Hiểm họa ô nhiễm từ lò đốt rác

(PLVN) - Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 38 ngàn tấn, khu vực nông thôn khoảng 32 ngàn tấn, chất thải rắn công nghiệp phát sinh 25 triệu tấn. Thế nhưng lượng rác thu hồi tại nội thành mới đạt 85%, ngoại thành khoảng 60%, nông thôn 40 - 55%.
Lò đốt rác cỡ nhở dễ tạo thành dioxin gây nguy hại cho môi trường và sức
khỏe con người
Lò đốt rác cỡ nhở dễ tạo thành dioxin gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người

Cả nước hiện có 904 bãi chôn lấp, trong đó 660 bãi chôn lấp quy mô lớn hơn 1 ha và chỉ 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh lại không đồng bộ về hệ thống thu gom khí phát sinh, nhiều trường hợp không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trong hệ thống xử lý nước rỉ rác.  

Hiện chôn lấp vẫn là biện pháp chủ yếu được áp dụng tại các đô thị lớn như TP HCM 70%, Hà Nội 90%. Mỗi năm có tới 17,5/25 triệu tấn rác thải rắn sinh hoạt được chôn lấp. Các bãi chôn lấp tại các TP luôn quá tải, nguy cơ gây ô nhiễm, thường gặp phải sự phản đối của người dân.  

Để khắc phục tình trạng hết quỹ đất dành cho chôn lấp rác thải, vài năm gần đây, tại nhiều tỉnh thành, thậm chí ở cấp huyện xã, đã ồ ạt mua lò đốt cỡ nhỏ để xử lý rác thải. Số liệu thống kê cho thấy, trong 381 lò, mỗi ngày có khoảng 8.000 tấn chất thải rắn được xử lý bằng phương pháp đốt.

Trong số đó chỉ có 294 lò có công suất trên 300kg/giờ, đáp ứng yêu cầu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 61:2016/BTNMT. Các lò đốt cỡ nhỏ hầu như không có hệ thống xử lý khí thải, hoặc hệ thống này không đạt yêu cầu, không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đặc biệt là dioxin/furan. 

Theo TS Trần Thế Loãn, nguyên Cục phó phụ trách Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường), nhiệt độ của lò đốt phải đạt trên 1.000 độ C, nhưng điều này thường không được chú ý, tuân thủ. Phải phân loại rác thải trước khi đốt. Một số loại rác chứa kim loại nặng như thủy ngân, chất dẻo có chứa clo làm từ PVC có khả năng sinh ra dioxin. 

Ngoài ra, dây chuyền lò đốt phải có sử dụng tháp chứa các chất như than hoạt tính để xử lý các chất độc hại có trong khí thải, trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, do hạn chế vốn đầu tư, các lò đốt cỡ nhỏ cùng lắm bố trí được khoang dập bụi, việc hạ nhiệt độ không kiểm soát được tốt, nguy cơ phát thải dioxin cao. 

Nguyên Tổng cục phó Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cũng cho rằng thay xử lý rác chôn lấp bằng xây dựng lò đốt rác là việc sai lầm, bởi hầu hết các lò đốt có công nghệ sơ sài.  

Theo kết quả khảo sát của Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường), nhiều lò đốt rác hiện chưa bảo đảm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Ví dụ không có hệ thống xử lý khí thải, nhiệt độ đốt thấp do không sử dụng nhiên liệu, thậm chí một số lò chỉ đốt một cấp. Có một số lò dù cho kết quả quan trắc đạt nhưng nhiều lò không có cửa lấy mẫu hoặc điểm lấy mẫu không phù hợp để thao tác. 

Trước những bất cập trong việc xử lý rác thải rắn, ông Nguyễn Thượng Hiền, Tổng cục phó Tổng cục Môi trường cho rằng: Có nhiều lò đốt không đáp ứng yêu cầu, không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, không phù hợp với mục tiêu xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung. Ông Hiền khuyến nghị: Các địa phương không đầu tư xây dựng các lò đốt rác cỡ nhỏ cấp thôn, xã, cần hướng đến việc xử lý rác liên xã, liên huyện.

Đọc thêm