Hải Dương chủ động phòng, chống nội đồng mùa mưa, bão, lũ

(PLVN) - Nhằm đảm bảo phục vụ, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và dân sinh kinh tế trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương đã hoàn thành phương án phòng chống úng, phân công bố trí lực lượng trực 24/24 giờ sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu úng khi xảy ra mưa bão.
Hải Dương chủ động phòng chống nội đồng mùa mưa bão lũ
Hải Dương chủ động phòng chống nội đồng mùa mưa bão lũ

Theo tìm hiểu, tỉnh Hải Dương có tổng diện tích tự nhiên 166.816 ha, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 107.536 ha, diễn tích đất chuyên cấy lúa, trồng màu, cây lâu năm là 86.363 ha. Diện tích đất trũng, triều bãi là 27.895 ha hay bị úng, ngập.

Mặt khác, do đồng ruộng ở đây cao, trũng xen kẽ, một số vùng hệ số tiêu còn thấp, một số vùng tiêu tự chảy hoàn toàn phụ thuộc vào chân triều và mực nước sông ngoài. Hàng năm từ tháng 5 đến tháng 10, nếu có áp thấp nhiệt đới hoặc bão, lũ kèm theo mưa lớn là gây ngập úng, làm thiệt hại đến mùa màng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, giảm tốc độc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Các trạm bơm tại Hải Dương đều được tiến hành tổng kiểm tra trước mùa mưa, bão, lũ.
 Các trạm bơm tại Hải Dương đều được tiến hành tổng kiểm tra trước mùa mưa, bão, lũ.

Bão, lũ thường gặp triều cường, nếu có kèm theo mưa lớn sẽ là một tổ hợp bất lợi, trùng hợp nguy hiểm, trong trường hợp đó khó có thể lường hết hậu họa do thiên tai gây ra.

Toàn tỉnh Hải Dương hiện nay có hệ thống tưới, tiêu động lực với 1.245 trạm bơm, điểm bơm gồm 2.357 máy bơm các loại, tổng công suất đặt 3.696.017 m3/h. Trong đó, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương quản lý 276 trạm bơm với 1.140 máy bơm các loại.

Gắn với hệ thống tưới tiêu động lực toàn tỉnh có hệ thống kênh dẫn cấp nước tưới, rút nước tiêu, tổng chiều dài trên 3.500 km, trong đó kênh có chiều rộng đáy > 2m là 1.698 km; kênh có chiều rộng đáy < 2m là 1.853 km và 314,8 km bờ kênh Bắc Hưng Hải, hàng nghìn km bờ vùng, bờ bao.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, chịu sự tác động của thiên nhiên và quá trình khai thác lâu ngày, các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng từ những thập kỷ 60-70 đã xuống cấp nghiêm trọng, đang tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, an toàn cần phải được chú trọng, đề phòng.

Ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương cho biết, nắm bắt được thực trạng trên, để chủ động ứng phó với thiên tai, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp nhằm phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra năm 2020.

Máy móc, công trình thủy lợi đều được bảo dưỡng, tu sửa.
 Máy móc, công trình thủy lợi đều được bảo dưỡng, tu sửa.

Theo đó, Công ty đã chỉ đạo các Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi tích cực, khẩn trương thực hiện những công việc như: Thành lập Ban chỉ huy phòng chống bão úng, thành lập tổ thường trực kỹ thuật phòng chống bão úng toàn Công ty, phân công cụ thể trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ huy và các tổ viên tổ thường trực theo kế hoạch đã được phê duyệt; Phân công thường trực trong mùa mưa bão khi nước sông ở mức báo động cấp III trở lên, khi có mưa úng lớn hoặc tin áp thấp gần bờ, bão khẩn cấp phải thường trực 24/24 giờ với 100% quân số.

Công ty cũng tiến hành tổng kiểm tra công trình thủy lợi trước lũ. Thực hiện kiểm tra từng hệ thống công trình từ công trình đầu mối đến mặt ruộng (trạm bơm, cầu cống, kênh xả, cửa cống trạm bơm tiêu ra sông ngoài, kênh dẫn…).

Từ thực tế kiểm tra, triển khai sửa chữa công trình máy bơm, động cơ, cánh cống, chống rò rỉ nước ngoại lại, nạo vét, giải tỏa tiếp những tuyến kênh mương còn ách tắc, tôn cao ấp trúc các bờ vùng, bờ khoảng còn xung yếu, chưa đủ độ cao chống tràn, tìm diệt tổ mối, phát hiện và xử lý các ẩn họa trong đê, ống trạm bơm. Sửa chữa các đường vào biến thế trạm bơm tiêu, chuẩn bị các vật tư dự trữ như động cơ, đất đá, bao tải, cọc tre… để khi có sự cố thì xử lý, thay thế được ngay.

Các kênh xả, tiêu, tưới đều được nạo vét, khai thông dòng chảy...
 Các kênh xả, tiêu, tưới đều được nạo vét, khai thông dòng chảy...

Về các trọng điểm chống tràn, sạt đê vùng nội đồng, cống dưới bờ kênh Bắc Hưng Hải tập trung ở một số xã thuộc huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, các Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi đã báo cáo UBND các huyện đó chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở chuẩn bị dự phòng vật tư tại chỗ để chủ động xử lý khi tình huống xảy ra.

Ông Tiến cho biết, theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2020 khu vực tỉnh Hải Dương dự báo bị ảnh hưởng trực tiếp từ 1 đến 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Tổng lượng mưa toàn mùa hơn 1.220mm, cao hơn trung bình nhiều năm và có thể xuất hiện từ 7 đến 9 trận mưa to đến rất to.

Trong các huyện của Hải Dương, huyện Tứ Kỳ là huyện có địa hình phức tạp, đa dạng về các loại cây trồng và cũng là vùng cuối nguồn của hệ thống Bắc Hưng Hải nên thường hay bị ảnh hưởng khi thời tiết mưa lớn, có nguy cơ bị ngập úng cao, gây thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

Để chủ động phòng chống ủng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Tứ Kỳ đã chủ động đầu tư cải tạo nâng cấp, thay thế thiết bị cho 2 trạm bơm Quảng Giang và Cống Gạch, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng.

Ngoài huyện Tứ Kỳ, các địa bàn khu vực miền núi là Kinh Môn và Chí Linh cũng cần đề phòng hiện tượng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trong mùa mưa, bão, lũ năm 2020 này.

Đọc thêm