Báo động tình trạng đuối nước khi du lịch biển

(PLVN) - Thời gian gần đây, tình trạng đuối nước khi tắm biển ở các khu du lịch và các bãi tắm biển cộng đồng đang có chiều hướng tăng đáng báo động. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước khi tắm biến ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng như biển Nha Trang, biển Ba Động, biển Đà Nẵng… khiến dư luận hoang mang phải đặt ra câu hỏi lớn về công tác cứu hộ, cứu nạn, cảnh báo đã thực sự hiệu quả nhằm ngăn ngừa những tai nạn đáng tiếc, cướp đi sinh mạng của du khách như vậy? 

Đuối nước khi tắm biển gia tăng

Vài ngày qua, thời sự đưa tin một nhóm 5 người đi tắm tại bãi biển Quang Phú (TP Đồng Hới, Quảng Bình) bị sóng cuốn ra xa bờ; không may bị đuối nước, tử vong. Khoảng tháng 4/2019, cũng có vụ việc một khách du lịch người Hà Nội trong lúc đang tắm biển ở Cù Lao Chàm không may đột quỵ và tử vong. Khoảng tháng 2/2019, có hai du khách người Nga tử vong do đuối nước quá lâu, khi nhân viên cứu hộ thực hiện hô hấp nhân tạo tại chỗ cũng không qua khỏi; chưa kể hai du khách này bị nghi đã uống nhiều rượu trước khi tắm biển.

Trong năm 2018 cũng xảy ra nhiều vụ đuối nước khi tắm biển gợi nhiều suy nghĩ. Tháng 6/2018, một khách du lịch đến từ Hà Nội chết đuổi trong lúc tắm biển tại một bãi tắm hoang ở xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc. Tháng 8/2018 khi cùng người thân và bạn bè đi du lịch tại bãi biển Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, 2 du khách quê Lâm Thao, Phú Thọ trong lúc tắm biển không may bị sóng dữ cuốn trôi.

Tháng 10/ 2018 hai du khách Trung Quốc bị đuối nước do tắm biển ban đêm ở Đà Nẵng. Cuối tháng 12/2018, một du khách người Nga cũng đã tử nạn khi đang tắm biển tại bãi tắm Hòn Chồng (Khánh Hòa) cùng nhóm bạn của mình do vòng xoáy, dòng rút nhấn chìm.

Số vụ đuối nước liên tiếp xảy ra trong những tháng đầu năm 2019 đang là những con số “ám ảnh”  gây nên sự hoang mang cho du khách có nhu cầu du lịch biển. Nguyên nhân chủ yếu như sau: Người bị đuối nước thường gặp phải sóng to, vùng nước xoáy, bị chuột rút, bơi quá xa, người gặp nạn thường chủ quan về biết bơi, không rõ địa hình..., bên cạnh đó, công tác cứu hộ chưa đảm bảo về con người, phương tiện thiếu và các quy định cảnh báo cho du khách và người dân chưa đầy đủ theo quy định.

Công tác cứu hộ, cứu nạn chưa đồng bộ

Để đảm bảo an toàn trật tự tại các bãi tắm, giảm thiểu tai nạn đáng tiếc xảy ra, tạo hình ảnh an toàn trong mắt du khách tại điểm đến biển. Công tác đảm bảo an toàn cần được ưu tiên hàng đầu, với sự phối hợp kịp thời và có trách nhiệm của các cơ quan chức năng, ban quản lý điểm du lịch, các công ty, doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ven biển, du khách và người dân.

Đơn cử, đã được áp dụng từ năm 2015 và đảm bảo thực hiện đến nay tại thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), các bãi tắm biển đều phải có bảng nội quy bãi tắm, quy định dành cho khách tắm biển, phân vùng tắm, khuyến khích vùng tắm an toàn; đồng thời có phao tiêu, cờ hiệu giới hạn an toàn; cảnh báo khu vực nguy hiểm. 

Ngoài ra, các bãi tắm cũng phải bố trí chòi canh, cử lực lượng trực cứu hộ, phương tiện cứu hộ, hệ thống loa phát thanh, pháo cứu hộ, dây cứu hộ; lực lượng cứu hộ thường xuyên túc trực 24/24 giờ ở các bãi tắm để cảnh báo, nhắc nhở, du khách, người dân không tắm ở các khu vực nguy hiểm, không ra quá xa bờ và sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra tại các bãi tắm.

Khi phát hiện có người ra khu vực nguy hiểm, thì cương quyết dùng loa phóng thanh, cờ hiệu kêu gọi quay trở vào khu vực an toàn; các lực lượng cứu hộ cần hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tham gia cứu hộ, cứu nạn; khi vượt quá giới hạn của đơn vị đề nghị báo cáo UBND thị trấn Lăng Cô để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời.

Theo số liệu của Báo Đà Nẵng, trung bình mỗi năm, lực lượng cứu hộ trên biển Đà Nẵng ứng cứu khoảng 300 trường hợp gặp nguy hiểm khi đang tắm biển. Cụ thể, Đội cứu hộ trên biển Đà Nẵng có khoảng 90 thành viên, chia làm 18 tổ phụ trách 18 bãi tắm dọc 2 tuyến biển Võ Nguyên Giáp-Hoàng Sa và Nguyễn Tất Thành.

