Lũ lớn, công trình thủy lợi, thủy điện được vận hành thế nào?

(PLVN) -Trước tình hình phức tạp do mưa lớn, nhiều công trình thủy điện và hồ chứa nước thủy lợi ở miền Trung đồng loạt xả lũ. Vậy khi xảy ra lũ, ngập lụt, úng, việc vận hành công trình thủy lợi, thủy điện phải tuân theo quy định nào? Và quy trình tiêu thoát nước như thế nào mới đảm bảo an toàn?  
Hồ Kẻ Gỗ là hồ thủy lợi lớn nhất ở Hà Tĩnh.
Hồ Kẻ Gỗ là hồ thủy lợi lớn nhất ở Hà Tĩnh.

An toàn là nguyên tắc quan trọng nhất

Theo Nghị định số114/2018/NĐ-CP, đập là công trình được xây dựng để dâng nước hoặc cùng các công trình có liên quan tạo hồ chứa nước. Còn hồ chứa nước là công trình được hình thành bởi đập dâng nước và các công trình có liên quan để tích trữ nước, có nhiệm vụ chính là điều tiết dòng chảy, cắt, giảm lũ, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, phát điện và cải thiện môi trường; bao gồm hồ chứa thủy lợi và hồ chứa thủy điện.

Hiện nay hệ thống đập, hồ chứa nước được phân loại gồm: Đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt; Đập, hồ chứa nước lớn; Đập, hồ chứa nước vừa.

Đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt có chiều cao từ 100 m trở lên, Hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 1.000.000.000 m3 trở lên; Hồ chứa nước có dung tích từ 500.000.000 m3 đến dưới 1.000.000.000 m3 mà vùng hạ du đập là thành phố, thị xã, khu công nghiệp, công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Đập, hồ chứa nước lớn có chiều cao từ 15 m đến dưới 100 m; Đập có chiều cao từ 10 m đến dưới 15 m và chiều dài đập từ 500 m trở lên hoặc đập có chiều cao từ 10 m đến dưới 15 m và có lưu lượng tràn xả lũ thiết kế trên 2.000 m3/s;  Hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 3.000.000 m3 đến dưới 1.000.000.000 m3.

Đập, hồ chứa nước vừa có chiều cao từ 10 m đến dưới 15 m; Hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 500.000 m3 đến dưới 3.000.000 m3. Còn Đập, hồ chứa nước nhỏ là đập có chiều cao dưới 10 m hoặc hồ chứa nước có dung tích toàn bộ dưới 500.000 m3.

Nghị định số114/2018/NĐ-CP  quy định, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh có đập, hồ chứa nước trên địa bàn, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quyết định danh mục đập, hồ chứa thủy lợi lớn, vừa, nhỏ mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 2 tỉnh trở lên; Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định danh mục đập, hồ chứa thủy điện lớn, vừa, nhỏ được xây dựng trên địa bàn 2 tỉnh trở lên; UBND cấp tỉnh quyết định danh mục đập, hồ chứa nước trên địa bàn.

Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước là ưu tiên cao nhất trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước và là nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Vận hành như thế nào khi xảy ra lũ?

Liên quan đến việc việc vận hành công trình thủy lợi khi xảy ra lũ, ngập lụt, úng, tại Điều 26, Luật Thủy lợi 2017 xác định chủ quản lý công trình thủy lợi phải có trách nhiệm tổ chức lập phương án ứng phó với lũ, ngập lụt, úng xảy ra trên địa bàn.

Trong tình huống khi xảy ra lũ, ngập lụt, úng việc vận hành công trình thủy lợi được quy định như sau: Thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thủy lợi;  Khi xảy ra lũ, ngập lụt, úng việc vận hành phải bảo đảm an toàn cho công trình, đồng thời phải triển khai biện pháp ứng phó khác để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Việc vận hành đập, hồ chứa nước, bắt buộc tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước có trách nhiệm vận hành theo đúng quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Căn cứ tin dự báo khí tượng thủy văn, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, các thông tin liên quan để dự báo, vận hành hồ chứa theo diễn biến thực tế đáp ứng yêu cầu sử dụng nước và bảo đảm an toàn đập;

Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong hồ chứa nước, kết hợp với dự báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để tích trữ nước; cuối mùa mưa phải kiểm kê nguồn nước trong hồ chứa nước và hệ thống thủy lợi để lập phương án điều hòa, phân phối, sử dụng nước;  Khi xảy ra lũ, ngập lụt, úng việc vận hành hồ chứa, liên hồ chứa thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thủy lợi. Chủ quản lý đập, hồ chứa nước có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Liên quan đến kiểm tra đập, hồ chứa nước, Luật Thủy lợi 2017 quy định: Tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước phải kiểm tra thường xuyên, quan sát trực quan tại hiện trường để nắm bắt kịp thời hiện trạng đập, hồ chứa nước; Trước mùa mưa hằng năm, phải kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, xử lý kịp thời các hư hỏng để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; Ngay sau khi có mưa, lũ lớn trên lưu vực hoặc động đất mạnh tại khu vực công trình phải kiểm tra đánh giá hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước;

Trường hợp phát hiện đập, hồ chứa nước có hư hỏng đột xuất, phải báo cáo ngay cho chủ sở hữu, chủ quản lý đập, hồ chứa nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời phải thực hiện ngay biện pháp xử lý để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Đối với đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, lớn, Luật Thủy lợi cũng quy định việc báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước như: Mực nước cao nhất trong hồ chứa nước; dòng chảy lũ lớn nhất về hồ chứa nước, thời gian xuất hiện, lưu lượng đỉnh lũ, tổng lượng lũ; kết quả kiểm tra công trình trước, sau mùa mưa; các hư hỏng của công trình và công tác sửa chữa, khắc phục.  Thời gian gửi báo cáo định kỳ hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước, phải được thực hiện trước ngày 15 tháng 4 hằng năm đối với khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Miền Trung có bao nhiều đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt?
Theo các quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, hiện nay, tại khu vực miền Trung tính từ Thanh Hóa vào tới Quảng Nam, danh mục đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt được phê duyệt bao gồm: Đập, hồ chứa nước Cửa Đạt (Thanh Hóa); Bản Vẽ (Nghệ An), Ngàn Trươi (Hà Tĩnh); Đập, Tả Trạch và Hương Điền (Thừa Thiên Huế), Sông Tranh 2 và Sông Bung 4 (Quảng Nam).

Đọc thêm