Ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu tại Việt Nam

(PLVN) - Giờ đây biến đổi khí hậu không còn là cụm từ xa lạ với nhiều người Việt. Nhưng hiểu thế nào về sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với đất nước và con người Việt Nam thì không phải ai cũng biết. Trong khi đó, những tác hại của biến đổi khí hậu đã ngày ngày diễn ra trước mắt và len lỏi trong từng nhịp cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nhiều người dân Việt Nam.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nhiều người dân Việt Nam.

“Nếu năm nay lại hạn, lại mặn nữa thì căng lắm các chú ơi”

Anh Vũ Xuân Việt là một chuyên viên Cứu trợ về Nước sạch – Vệ sinh của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF). Có dịp đi thực địa tại 3 huyện: Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc và Ba Tri, tỉnh Bến Tre vào những ngày tháng 11/2016 (là thời điểm mà kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam được cập nhật gần nhất), Vũ Xuân Việt đã có những cảm nhận và kỷ niệm khó quên về cuộc sống biến đổi cùng khí hậu của người dân.

Anh Vũ Xuân Việt kể: “Chúng tôi được chị Phạm Thị Hồng Xuyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã dẫn tới thăm hộ bà Trần Thị Quyên tại ấp Mỹ An, xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm. Ở tuổi 72 trông bà Quyên vẫn khỏe mạnh, dù cuộc sống vất vả đầy lo toan cho gia đình làm cho bà ít cười hơn.

Dẫn chúng tôi đi men theo bờ kênh, qua cầu tiêu ao cá và chiếc cầu nhỏ dẫn vào sân nhà, bà Quyên cho hay: “Năm nay trồng dừa kém lắm các chú ạ. Gặp nước mặn dừa cho ít trái và trái nhỏ, phải đốn bỏ cho gà ăn… Những năm trước cứ 1 tháng tôi hái được 100 trái dừa. Năm nay ba tháng mới được 100 trái, mà họ chỉ mua với giá 80.000 một chục.

Dừa gáo nhỏ họ còn chê không mua cho nữa”. Tôi hỏi, hạn mặn như vậy bà có đủ nước sạch để dùng không? Bà Quyên chỉ tay sang nhà hàng xóm bảo: “Hạn, mặn mấy tháng trời, không có nước. Tôi sang hàng xóm xin nước hoài. Mà tôi xài kỹ lắm. Sợ nước hết, tôi trữ sẵn vào 1 cái thùng chứa nước mưa, hứng từ mái nhà trước lợp bằng fibro xi măng.

Nhưng tới tháng 1, tháng 2 thì nước hết rồi. Cái ăn hàng ngày của gia đình tôi trông vào việc đặt lợp của thằng cháu Diện (là cháu trai đang sống cùng bà Quyên). Từ đợt hạn mặn, đặt lợp (một cách bắt cá của người miền Tây) cũng không có gì hết trơn, đi cả ngày chừng được nửa ký thôi. Tôi nói thật với các cậu chứ cứ thế này chỉ có chết”.

Bà buồn rầu chia sẻ tiếp: “Còn chanh nữa, giờ chỉ còn 1.000/ký vì trái chanh bị nhiễm mặn vàng và đắng lắm mà người ta cũng không mua. Đầu mùa bán còn được 10.000-15.000/ký, giờ bị như vầy khó lắm”….

Bà Quyên và những trái chanh bị nhiễm mặn - nguồn ảnh Unicef.
Bà Quyên và những trái chanh bị nhiễm mặn - nguồn ảnh Unicef.

Chúng tôi tiếp tục tới thăm hộ anh Nguyễn Văn Linh, 40 tuổi, ấp Tân Phong 2, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre. Anh Linh có gương mặt rắn rỏi, cương nghị. Nhưng có lẽ cuộc sống vất vả, lo toan cho gia đình khiến da anh đen xạm và khuôn mặt có vẻ già hơn tuổi….

Được xã ấp xếp vào diện hộ nghèo, hai vợ chồng anh phải gồng mình khắc phục những ảnh hưởng của hạn, của mặn từ cuối 2015 đến giữa năm 2016. Đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử đã khiến anh chị gần như trắng tay trên một công đất trồng lúa của ông bà để lại.

Thất bát vụ mùa do hạn mặn, anh phải chăm chỉ đánh lưới, giăng câu nhiều hơn. Công việc đánh bắt cá trên dòng sông Hậu mỗi ngày mỗi khó. Thuyền thường xuyên mắc cạn do mực nước thấp hơn cùng thời điểm này những năm trước. Lũ không về, nguồn sinh kế chính của vợ chồng anh và 2 con nhỏ trở nên bấp bênh hơn…

Đưa chúng tôi ra bờ sông Hậu, anh xúc động chỉ cho chúng tôi nơi con thuyền bị mắc cạn vài tháng qua... “Con thuyền này đã nuôi sống gia đình tôi từ thế hệ cha ông tới nay nên dù khó đến mấy tôi vẫn quyết gắn bó với nó. Khi thuyền bị mắc cạn tôi phải cố xoay sở cách khác để đảm bảo cuộc sống cho gia đình”.

