dù có đi đâu, vui gì, thì bạn cũng cần tôn trọng “phép vua và lệ làng”, tức là những quy định của Nhà nước và nội quy của nơi tổ chức lễ hội. Những quy tắc đó không có mục đích nào khác hơn là nhằm bảo đảm cho lễ hội thực sự là những sinh hoạt văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh và bổ ích.
Số chuyên đề về “pháp luật quản lý lễ hội” này phân tích, giải đáp những quy định của Nhà nước về quản lý lễ hội, thực trạng tổ chức lễ hội hiện nay, những phong tục, lễ hội đặc sắc… của các vùng miền trên cả nước những ngày đầu xuân.
Ngoài ra, số chuyên đề này còn dành nhiều trang cho những thông tin về mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu, cũng như những chuyên mục thường kỳ khác như luật gia tâm sự, chân dung luật gia, truyện ngắn..
CĐPL