Mỗi ngày hơn 1.000 người châu Âu chết sớm vì ô nhiễm không khí

(PLO) - Mỗi ngày có hơn 1.000 người dân châu Âu phải chết sớm vì ô nhiễm không khí, cao gấp 10 lần số người thiệt mạng do tai nạn giao thông. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo AFP, thông tin trên được đưa ra trong báo cáo mà Tòa Kiểm toán châu Âu (ECA) - cơ quan thuộc Liên minh châu Âu (EU) chịu trách nhiệm kiểm tra công tác chi tiêu ngân sách của liên minh - vừa được công bố. Theo báo cáo, hầu hết các nước thuộc EU đều không đáp ứng các tiêu chuẩn của liên minh về chất lượng không khí.

Đặc biệt, báo cáo cho biết, tác động của tình trạng ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người ở Bulgaria và các nước Đông Âu khác thậm chí còn nghiêm trọng hơn tại một số nước lớn ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ. “Ô nhiễm không khí là rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe của người dân tại các nước EU”, ông Janusz Wojciechowski - thành viên ECA có trụ sở tại Luxembourg, người chịu trách nhiệm về bản báo cáo – cho hay. 

Theo ông Wojciechowski, trong những thập kỷ gần đây, các chính sách của EU đã góp phần giảm phát thải các loại khí độc hại nhưng chất lượng không khí vẫn chưa được cải thiện tương đương với các biện pháp được đưa ra. Đến nay, ô nhiễm không khí vẫn tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Theo báo cáo, hầu hết 400.000 ca tử vong sớm tại các nước EU mỗi năm là do trong không khí tồn tại các vật chất dạng hạt (PM), khí độc NO2 và mức độ ozone trên mặt đất ở mức độ cao. 

Để chứng minh cho lập luận của mình, báo cáo cũng đã cung cấp đồ họa cho thấy người dân tại các nước như Bulgaria, Séc, Latvia và Hungary thậm chí còn mất nhiều năm sống khỏe mạnh do ô nhiễm không khí hơn cả người dân ở hai nền kinh tế lớn của thế giới vốn “có tiếng” về việc chất lượng không khí kém là Trung Quốc và Ấn Độ.

Cụ thể, báo cáo dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2012 cho biết tính trung bình, 100 người dân sống tại Bulgaria tương đương với mất đi 2,5 năm sống khỏe mạnh do ô nhiễm không khí. Tỷ lệ này tại các nước Hungary là 100 người/1,8 năm, trong khi Trung Quốc là 100 người/1,7 năm và Ấn Độ là 100 người/1,6 năm. Tuy nhiên, ECA cảnh báo ô nhiễm không khí tại EU có thể còn tồi tệ hơn so với ước tính vì có thể các kết quả báo cáo được đo ở những nơi chất lượng không khí chưa phải là điển hình. 

Báo cáo cũng lưu ý rằng việc một số quy định về tiêu chuẩn không khí của EU vẫn yếu ớt hơn so với các khuyến nghị của WHO. Ngoài ra, theo ECA, các khoản đầu tư trực tiếp của EU có thể giúp cải thiện chất lượng không khí. Song, nhiều dự án trong số này không phải luôn đạt hiệu quả như mong muốn.

ECA trong báo cáo vừa công bố cho biết thêm rằng các nước thành viên của EU thời gian qua vẫn tiếp tục vi phạm các quy định về chất lượng không khí một cách thường xuyên, bất chấp những hành động pháp lý từ Ủy ban Châu Âu – cơ quan điều hành của EU. Hồi tháng 5 vừa qua, Ủy ban này đã đưa Đức, Anh, Pháp, Italia, Hungary và Romania ra Tòa án công lý châu Âu - tòa án cấp cao nhất của EU, có thẩm quyền đưa ra những mức phạt nặng - vì không tuân thủ những tiêu chuẩn chất lượng không khí của liên minh. 

Theo nhóm vận động Giao thông vận tải và môi trường, báo cáo vừa được công bố là một lời cảnh báo mới đối với EU về việc cần phải nghiêm túc giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí mà người dân đang đối mặt hàng ngày. Hiện, báo cáo đang được gửi tới cho các thành viên EU và Nghị viện châu Âu, trong đó đưa ra nhiều khuyến nghị như sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn không khí đã được áp dụng ở châu Âu trong 20 năm qua, gắn chất lượng không khí với các chính sách của EU đồng thời tăng cường nhận thức của người dân đối với vấn đề này.