Bất lợi của “mẹ” thiên nhiên

(PLVN) - Giữa tháng 7 này, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) đã thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu (BĐKH) và quyền con người do Việt Nam, Philippines và Bangladesh đồng tác giả. 
Bất lợi của “mẹ” thiên nhiên

Chật vật đối phó thiên tai

Trong những ngày qua, châu Âu đang trải qua đợt khô cạn và nắng nóng nghiêm trọng sau khi mức nhiệt độ kỷ lục đã được ghi nhận tại lục địa này vào tháng trước. 

Tình trạng thiếu nước xảy ra tại nhiều nơi đã tác động không nhỏ tới cuộc sống người dân ở các nước thuộc khu vực này cũng như cuộc sống của các động vật hoang dã. Điển hình có thể kể đến việc những vườn nho và ruộng cà chua của nông dân tại Tây Ban Nha đã bị khô héo vì không đủ nước tưới. 

Chủ tịch Hiệp hội nông dân FDSEA tại vùng Cher của Pháp Arnaud Lespagnol cho biết, nắng nóng và hạn hán đã khiến nông dân ở vùng này phải cố gắng hết sức để hạn chế tiêu thụ nước cũng như thay đổi một số loại cây trồng để đối phó với tình hình. Hạn hán cũng đe dọa giảm một nửa sản lượng nông nghiệp ở vùng Baltic trong năm nay.

Trước tình trạng này, giới chức các nước đã phải áp dụng một loạt biện pháp để chống lại tình trạng khô hạn. Giới chức Pháp đã phải đưa ra các quy định hạn chế lãng phí nước, kêu gọi người dân chỉ sử dụng nước cho các nhu cầu thiết yếu. Người dân ở một số nơi được khuyến cáo không rửa xe.

 Tại Đức, giới chức nước này đã phải hạn chế việc đi thuyền trên 2 con sông Elbe và Oder do mực nước xuống thấp. Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas cũng cho biết Chính phủ nước này đang theo sát tình hình và sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết. 

Theo dự báo của cơ quan thời tiết AEMET của Tây Ban Nha, trong tháng 8 và 9, nước này dự kiến sẽ tiếp tục đón các đợt nắng nóng với nhiệt độ cao bất thường. Khoảng 32 triệu người dân nước này sẽ đối mặt với một mùa hè dài hơn và khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 12/7 đã công bố kết quả nghiên cứu cho rằng một loạt hiện tượng nắng nóng bất thường và thời tiết khô hanh dẫn tới các vụ cháy rừng dữ dội trong thời gian gần đây là do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. 

“Biến đổi khí hậu với nhiệt độ tăng cao và những thay đổi về mùa mưa đang làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. Ngoài mối đe dọa trực tiếp từ hỏa hoạn, cháy rừng còn thải vào bầu khí quyển các chất ô nhiễm có hại cho sức khỏe con người như bụi mịn và các khí độc hại như cácbon mônôxít, ôxít nitơ, và các hợp chất hữu cơ phi metan”, WMO cảnh báo.

Theo WMO, phần Bắc bán cầu đang ấm lên với tốc độ nhanh hơn so với cả tất cả các vùng khác của Trái Đất. Một nghiên cứu mới đây cho thấy các khu rừng ở phần Bắc Trái Đất đang bị cháy với tốc độ chưa từng thấy trong ít nhất 10.000 năm qua. Tại những vùng đất vốn nổi tiếng giá rét như Siberia và Alaska WMO cũng đã xảy ra các đợt nắng nóng bất thường. 

Theo ghi nhận của tổ chức này, các vụ cháy rừng đang xảy ra thường xuyên với mức độ khốc liệt bất thường và kéo dài ở các vùng ở Bắc cực. Tại Siberia, nhiệt độ trung bình trong tháng 6 vừa qua đã tăng mạnh so với nhiệt độ trung bình thường thấy.

Trong khi đó tại Alaska, nhiệt độ cao kỷ lục lên tới 32 độ C cũng đã được ghi nhận. Nhiệt độ tăng vọt và các vụ cháy cũng đã ảnh hưởng tới nhiều nước khác ở Bán cầu Bắc như Canada, Đức, Hy Lạp và Tây Ban Nha. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 16/7 vừa qua, Cơ quan Khí tượng Canada thông báo đã ghi nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục tại thị trấn Alert trên đảo Ellesmere thuộc Canada - một trong những nơi lạnh lẽo và xa xôi nhất có người sinh sống ở cực Bắc của Trái Đất.

Theo Cơ quan này, vào ngày 14/7, mức nhiệt tại Alert đã chạm ngưỡng kỷ lục là 21 độ C. Kỷ lục nhiệt độ trước đó được ghi nhận tại Alert là 20 độ C được ghi nhận vào ngày 8/7/1956. Trong ngày hôm sau, nhiệt độ ở đây đã giảm nhẹ xuống còn 20 độ C nhưng vẫn là mức cao chưa từng thấy tại điểm cực Bắc này. 

