Hà Nội “điểm danh” 4 nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí

(PLVN) - Trước tình trạng ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng trong tuần qua tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội vừa có cuộc họp cùng Tổng cục Môi trường, các sở, ngành liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.  
Từ 8-14/12, chất lượng không khí Hà Nội thường xuyên ở mức xấu và rất xấu
Từ 8-14/12, chất lượng không khí Hà Nội thường xuyên ở mức xấu và rất xấu

Trong liên tiếp các ngày 10 - 16/12, chỉ số chất lượng không khí tại nhiều trạm quan trắc của Hà Nội chạm ngưỡng không tốt, có thời điểm rất xấu (AQI trong khoảng 201-300).  Giá trị trung bình của bụi PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép ở tất cả các trạm.  

Đã có 6 đợt chất lượng không khí xấu kéo dài

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong quá trình phát triển của Hà Nội, mỗi năm trung bình dân số cơ học tăng 160 nghìn người, tốc độ phát triển đô thị hóa lên 49% thời điểm hiện nay. Với vấn đề môi trường tại Hà Nội đòi hỏi thời gian, có giải pháp trước mắt và trung hạn, dài hạn.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) báo cáo, từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội xuất hiện 6 đợt kéo dài không khí có chất lượng ở mức kém, xấu và rất xấu. Cao điểm nhất là từ 8-14/12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu.

Sở TN&MT cho rằng nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng điều kiện thời tiết cực đoan; nguyên nhân chủ quan từ khí thải các phương tiện giao thông tập trung cao; một số bộ phận người dân sử dụng than tổ ong; hoạt động đốt rơm rạ; phá dỡ công trình cũ để xây dựng mới; vận chuyển vật liệu xây dựng; khí thải từ trại chăn nuôi; thu gom xử lý nước thải; ô nhiễm ao hồ, bùn thải; khói bụi từ cơ sở sản xuất trên địa bàn và tỉnh lân cận...

Sở TN&MT kiến nghị TP kiến nghị Bộ TN&MT đánh giá tác động ô nhiễm xuyên biên giới; rà soát các loại hình sản xuất phát sinh nhiều khí thải để quy hoạch công nghiệp vùng; sớm ban hành quy chuẩn khí thải với ô tô, xe máy; UBND các tỉnh lân cận tăng cường thanh, kiểm tra các khu, cụm công nghiệp sản xuất không bảo đảm môi trường...

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng nguyên nhân ô nhiễm không khí còn từ các công trình xây dựng, cải tạo đường, vỉa hè không làm hết trách nhiệm để ô nhiễm môi trường... Bên cạnh đó là từ phương tiện giao thông gia tăng, từ đầu quý 4/2019 đến nay, số xe đăng ký mới là 84 nghìn, nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên trên 6,878 triệu, chưa kể xe công an, quân đội và từ tỉnh khác về.

Đại diện quận Bắc Từ Liêm cho biết, chất lượng không khí trên địa bàn quận xấu do nhiều công trình trọng điểm như đường sắt trên cao, đường vành đai 3 và nhiều công trình khác... Bên cạnh đó, Bắc Từ Liêm có hoạt động khai thác cát, tuy quận kiểm soát bằng cách xử lý xe quá khổ, tải, rửa xe trước khi ra khỏi khu vực khai thác, nhưng số lượng lớn nên nhiều khi chưa kiểm soát hết các phương tiện.

Lắp đặt 50-70 trạm quan trắc cố định và trên cao 

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho rằng Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, trong đó có 3 vấn đề khó giải quyết, xử lý là ô nhiễm không khí, rác thải sinh hoạt, ô nhiễm nguồn nước. Đây là những vấn đề không thể giải quyết bằng một vài biện pháp hay một vài cơ quan.

Đối với chất lượng không khí xấu những ngày gần đây, đồng tình với nguyên nhân Hà Nội nêu ra, ông Tài nêu 4 nguyên nhân: Vấn đề giao thông; nguồn rác thải lớn; các dạng đốt cháy ngoài trời; các công trình xây dựng lớn trên địa bàn; và nhấn mạnh ngoài ngoài những biện pháp tức thời cần có biện pháp căn cơ, có lộ trình thực hiện.

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết TP quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường từ nhiều năm nay, đặc biệt từ năm 2015-2016 đã thực hiện quyết liệt. Bên cạnh đó, từ khi thực hiện Nghị quyết 11, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc bài bản, triển khai nhiều nhiệm vụ để bảo vệ môi trường.

Về giải pháp thời gian tới, ông Chung yêu cầu Sở TN&MT chuẩn bị địa điểm lắp đặt 50-70 trạm quan trắc cố định và trên cao để quan trắc chất lượng không khí. Về thu gom rác, đề nghị các công ty thu gom rác thải có biện pháp, tính toán các tuyến tiết kiệm, khoa học nhưng phải bảo đảm sạch cả các ngõ nhỏ, thu gom rác bao gồm cả trên các dải phân cách.

Đối với ô nhiễm ao hồ, đề nghị Sở Xây dựng, quận, huyện tiếp tục xử lý ô nhiễm tại các ao hồ, bởi đây cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường; đấu thầu nạo hút bùn, thường xuyên thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là 4 quận nội thành cần vận động người dân không sử dụng than tổ ong. Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện cho 3 nhà máy rác thải sớm đưa vào hoạt động.

Ông Chung cũng đề nghị Sở Xây dựng nghiên cứu lắp camera các xe thu gom rác xem đi đúng tuyến, đúng vị trí hay không, yêu cầu tuyệt đối không trộn lẫn rác sinh hoạt và rác xây dựng; bên cạnh đó có quy định cụ thể khi phá dỡ công trình xây dựng cần có hợp đồng với các công ty cụ thể...

Bắt đầu từ thứ Bảy, Chủ nhật tuần này các quận, huyện, thị xã phát động người dân tham gia tổng vệ sinh môi trường; bên cạnh đó tiếp tục phát động chương trình trồng cây xanh; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ, đặc biệt là đốt rác tại các làng nghề.

Chiều qua (19/12), Bộ TN&MT cùng đại diện Văn phòng Chính phủ và nhiều bộ, ngành tổ chức họp bàn để tìm nguyên nhân, giải pháp cấp bách và lâu dài để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP HCM.  

Theo Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, dù các cấp quản lý đã triển khai thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình, nhưng diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng. Do đó, Bộ tổ chức cuộc họp, trao đổi, thảo luận tình hình thực hiện quyết định của Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn 2025.

Theo ông Hà: “Trong 5 năm qua, các chỉ số ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn có xu hướng gia tăng. Cuộc họp hôm nay sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: Tìm nguyên nhân rõ ràng, chính xác về tình trạng ô nhiễm không khí; tìm các giải pháp cấp bách để ứng phó và bàn giải pháp lâu dài để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”. Ông Hà cũng khẳng định, ngay sau cuộc họp này, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường hơn nữa các giải pháp cấp bách để xác định rõ nguyên nhân tình trạng bụi mịn gia tăng.

Đọc thêm