Lên tiếng vì sự sống còn của muôn loài

(PLVN) -  3/3 hàng năm (ngày ký Công ước quốc tế về buôn bán các loài động - thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1973) trở thành Ngày quốc tế động - thực vật hoang dã của Liên hợp quốc để nâng cao nhận thức về các loài động - thực vật hoang dã trên thế giới.
Động - thực vật hoang dã trên thế giới và Việt Nam đều đang đối mặt với nhiều mối đe dọa
Động - thực vật hoang dã trên thế giới và Việt Nam đều đang đối mặt với nhiều mối đe dọa

Động - thực vật hoang dã trên thế giới và Việt Nam suy giảm nghiêm trọng

Năm nay, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Ngày quốc tế động - thực vật hoang dã nhấn mạnh thông điệp về vai trò của rừng, các loài hoang dã và các dịch vụ hệ sinh thái trong việc ổn định sinh kế cho hàng trăm triệu người trên trái đất, đặc biệt là các cộng đồng bản địa gắn kết với rừng và sinh sống gần rừng.

Động, thực vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên và có vai trò quan trọng với đời sống con người. 200 đến 350 triệu người trên thế giới sống trong hoặc quanh các khu rừng trên thế giới và phụ thuộc và các dịch vụ sinh thái mà rừng và các loài sinh vật đem lại, phục vụ cho nhu cầu sinh kế và các nhu cầu cơ bản như thức ăn, nơi trú ẩn, năng lượng và dược phẩm.

Hiện nay, động - thực vật hoang dã trên thế giới và Việt Nam đều đang đối mặt với nhiều mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, sự thu hẹp môi trường sống và nạn săn bắn, buôn bán trái phép. Theo Báo cáo Sức sống hành tinh 2020 của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, trong chưa đầy nửa thế kỷ, hai phần ba quần thể động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm.

Các loài thực vật cũng đối mặt với nguy cơ tương tự khi theo báo cáo mới công bố của Vườn thực vật Hoàng gia Kew, 2/5 tổng số các loài thực vật trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng.

Trong chưa đầy nửa thế kỷ, hai phần ba quần thể động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm (ảnh minh họa)
  Trong chưa đầy nửa thế kỷ, hai phần ba quần thể động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm (ảnh minh họa)

Nỗ lực không của riêng ai

Tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật cùng các tổ chức phi chính phủ đã có nhiều nỗ lực và biện pháp, hoạt động nhằm hạn chế tốc độ suy giảm và tuyệt chủng của các loài sinh vật. Đối với động - thực vật hoang dã, các công tác bảo tồn cũng được triển khai và thu được nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt trong việc bảo tồn rừng, mô hình bảo vệ rừng kết hợp tạo sinh kế cho cộng đồng đã được áp dụng tại nhiều địa phương. Kết quả là chất lượng rừng nhiều nơi đã được nâng cao, nhiều loài thực vật quý hiếm được phục hồi, mang lại hy vọng bảo tồn mới. Ngoài ra, đời sống người dân cũng được nâng cao, cải thiện diện mạo của nhiều địa phương.

Trong năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát triển các loài động vật, thực vật hoang dã có nguồn gen quý hiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội” với ngân sách hơn 28 tỷ đồng. Đề án này nhằm đánh giá hiện trạng các loài động, thực vật quý hiếm trên địa bàn cũng như nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo tồn động, thực vật quý hiếm. 

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông đã bảo tồn thành công hai loài thông quý hiếm là thông Pà Cò và thông Đỏ Bắc. Nếu như thông Pà Cò là cây gỗ có giá trị kinh tế cao, được ưa chuộng trong ngành xây dựng thì thông Đỏ Bắc là nguồn dược liệu quý hiếm, có giá trị cao trong việc đặc trị bệnh ung thư.

Trong quá khứ, động vật hoang dã thường bị coi là nguồn thức ăn, thuốc đông y hoặc các món đồ có tác dụng tâm linh, trừ tà. Khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã không mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, thậm chí còn có nguy cơ gây ra các đại dịch nguy hiểm như Ebola, HIV, SARS, và gần đây nhất là dịch bệnh Covid-19 cũng được cho là có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Chính vì vậy, thay vì hứng chịu bệnh tật hay lâm vào vòng lao lý, con người cần nhìn nhận động vật hoang dã là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái và bảo vệ động vật hoang dã cũng là bảo vệ cuộc sống của chính bản thân mình. 

Phim ngăn khuyến khích người dân nói không với động vật hoang dã

Cũng nhân dịp này, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ra mắt phim ngắn truyền thông mới nhất “Sự lựa chọn sáng suốt” để khuyến khích người dân sử dụng y học hiện đại để chữa bệnh thay vì sử dụng động vật hoang dã.

Phim bắt đầu với cảnh xe cấp cứu trên đường đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Đến ngã ba, xe cấp cứu đột nhiên dừng lại vì lái xe không biết nên đưa bệnh nhân tới bệnh viện nào: cơ sở chữa trị bằng động vật hoang dã hoặc bệnh viện hiện đại. Sau cuộc tranh cãi giữa bác sĩ, vợ bệnh nhân và thậm chí cả bệnh nhân đang trong tình trạng nguy cấp, cuối cùng họ đã chọn rẽ về bệnh viện hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Sau một năm đầy biến động do đại dịch Covid-19 – được cho là có nguồn gốc từ động vật hoang dã gây ra, qua phim này,  ENV kêu gọi cộng đồng hãy chấm dứt tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam. Sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã không chỉ tàn phá thiên nhiên hoang dã mà còn có những tác động cực kỳ nguy hiểm đến con người như những gì chúng ta đã chứng kiến trong năm 2020”.

Đọc thêm