Chính quyền xã Cây Thị (Thái Nguyên) để ngang nhiên khai thác vàng trái phép

(PLVN) - Ngay sát gần UBND xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên là những đống đất đá ngổn ngang, những hố sâu ngập đầy nước, máy móc, sàng rửa han gỉ bị vứt bỏ lại sau khi vàng đã bị khai thác một cách trái phép.
Hiện trường khu đất bị khai thác trái phép.
Hiện trường khu đất bị khai thác trái phép.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, khu vực khai thác vàng trái phép là do ông Phạm Duy Quyền và ông Dương Quý Đức làm chủ. Ông Đức và ông Quyền đã tập trung máy xúc, máy sàng rửa và có hành vi đào bới đất để khai thác vàng trái phép làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất tại khu vực, tác động xấu đến môi trường và làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân quanh khu vực. Diện tích đất bị đơn vị khai thác này huỷ hoại là 450m2.

Điều đáng nói, hoạt động khai thác trái phép của ông Quyền và ông Đức đã diễn ra hơn một năm nay và chỉ cách UBND xã Cây Thị vài trăm mét. Dù vậy, đơn vị này vẫn ngang nhiên đào bới, khai thác sàng rửa hàng ngày ngay “trước mắt” các cán bộ của xã Cây Thị và hàng trăm hộ dân sống trên địa bàn xã.

Có hay không sự tắc trách của cơ quan quản lý?

Nhóm phóng viên đã có buổi làm việc với UBND xã Cây Thị để tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm nghiêm trọng này. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Duy Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Cây Thị cho biết: “Đơn vị khai thác của ông Quyền và ông Đức đã hoạt động từ lâu nhưng phía xã không nắm được thời gian hoạt động của đơn vị khai thác.

Ngay khi bắt đầu xã chỉ nắm bắt được thông tin là đơn vị đào ao và không có báo cáo gì thêm về xã. Theo ông vì mỏ chỉ khai thác vào những ngày lễ, ngày thứ 7, Chủ nhật và hoạt động vào ban đêm nên phía cán bộ quản lý xã không nắm bắt được hoạt động khai thác của mỏ. Và đến khi phát hiện thì đã lập biên bản xử lý hành chính đối với đơn vị khai thác”.

Ông Hoàng Duy Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Cây Thị trao đổi với phóng viên.
 Ông Hoàng Duy Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Cây Thị trao đổi với phóng viên.

Tuy nhiên, theo thông tin nhóm phóng viên nhận được, hoạt động khai thác của mỏ này diễn ra công khai, máy xúc đào bới, sàng rửa diễn ra liên tục chứ không chỉ khai thác về đêm. Vậy nhưng, phía đơn vị quản lý là UBND xã lại không có động thái kiểm tra, xử lý hay nhắc nhở nào. Cho đến ngày 21/2/2020 mới tiến hành kiểm tra và lập biên bản xử phạt hành chính với số tiền phạt là 3.500.000 đồng.

Và đến ngày 3/5/2020 mới ban hành văn bản kiểm tra tiếp theo về nội dung máy móc cũ hỏng, lượng đất đá chất thải còn lại sau quá trình khai thác đã kết thúc của mỏ. Đây cũng là thời gian mỏ đã hoàn thành việc khai thác. Ngoài ra, phía chính quyền xã cũng không có bất cứ một công văn, biên bản báo cáo nào liên quan đến việc đào bới, khai thác của mỏ lên UBND huyện.

Tiếp đó, ngày 24/2/2020 trong văn bản bổ sung xử lý vi phạm hành chính: “Yêu cầu ông Dương Quý Đức phải thu dọn toàn bộ máy móc, dụng cụ khai thác ra khỏi vị trí khai thác, chấm dứt mọi hoạt động khai thác. San lấp mặt bằng về hiện trạng ban đầu của thửa đất, để đảm bảo canh tác nông nghiệp”.

Nhưng thực tế, đến thời điểm hiện tại, hiện trạng khu vực mỏ khai thác vẫn còn ngổn ngang máy móc, thiết bị cũ hỏng bỏ lại, mặt nền vẫn còn những hố nước lớn và nhiều đống đất đá to chưa được san lấp bằng phẳng. Liệu chính quyền địa phương đã và đang buông lỏng quản lý, làm ngơ, tiếp tay hay có lợi ích nhóm với các đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật trên địa bàn xã hay không?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm