Người miền Tây lo thiệt mùa lúa, hại mùa hoa do bão nguy hiểm đầu năm

Do ảnh hưởng của bão số 1, nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ mưa dai dẳng kéo dài, làm ảnh hưởng đến mùa màng, cây trồng của bà con.
Mưa bão kéo dài khiến lúa đổ gập gây khó khăn cho việc thu hoạch
Mưa bão kéo dài khiến lúa đổ gập gây khó khăn cho việc thu hoạch

Thấp thỏm lo

Do ảnh hưởng bão số 1, từ sáng sớm 2/1, tại các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, TP Cần Thơ… trời trở lạnh, mây u ám, mưa, gió quật mạnh khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. 

Mưa kéo dài đã khiến hàng ngàn hecta lúa ở Sóc Trăng bị gẫy gập gây khó khăn cho việc thu hoạch. Nhiều gia đình tranh thủ trời mưa nhỏ ra đồng thu hoạch mặc dù lúa vẫn chưa chín hẳn.

Vụ Đông Xuân, toàn tỉnh Sóc Trăng gieo trồng khoảng 132.000 ha lúa. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chỉ thu hoạch hơn 10.000 ha. Diện tích còn lại đang chuẩn bị vào giai đoạn thu hoạch. Người dân tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng càng bất an lo lắng hơn khi mưa lớn kéo dài sẽ khiến cho hành tím dễ bị thối củ, giảm năng suất không kịp phục vụ dịp Tết sắp tới. 

Tại Bạc Liêu, Cà Mau những hộ nuôi tôm đang “thấp thỏm” như ngồi trên “đống lửa” vì mưa lớn đúng vào đợt triều cường có nguy cơ làm nước tràn vào vuông tôm. Một số làng nghề làm khô, chuối ép ở Cà Mau cũng không kém phần bất an khi trời mưa không phơi được khô kịp bán Tết.

Không những thế, các nhà vườn ở các làng hoa danh tiếng của miền Tây như: làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (Cần Thơ) cũng không khỏi lo lắng. Mới đây chưa bao lâu họ còn phấn khởi vì thời tiết khá thuận lợi và tin tưởng rằng hoa kiểng năm nay sẽ tươi tốt bội thu. Ấy vậy mà, hiện tại mưa bão thất thường, trái vụ làm ảnh hưởng đến nhiều vườn hoa kiểng. 

Tại tỉnh Kiên Giang, 4 huyện ở vùng U Minh Thượng gồm: U Minh Thượng, An Biên, An Minh và Vĩnh Thuận có diện tích lúa đang vào kỳ thu hoạch với diện tích trên dưới 100.000ha. Các địa phương và ngành chức năng đang theo dõi sát, nhằm tránh để người dân bị thương lái lợi dụng tình hình mưa bão để ép giá lúa.

Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai thông báo cho các tỉnh ĐBSCL đề phòng tố lốc, các đối tượng bị ảnh hưởng (nhóm 1 cấy muộn, nhóm 2 đang nuôi trồng thủy sản trái vụ yêu cầu chú ý), với tinh thần đây là cơn bão nguy hiểm, cần có các giải pháp ứng xử phù hợp với tình hình. 

Hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển tìm nơi tránh, trú an toàn

Để chủ động ứng phó, các tỉnh ven biển như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đã ban hành lệnh cấm biển. Hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển tìm nơi tránh, trú an toàn. Đồng thời, cấm tàu thuyền ra khơi cho đến khi có thông báo thời tiết ổn định.

Tăng cường công tác hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển tìm nơi tránh, trú an toàn
Tăng cường công tác hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển tìm nơi tránh, trú an toàn

Ông Nguyễn Long Hoai - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT TKCN) tỉnh Cà Mau cho biết, hiện đã có hơn 2.500 tàu thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn, còn hơn 1.000 tàu thuyền đang ở ngoài biển đang được kêu gọi vào bờ. Theo thống kê, đến sáng ngày 2/1, tỉnh Bạc Liêu còn 310 tàu cá đang hoạt động trên biển, với hơn 2.200 ngư dân. Theo đó, Bạc Liêu cũng đã bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu khẩn trương di dời các lồng bè nuôi thủy hải sản trên biển, tuyệt đối không để dân ở lại các lồng bè, chòi canh thủy sản trên biển. Đại diện Cảng vụ hàng hải Kiên Giang, cho biết toàn bộ các chuyến tàu, phà vận chuyển hành khách ra vào đảo Phú Quốc đều phải tạm ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn. Trước tình hình trên, đại diện các công ty vận tải hành khách cho biết sẽ đổi vé cho khách sang ngày 3/1 (nếu tàu được phép hoạt động trở lại), còn nếu khách muốn trả vé thì công ty sẽ hoàn tiền 100%. 

Tại Bến Tre, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đã có công điện đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, chủ động sẵn sàng các phương án phòng tránh, ứng với với bão, đảm bảo an toàn tính mạnh và tài sản của người dân.

Công ty bay Dịch vụ hàng không (VASCO) cho biết do ảnh hưởng của bão số 1 dẫn đến thời tiết xấu tại Côn Đảo, để đảm bảo an toàn, VASCO dự kiến điều chỉnh kế hoạch khai thác trên các đường bay giữa TP Hồ Chí Minh - Côn Đảo, Cần Thơ - Côn Đảo. Cụ thể, không khai thác 1 chuyến bay Cần Thơ - Côn Đảo. 9 chuyến TP Hồ Chí Minh - Côn Đảo ngày 2/1 dự kiến chuyển khách sang các chuyến bay tăng chuyến vào ngày 3/1.

Đọc thêm