Hạn mặn đang thiêu đốt vùng trồng cây chiến lược của ĐBSCL

(PLVN) - Lần đầu tiên, các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, tỉnh Tiền Giang - nơi nổi tiếng là vùng chuyên trồng cây ăn trái đặc sản xuất khẩu, đóng góp vào tiến trình xây dựng ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh bị hạn mặn tàn phá nặng nề.
Nước ngọt sinh hoạt được lấy từ các trụ bơm.
Ảnh: Mỹ Tiên
Nước ngọt sinh hoạt được lấy từ các trụ bơm. Ảnh: Mỹ Tiên

Mong nước ngọt, đắng nước mắt!

Đầu mùa khô 2020, độ mặn đo được trung bình gần 6 gr/lít mà sầu riêng thuộc nhóm cây mẫn cảm với mặn chỉ chịu được nồng độ mặn 0,5‰ -<1‰. Hầu hết các vườn sầu riêng ở huyện Cai Lậy đã cạn kiệt nước tưới, trong khi nước mặn xâm lấn vào tận ao, mương, vườn với độ nhiễm cao, nguy cơ thiệt hại vô cùng lớn. 

Các nhà vườn hàng tuần phải mòn mỏi chờ mua từng sà lan nước với giá hàng chục triệu đồng chỉ để tưới các vườn cây sầu riêng, khóm, vú sữa, thanh long, xoài, … trong đó, cây sầu riêng có giá trị kinh tế cao nhất, mỗi năm cho thu hoạch gần 250 ngàn tấn quả.

Bên cạnh đó, có hơn 610 ha vườn chuyên canh được cấp chứng nhận Global GAP hoặc Viet GAP đều đang khát khô, héo úa, cho năng suất thấp và trái nhỏ. Trung bình một sà lan nhỏ chở khoảng 300 – 600 m3 nước, được vận chuyển trực tiếp bơm lên các hồ dã chiến làm bằng bạt để chủ vườn bơm sâu vào trong vườn.

Nước ngọt được bơm trực tiếp từ sà lan vào các hồ bạt dã chiến. Ảnh: Mỹ Tiên

Nước ngọt được bơm trực tiếp từ sà lan vào các hồ bạt dã chiến. Ảnh: Mỹ Tiên

Chính quyền các xã Tam Bình, Ngũ Hiệp, Long Trung, Long Tiên phân công các Trưởng ấp đi thống kê các hộ và số lượng cây trồng, phân theo độ tuổi để tính toán khối lượng nước hỗ trợ cấp phát từ sà lan chuyên chở tới, nhân công sẽ dựng hồ bạt dã chiến để chứa.

Người dân sẽ được cấp phiếu lãnh nước để tránh việc tranh giành, nhưng cũng không thể đáp ứng đủ cho hết người dân, chủ yếu họ vẫn phải mua thêm nước ngọt với giá trung bình từ 250-300.000 đồng/m3

Từ đầu tháng 3 đến nay, người dân đã quen dần với hình ảnh các sà lan chở nước nối đuôi nhau vào ấp chỉ để bơm nước. Hầu hết các sà lan đều được vận động, thuê vào mục đích chở nước cho dân, tạm ngưng hết các nhiệm vụ đang làm như chở cát, hàng hoá khác.

Các sà lan ngày đêm hối hả chở nước đến vườn cây ăn trái. Ảnh: Mỹ Tiên

Các sà lan ngày đêm hối hả chở nước đến vườn cây ăn trái. Ảnh: Mỹ Tiên

Cứu vườn như cứu người

Gia đình ông Năm Cáng (xã Long Khánh) canh tác hơn 5 héc ta sầu riêng chia sẻ trong nước mắt: “Tình hình hạn mặn này làm cả nhà ông mất ngủ, phải mua nước từ thượng lưu sông Tiền bơm vào hồ bạt nhà làm với giá 22 triệu đồng/500 m3 để cầm cự qua ngày.

Mỗi sà lan mất khoảng 30 phút bơm vào cho đầy, bơm vào hồ lâu hơn mất một tiếng, thiệt hại cho mùa vụ này ước tính hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn phải ra sức mua thêm nước tưới để bảo vệ cây không chết khô, tuy nhiên đến hết tháng 3 mà không có mưa hoặc nước hết nhiễm mặn thì ông có nguy cơ phá sản”.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, hiện ĐBSCL có hơn 300.000ha trồng cây ăn trái, chiếm gần 40% diện tích trồng cây ăn trái của cả nước.

Hàng năm, khu vực này cung cấp cho thị trường khoảng 4 triệu tấn quả, nhưng hầu hết cũng phải đối mặt với thực trạng hạn hán và nhập mặn.

Thực tế ở ĐBSCL, tình trạng hạn mặn diễn ra thường niên ở các mức độ khác nhau. Nhiều năm qua, các báo cáo khoa học trong và ngoài nước đã cảnh báo tình trạng hạn mặn ở khu vực này nhưng không nhận được sự quan tâm thích đáng của chính quyền và người dân. Vì vậy khi hạn mặn xảy ra không có biện pháp hoá giải triệt để hoặc ngăn chặn nguy cơ xảy ra.

Năm nay, tình trạng xâm nhập mặn được đánh giá là nghiêm trọng, vượt mốc kỷ lục năm 2016. Các vườn cây ăn trái đặc sản, các vựa lúa khổng lồ làm nên thương hiệu trù phú của miền Tây Nam Bộ đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ từng ngày. Ngay cả nước sinh hoạt cũng dần eo hẹp thì nguồn nước tưới cây lại càng xa xỉ.

Các cơ quan liên tục đề ra nhiều giải pháp cứu người, cứu cả vườn trong mùa khô, nhưng người dân không thể thụ động ngồi chờ mà cần chung tay nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu để phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng khắc phục từng bước một cách khoa học.

Cùng với đó, chính quyền và nhân dân các tỉnh ĐBSCL cần chú trọng củng cố hệ thống đê bao chắc chắn để tránh nước mặn xâm nhập vào vườn. Dự trữ nước ngọt trong mương và trữ trong túi nilon dày và đặt dưới gốc cây trồng trong những tháng nước mặn.

Thực hiện các biện pháp chăm sóc cây khoa học để hạn chế và ngăn chặn sự ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn đối với cây trồng. Đầu tư nguồn kinh phí cho công tác chọn lọc, lai tạo những giống cây ăn quả hoặc gốc ghép (cây có múi, xoài, sầu riêng, nhãn, chôm chôm…) chịu được điều kiện bất lợi của môi trường như hạn, phèn, mặn, ngập...

Đọc thêm