Hầu hết những nhân viên cứu hộ là con em của ngư dân địa phương nhiều năm, chủ yếu là những người trên 40, 50 tuổi. Vào mùa hè, công việc của Đội cứu hộ bắt đầu lúc 4 giờ 30 sáng. Ngay khi vào nhận ca, nhân viên cứu hộ phải lần dò chỗ rãnh nước sâu tạo ra từ đêm trước để cắm biển cảnh báo, thả phao cho khách tắm và đứng trên thúng giữa biển nước để quan sát. Công việc kéo dài đến 10 tiếng mỗi ngày.

Cái khó của mùa hè – mùa cao điểm du lịch là các bãi biển ở Đà Nẵng có thể đạt hàng nghìn du khách mỗi ngày khiến cho công việc giám sát trở nên khó khăn. Nhưng dù là mùa du lịch thấp điểm như mùa đông, các thành viên đội cứu hộ cũng không được lơ là, vẫn phải nhận ca từ sớm và chỉ được trở về khi không còn người tắm biển.

Dù đã có quy chuẩn về việc bố trí, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn nhằm tránh tình trạng đuối nước ở biển, nhưng thực tế cho thấy công tác cảnh báo bằng biển báo nguy hiểm vẫn chưa được coi trọng, còn thiếu đồng bộ ở các khu du lịch khác nhau. Có trường hợp, biển báo nguy hiểm bị sóng đánh bật, bị trôi dạt nhưng vì Ban quản lý lơ là khắc phục đã để xảy ra tai nạn đáng tiếc. Có thể thấy, bên cạnh sự chủ quan từ phía các nạn nhân thì về mặt khách quan, họ không biết nơi nào nguy hiểm, ở dưới lòng biển chỗ nào nông, chỗ nào sâu, chỗ nào nước xoáy, chỗ nào dòng chảy.

Do vậy, khi rơi vào tình huống khẩn cấp, dù người biết bơi hay bơi giỏi cũng khó bề xử lý. Đối với trẻ em, bên cạnh sự phòng ngừa là biển cảnh báo khu vực nước xoáy, nước sâu, nguy hiểm, còn cần có sự theo sát của người lớn như cha mẹ, hướng dẫn viên du lịch hoặc nhân viên của Ban quản lý khu du lịch để hướng dẫn trẻ, cũng như kịp thời can thiệp khi có biến cố xảy ra. 

Mặt khác, có phản ánh rằng, công tác cứu hộ, cứu nạn ở nhiều bãi biển “chỉ mang tính hình thức”. Bởi trong nhiều trường hợp đuối nước là do sự lơ là của các nhân viên cứu hộ tại bãi biển; sự chậm chạp, hạn chế về chuyên môn xử lý và phương tiện sơ cứu đã để nhiều cơ hội cứu sống mạng người trôi qua trong gang tấc. Theo đó, công tác phối hợp với các phòng y tế, bệnh viện vẫn chưa thực sự kịp thời dẫn đến nhiều trường hợp, du khách đã tử vong trên đường tới bệnh viện. 

Tự cứu mình trước khi được cứu

Từ những vụ việc thương tâm đã xảy ra được báo chí đưa tin, tai nạn đuối nước có tính nguy hiểm rất cao, có thể “đánh bại” một người lớn có khả năng bơi giỏi, chứ chưa nói tới đối tượng phụ nữ, trẻ em, người không biết bơi… Tuy vậy, những tai nạn này đều có thể ngăn ngừa bằng nhiều biện pháp như cảnh báo trước, cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Dù vậy, chính những người đi du lịch cũng cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng xử lý cần thiết để có thể tự mình tránh khỏi những nguy hiểm đuối nước khi tắm biển.

Ngoài việc du khách cần tuân thủ các điều kiện về an toàn khi tham gia tắm biển; đối tượng là người không biết bơi hoặc phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em khi tắm biển cần có sự quản lý của người khác; đồng thời phải trang bị phao tắm và khởi động kỹ trước khi xuống biển, tránh chuột rút. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, cảnh báo cũng cần được tăng cường, đẩy mạnh để người dân, du khách cẩn trọng hơn khi tắm biển, tạo ý thức tự giác, tự bảo vệ mình khi tham gia tắm biển, đọc hiểu được các biển cảnh báo để dễ dàng theo dõi thực hiện.

Để xây dựng và truyền bá được hình ảnh an toàn, hấp dẫn với du khách thập phương thì công tác đảm bảo an toàn có vai trò quan trọng bậc nhất. Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy công tác an toàn ở nhiều bãi biển cộng đồng, khu du lịch biển chưa thực sự đảm bảo, nên vẫn còn tình trạng đuối nước đáng tiếc khi du khách tắm biển. Về lâu dài, nếu để tình trạng này tiếp diễn tạo tâm lý lo lắng cho du khách có thể sẽ là nguyên nhân “khép ví” của khách du lịch và gia đình khi lựa chọn những chuyến du lịch ở bãi biển của Việt Nam.