Anh Linh nói chuyện với chúng tôi nhưng tay vẫn không ngừng gỡ lưới trên con thuyền mắc cạn của mình và lo lắng chia sẻ: “Một năm cất lưới chỉ ăn thua có mấy tháng thôi mấy chú à, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nếu năm nay lại hạn, lại mặn nữa thì căng lắm các chú ơi”…

Anh Nguyễn Văn Linh chỉ mong trời đừng hạn nữa - nguồn ảnh Unicef.
Anh Nguyễn Văn Linh chỉ mong trời đừng hạn nữa - nguồn ảnh Unicef.

Không có nước, gia đình cũng chẳng có cái ăn

Cũng là một chuyên viên của UNICEF tại Việt Nam, năm 2017 chị Nguyễn Phương Anh đã đến Ninh Thuận. Và tại đây chị đã được nghe câu chuyện của chị Cha Ma Lế Thị Hem, một người mẹ 29 tuổi, người dân tộc Raglei ở Ninh Thuận.

“Trong chuyến đi vào cuối tháng 11 của tôi đến tỉnh miền Trung hạn hán này với mục đích là gặp gỡ những người phụ nữ của cộng đồng Raglei, cộng đồng vẫn duy trì tập quán mẫu hệ với những người phụ nữ đóng vai trò người chủ gia đình, tôi gặp Hem ở chặng dừng đầu tiên. Tôi không ngừng nghĩ đến những gì họ đã trải qua trong khoảng thời gian thiên tai vừa qua.

“Trời đã mưa, một cơn mưa rất dài! Chị không biết mọi người ở đây đã chờ đợi cơn mưa này bao lâu đâu” - Cha Ma Lế Thị Hem kể lại về cơn mưa tuần trước trong lúc nói chuyện với tôi. Chị  đã phải vất vả suốt 36 tháng qua để chống chọi với tình hình hạn hán kéo dài do không có mưa.

“Gia đình 4 người của chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào nước. Không có nước uống và sinh hoạt. Không có nước để tưới tiêu cho ruộng bắp của gia đình. Do vậy mà gia đình cũng chẳng có cái ăn,” Hem nói. 

Cũng như nhiều người dân địa phương khác, gia đình Hem lấy nước từ sông và suối để dùng hàng ngày. Trong suốt những tháng khô hạn, các con suối quen đều cạn khô. Ngay cả những hồ chứa nước trong vùng cung cấp nước cho cả khu vực cũng khô tới đáy.

Nằm ở khu vực duyên hải Việt Nam, Ninh Thuận là một trong 52 tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi hạn hán và ngập mặn do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra. Thiếu nước uống và sinh hoạt và việc sử dụng nước không an toàn để giặt giũ, rửa tay và tắm rửa dẫn đến việc gia tăng tình trạng tiêu chảy, bệnh Chân- tay- miệng và các bệnh về da khác. Thiếu nước có tác động rõ rệt đến sức khỏe trẻ em, đặc biệt là làm tăng tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng” - chị Nguyễn Phương Anh kể.

Nắng mưa không còn là chuyện của trời

Cách đây một năm, tháng 6/2018, tại “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững” những con số thiệt hại mà Việt Nam sẽ phải gánh chịu vì ảnh hưởng của BĐKH đã được đưa ra. Thật chính xác nhưng cũng thật đau lòng. 

Việt Nam nằm trong 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH 20 năm qua vì bão, lũ và sạt lở đất theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu do tổ chức Germanwatch (Đức) công bố tháng 12/2015. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh).

Tác động của BĐKH đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững. Theo Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH, khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng.

Dưới tác động của BĐKH, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.

Được biết, “Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam” được Bộ TN-MT công bố lần đầu vào năm 2009. Năm 2011, Chiến lược quốc gia về BĐKH được ban hành, xác định các mục tiêu ưu tiên cho từng giai đoạn, theo đó Bộ TN-MT đã cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào năm 2016. 

Theo kịch bản 2016, nhiệt độ tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng với mức tăng lớn nhất là khu vực phía Bắc. Lượng mưa năm có xu thế tăng trên phạm vi toàn quốc. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới yếu và trung bình có xu thế giảm nhẹ hoặc ít thay đổi, nhưng bão mạnh đến rất mạnh có xu thế gia tăng.

Về mùa đông, số ngày rét đậm, rét hại các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ đều giảm. Số ngày nắng nóng (số ngày nhiệt độ cao nhất ≥ 35 độ C) có xu thế tăng trên phần lớn diện tích cả nước, lớn nhất là ở Bắc Trung bộ.

Còn về mực nước biển, mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với giá trị tương ứng là 58cm (36-80cm) và 57cm (33-83cm); các khu vực Móng Cái - Hòn Dáu và Hòn Dáu - Đèo Ngang có mực nước biển dâng thấp nhất là 53cm (32-75cm)…

Các chuyên gia về BĐKH cảnh báo, nếu mực nước biển dâng một mét thì sẽ có khoảng 39% diện tích ĐBSCL, trên 10% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, 3% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập.

Gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng ĐBSCL, trên 9% dân số vùng Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TP.Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp. Trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của BĐKH, Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành một cách hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH như: Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ngày 10/5/2017.

Đặc biệt, nhận thức được nguy cơ, thách thức từ BĐKH, đòi hỏi một tầm nhìn, định hướng chiến lược với các giải pháp toàn diện, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực để ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững ĐBSCL, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH… 

Đọc thêm