Lâm Đồng: Phê duyệt hơn 48 tỷ đồng cho dự án đóng cửa bãi rác Cam Ly

(PLVN) - Ngày 21/9, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Dự án đóng cửa bãi rác Cam Ly phường 5, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường với tổng mức đầu tư dự án hơn 48 tỷ đồng. 

Bãi rác Cam Ly chỉ cách trung tâm Đà Lạt khoảng 3 km, được đưa vào sử dụng từ năm 1976 với diện tích khoảng 12 ha, xử lý rác theo phương pháp thủ công là chôn lấp và phun hóa chất. Do thời gian hoạt động quá lâu, bãi rác này đã quá tải, không chỉ gây ô nhiễm về môi trường và nguồn nước mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư sống chung quanh.

Năm 2015, bãi rác Cam Ly đã phải đóng cửa và chất thải rắn của TP Đà Lạt được chuyển tới Nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh tại xã Xuân Trường, cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 20km. Tuy nhiên đến năm 2017, Nhà máy xử lý chất thải rắn này đã không xử lý hết nên rác thải lại được chuyển về bãi Cam Ly, khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây càng thêm nghiêm trọng và khó kiểm soát.

Do Nhà máy xử lý chất thải rắn hoạt động kém hiệu quả, bãi rác Cam Ly buộc phải mở cửa trở lại, gồng mình tiếp nhận chôn lấp rác. Theo Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt, lượng rác thải phát sinh hằng ngày của TP Đà Lạt hiện nay đã tăng lên từ mức 200 tấn như trước thành 240 - 280 tấn/ngày. Sau khi giao 80 tấn cho Nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh, thì toàn bộ gần 200 tấn rác thải còn lại Công ty buộc phải đổ tại bãi rác Cam Ly. 

Lượng rác khổng lồ từ trên cao đổ ập xuống phía dưới, tạo thành "dòng suối" rác.

Lượng rác khổng lồ từ trên cao đổ ập xuống phía dưới, tạo thành "dòng suối" rác.

Trong những năm gần đây, bãi rác Cam Ly đã nhiều lần bị sạt lở khi trời mưa lớn, lượng rác khổng lồ từ trên cao ập xuống vùi lấp nhiều diện tích đất sản xuất của người dân. Cuối năm 2019, bãi rác này đã bốc cháy nhiều ngày, tạo ra những đám khói lớn bao phủ cả khu vực kèm theo mùi hôi rất khó chịu.

Ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết, bãi rác Cam Ly nằm trong khu vực ô nhiễm trọng điểm mà Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu tiến hành đóng cửa bãi rác. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã bố trí kinh phí và cũng đã xây dựng phương án để tiến hành đóng cửa bãi rác.

Đại diện Công ty Dịch vụ đô thị Đà Lạt khảo sát, kiểm tra hiện trường điểm sạt lở của bãi rác
 Đại diện Công ty Dịch vụ đô thị Đà Lạt khảo sát, kiểm tra hiện trường điểm sạt lở của bãi rác 
Trước thực trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của bãi rác, ngày 18/9/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định số 2033/ QĐ- UBND phê duyệt dự án đóng cửa bãi rác Cam Ly, để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt (được giao nhiệm vụ theo văn bản số 4671/UBND ngày 14/8/2020 của UBND TP Đà Lạt) với tổng kinh phí 48,054 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2022.

Cụ thể, dự án sẽ thực hiện hoàn nguyên bãi rác với diện tích san gạt khoảng 13ha, khối lượng đào 58.683m3, phủ ni lông lô B bề mặt 13,7ha (năm 2019 đã phủ ni lông lô A diện tích 1,5ha). Phủ lớp đất dày 50cm trên bề mặt 8,4ha sau đó tiến hành trồng cỏ bề mặt 15,3ha, đặt 40 lỗ thoát khí...

Ngoài ra, ở các hạng mục xây dựng, dự án sẽ tiến hành xây dựng kè chắn rác dài 1.450m, cao 1 - 3m, dày 0,2 - 0,8m, trạm xử lý nước rỉ rác (công suất 50m3/ngày đêm) kèm với đó là bể trữ nước rỉ rác 360m3. Xây nhà điều hành và chỗ ở của công nhân với diện tích 180m2, cổng hàng rào song sắt V, căng thép gai dài 2.444m...

San gạt, chôn lấp rác ở bãi rác Cam Ly Đà Lạt.

 San gạt, chôn lấp rác ở bãi rác Cam Ly Đà Lạt.

Trước đó, ngày 10/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã khảo sát thực tế tại bãi rác Cam Ly Đà Lạt và đề nghị: Trước mắt Lâm Đồng cần phải cô lập toàn bộ bãi rác này, đồng thời thực hiện các giải pháp quản lý, xử lý chặt chẽ để đảm bảo môi trường sống cho người dân trong khu vực và toàn TP. Về phương án lâu dài phải thực hiện quy trình xử lý rác trên địa bàn TP Đà Lạt theo hướng bền vững, đảm bảo các tiêu chí về quy mô, công suất và quy trình xử lý.

Đọc thêm