Quý bạn đọc thân mến!
Trường sinh bất tử, cải lão hoàn đồng luôn là giấc mơ muôn đời của nhân loại. Sở dĩ vậy vì có rất nhiều người nghĩ rằng tuổi già đồng nghĩa với chấm hết mọi giấc mơ, hoài bão, công việc và kể cả tình yêu. Cực đoan hơn nữa, người ta ví tuổi già của đời người như chiếc vỏ chanh đã bị vắt kiệt nước nằm lắt lay đợi ngày đổ bỏ...
Người Việt Nam ta có truyền thống trọng lão, kính lão đắc thọ từ xưa tới nay. Xưa tiếng tăm của Hội nghị Diên Hồng vang xa với lời thề quyết chiến chống ngoại xâm của hàng trăm bô lão, nay những lão ông lão bà chắc tay súng bảo vệ đất nước, nỗ lực làm kinh tế giỏi xây dựng quê hương. Tuổi cao chí càng cao là vậy.
Có thể khẳng định, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển có được tầm nhìn đúng đắn về người cao tuổi, trân trọng người cao tuổi vì những đóng góp trước đó của họ cho xã hội, cộng đồng, cũng như những vốn quý mà họ sẽ tiếp tục truyền dạy cho con cháu sau này. Bằng chứng là vấn đề người cao tuổi đã được đề cập đến ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946.
Trải qua một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, Luật Người cao tuổi Việt Nam ra đời năm 2009 đánh dấu mốc cho việc hệ thống chính sách dành cho người cao tuổi đã được thể chế hóa một cách hệ thống, đầy đủ và toàn diện.
Cùng với sự hiện diện của Luật Người cao tuổi, rất nhiều những sự quan tâm đặc biệt đã, đang và sẽ dành cho những “di sản quý của đất nước” – thế hệ những người cao tuổi Việt Nam. Và, cũng từ đó một nhận định đã được chứng minh: Tuổi già sống vui, sống khỏe, sống có ích không hề là chuyện chỉ có trên giấy tờ, văn bản.
Mời các bạn đón đọc chuyên đề PLVN về người cao tuổi, phát hành ngày 25/10.
BBT