Lấy ý kiến cộng đồng về ý tưởng “Ở nhà ngày ô nhiễm”

(PLVN) - “Ở nhà ngày ô nhiễm” là hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ chiến dịch “Không khí sạch, Bầu trời xanh” do CHANGE thực hiện xuyên suốt năm 2019, với sự tài trợ của Tổng lãnh sự Đức tại TP HCM.
Nhiều người dân Việt Nam biết về ô nhiễm không khí nhưng vẫn không phòng bị khi đi ra đường. Ảnh minh họa
Nhiều người dân Việt Nam biết về ô nhiễm không khí nhưng vẫn không phòng bị khi đi ra đường. Ảnh minh họa

Với hình thức “social debate" – tranh luận trên mạng xã hội, chiến dịch mong muốn thúc đẩy những cuộc thảo luận mạnh mẽ trên mạng xã hội, hướng sự quan tâm của cộng đồng đến vấn đề bảo vệ sức khỏe cá nhân trong những ngày chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức báo động tím (201-300) – mức xấu: Nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, các nhóm khác nên hạn chế ra ngoài.

Trong những năm gần đây, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM đã tiến hành đo lường chỉ số PM2.5 và cung cấp dữ liệu cho công chúng. Chỉ số chất lượngkhông khí tại Hà Nội được ghi nhận có nồng độ tập trung của bụi bụi PM 2.5 là 47,9μg/m3.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số này là 42 μg/m3. Tất cả các chỉ số về chất lượng không khí này đều vượt quá mức khuyến cáo của WHO về chất lượng không khí, đôi khi cao gấp  4-5 lần, điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân nơi đây.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, sự quan tâm của cộng đồng với vấn đề ô nhiễm không khí (ONKK) và tầm nghiêm trọng của nó với sức khỏe vẫn chưa đúng mức. Do đó, tuy họ cảm nhận được sự thay đổi của không khí xung quanh theo chiều hướng xấu đi thông qua các giác quan thị giác, khướu giác, họ vẫn chọn cách “ra đường bất chấp” với trang bị bảo vệ sức khỏe thô sơ hoặc thậm chí không trang bị.

Trên thế giới, khi ONKK tăng cao, Thái Lan lần đầu tiên đã thông báo nghỉ học cho hơn 400 trường trong khu vực có nồng độ ONKK vượt ngưỡng nhằm đảm bảo sức khỏe của “thế hệ tương lai”. Cùng lúc, thủ đô Thái Lan - Bangkok cũng tiến hành các chiến dịch phun nước trong thành phố lẫn vùng lân cận nhằm giảm thiểu nồng độ bụi mịn quanh trường học và những tuyến đường chính.

Ấn Độ trong đợt ô nhiễm trầm trọng vào tháng 10 vừa rồi, ông Arvind Kejriwal - Thủ hiến Thành Phố New Delhi, nơi mệnh danh là “phòng hơi ngạt” đã thông báo đóng cửa toàn bộ trường học trong khu vực. Chính phủ còn đưa ra chính sách hạn chế cả phương tiện cá nhân trong thành phố và cung cấp khẩu trang miễn phí cho ai buộc phải ra đường.

Bà Nguyễn Thị Cát Tường, Quản lý dự án của Tổ chức CHANGE cho biết: “Chúng tôi nhận thấy dù phần lớn người dân đã ý thức được sự suy giảm của chất lượng không khí xung quanh, đa số vẫn khá chủ quan và chưa có biện pháp kịp thời và đúng đắn để bảo vệ sức khoẻ cá nhân trong mùa ô nhiễm không khí tăng cao. Chúng tôi cũng nhận thấy việc đưa ra cảnh báo từ chính quyền cho người dân khi chỉ số AQI tăng cao đóng vai trò rất quan trọng để người dân, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ và các trường học có biện pháp ứng phó kịp thời, vì trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất từ ONKK”.

Đọc thêm