Mỗi năm khoảng 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề

(HP)-Sáng 3-2, Chính phủ tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định 1956 ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch UBND thành phố  Hoàng Văn Kể dự hội nghị.

Theo đề án, bình quân hằng năm sẽ có khoảng 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100 nghìn lượt cán bộ, công chức xã. Người lao động được hỗ trợ kinh phí học nghề (tùy theo đối tượng) tối thiểu là 2 triệu đồng/người/khóa học, tiền ăn 10 nghìn đồng/ngày/người, tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng….Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, đây là đề án có tổng kinh phí lớn nhất từ trước đến nay là 25.980 tỷ đồng.

Từ nay đến năm 2020, các bộ, ngành, địa phương triển khai tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm; khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề; thí điểm các mô hình dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình, học liệu và xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề cho lao động nông thôn; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề…

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong tháng 2 này, các cơ quan trung ương hoàn thành văn bản hướng dẫn địa phương tổ chức bộ máy chỉ đạo, xây dựng biểu mẫu, quy trình xác định nhu cầu đào tạo nghề; phân bổ kinh phí, quy chế tài chính triển khai đề án…Mỗi vùng có một tỉnh, thành phố làm thí điểm, mỗi tỉnh có một huyện làm thí điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và nhân rộng kết quả mô hình thí điểm. Mặc dù trong đề án không nêu nhưng khuyến khích học sinh lớp 9 học nghề sẽ được giảm một nửa kinh phí đào tạo. Các địa phương khuyến khích doanh nghiệp tham gia đề án và vận động các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn có đóng góp kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn…/.

Đọc thêm