Theo các số liệu phân tích, nhiệt độ trung bình hàng ngày tại khu vực này trong tháng 7 thường là 3,3 độ C, trong khi mức nhiệt cao nhất trung bình cũng chỉ xấp xỉ 6 độ C. Tuy nhiên, kể từ năm 2012, khu vực này đã trải qua rất nhiều ngày nắng nóng với nhiệt độ lên tới 18,8 độ C. 

Ông Armel Castellan - chuyên gia khí tượng tại Bộ Môi trường Canada – xác nhận, trong suốt hơn 1 tuần qua, khu vực này đã chứng kiến mức nhiệt cao hơn rất nhiều so với trước đây. 

Theo ông Castellan, mức nhiệt trên phù hợp với cảnh báo cho rằng nhiệt độ tại Bắc Cực đang tăng nhanh gấp 3 lần so với phần còn lại của Trái Đất, cho thấy sự cần thiết cần phải giảm lượng khí thải carbon trên khắp thế giới càng sớm càng tốt. Các dự báo của Chính phủ Canada cũng cho thấy nhiệt độ sẽ tiếp tục ở mức cao tại Alert trong suốt tháng 7 cho tới đầu tháng 9 tới.

Thảm họa chực chờ

Trước đó, hôm 10/7, các nhà nghiên cứu về khí hậu tại Viện Công nghệ liên bang Thụy Sỹ đã công bố kết quả nghiên cứu dựa trên việc phân tích dữ liệu của 520 thành phố trên khắp thế giới để dự báo những kịch bản sẽ xảy ra nếu nhiệt độ Trái Đất tăng gần 1,5 độ C - là mức mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015. 

Ông Jean Francis-Bastin - trưởng nhóm nghiên cứu – cho hay, theo kết quả nghiên cứu, đến năm 2050, khoảng 22% các thành phố được nghiên cứu sẽ chứng kiến thời tiết cực đoan chưa từng xảy ra, như mùa khô và mùa mưa khắc nghiệt hơn. Trong đó, 64% là các thành phố nằm ở vùng nhiệt đới như Kuala Lumpur của Malaysia, Jakarta của Indonesia…

Vẫn theo kết quả nghiên cứu, khí hậu tại khoảng 77% các thành phố trong nghiên cứu cũng sẽ thay đổi đáng kể sau 30 năm nữa, trong đó các thành phố ở vùng nhiệt đới sẽ đối mặt với sự thay đổi về lượng mưa dẫn đến nguy cơ lũ lụt hoặc hạn hán nghiêm trọng. 

Còn tại châu Âu, nhiệt độ tại các thành phố sẽ tăng trung bình thêm khoảng 2,5 độ C trong cả năm, đặc biệt, vào mùa hè có thể tăng thêm lần lượt 3,5 độ. Trung bình nhiệt độ toàn cầu sẽ có thể tăng thêm 2,4 độ C, đủ để làm chết hầu hết các dải san hô. Mức tăng nhiệt độ này cao hơn mục tiêu của Hiệp định Paris hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

Đây là công trình nghiên cứu có quy mô toàn cầu đầu tiên về nguy cơ thời tiết thay đổi do Trái Đất ấm lên tại nhiều thành phố lớn trên thế giới nếu chính phủ các nước không tích cực triển khai kế hoạch nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Các nhà khoa học cho rằng nghiên cứu này có thể giúp các chính quyền thành phố điều chỉnh kế hoạch nhằm ngăn chặn những rủi ro cụ thể do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng góp phần thúc đẩy người dân thế giới thay đổi hành vi để giảm khí thải gây ra tình trạng Trái Đất ấm lên.

Tăng cường bảo đảm quyền con người 

Trong một nỗ lực nhằm thúc giục cộng đồng chung tay đối phó và giảm thiểu tác động bất lợi của BĐKH, HĐNQ LHQ hôm giữa tháng đã thông qua Nghị quyết về BĐKH và quyền con người do Việt Nam, Philippines và Bangladesh đồng tác giả. Nghị quyết về BĐKH năm nay tập trung vào tác động của BĐKH đối với quyền của người khuyết tật. 

Nhận định người khuyết tật là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các tình huống khẩn cấp, đặc biệt khi xảy ra thiên tai hoặc các hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH, Nghị quyết kêu gọi các quốc gia tăng cường các biện pháp bảo đảm quyền của người khuyết tật trước tác động bất lợi của BĐKH, đặc biệt là đảm bảo sự tham gia của người khuyết tật vào xây dựng và triển khai các chương trình ứng phó với BĐKH ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế. 

Bên cạnh đó, Nghị quyết tiếp tục kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế về trợ giúp tài chính, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển để ứng phó với BĐKH. Nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận với 43 nước đồng bảo trợ tại thời điểm thông qua.

Kể từ 2014, mỗi năm Hội đồng nhân quyền đều xem xét và thông qua một Nghị quyết về BĐKH với trọng tâm từng năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể như quyền trẻ em, quyền sức khoẻ, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh BĐKH. 

Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua Nghị quyết này cũng như trong các hoạt động của Nhóm đồng tác giả của Nghị quyết hàng năm về BĐKH tại Hội đồng nhân quyền phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế. 

Đọc thêm