Đắk Nông: Rừng dọc Quốc lộ 14 bị bức tử

(PLVN) -Tình trạng phá rừng, ken cây, đổ hoá chất hủy hoại rừng dọc Quốc lộ 14 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diễn biến phức tạp cả về tính chất vi phạm và mức độ thiệt hại với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Báo cáo số 381 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông về tình hình phá rừng dọc Quốc lộ 14 đoạn qua huyện Đắk Song cho biết, tổng diện tích rừng phòng hộ hiện còn dọc tuyến Quốc lộ 14 là 218,59 ha (chủ yếu là rừng thông trồng năm 1984) gồm, diện tích rừng phòng hộ hiện còn do UBND huyện Đắk Song quản lý 193,46 ha, trong đó thuộc phương án giao đất, giao rừng 162,29 ha/228,47 ha; ngoài phương án giao đất, giao rừng (khu vực được UBND tỉnh cho chủ trương giao cho Trường Quân sự địa phương quản lý): 31,7 ha; diện tích rừng phòng hộ hiện còn tại các khu vực Trường Quân sự địa phương, Trung đoàn 994 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự quản lý là 25,13 ha.

Hiện trường vụ hơn 300 cây thông tại khoảnh 8, tiểu khu 1699, thuộc Bon Păng Sim, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song đã bị khoan thân và đổ hóa chất bức tử cây.

Hiện trường vụ hơn 300 cây thông tại khoảnh 8, tiểu khu 1699, thuộc Bon Păng Sim, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song đã bị khoan thân và đổ hóa chất bức tử cây.

Từ năm 2010 đến nay tại khu vực dọc Quốc lộ 14 từ xã Trường Xuân đến thị trấn Đức An, huyện Đắk Song, lực lượng kiểm lâm phối hợp các đơn vị liên quan phát hiện, xử lý 149 vụ vi phạm, trong đó phá rừng trái pháp luật 135 vụ/38,02 ha (số vụ có đối tượng 19 vụ/2,08 ha; không phát hiện đối tượng 116 vụ/35,94 ha).

Khai thác rừng trái pháp luật 14 vụ/19,116 m3 gỗ, 58 kg nhựa thông (số vụ có đối tượng 7 vụ/3,834 m3 gỗ, 58 kg nhựa thông; không phát hiện đối tượng 7 vụ/15,282 m3 gỗ).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, nguyên nhân trên là chính quyền địa phương cấp huyện, xã chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng; việc quản lý đất đai, quản lý dân cư còn thiếu chặt chẽ, tình trạng di cư tự do đến địa phương diễn ra phức tạp.

Các đơn vị chủ rừng thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng được giao, một số trường hợp để rừng bị phá, hủy hoại nhưng chưa phát hiện, báo cáo kịp thời;diện tích rừng bị phá sau khi xử lý cơ quan chức năng giao quản lý bảo vệ không trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, quản lý bảo vệ, bị các đối tượng tái lấn, chiếm, sử dụng.

Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch đất đai, quy hoạch của ngành của chính quyền địa phương chưa đạt hiệu quả cao; tình trạng lấn chiếm đất đai, dựng nhà ở trái phép, trồng cây sai quy hoạch nhưng không được xử lý dẫn đến việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng cây nông nghiệp…

Đọc thêm