Nhức nhối nạn khai thác tài nguyên đất tại Thanh Thủy (Phú Thọ)

(PLVN) - Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) diễn ra tình trạng khai thác tài nguyên đất ồ ạt. Đáng bàn là nhiều lần cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, xong tài nguyên đất vẫn “chảy máu”…  bình thường!

Theo phản ánh của người dân xã Tân Phương (Thanh Thủy), từ nhiều năm nay, tình trạng khai thác tài nguyên đất, cao lanh diễn ra sôi nổi trên địa bàn. Thời gian đầu, việc khai thác cầm chừng, công tác về vệ sinh môi trường cũng được chú trọng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, hoạt động khai thác tài nguyên này ngày một mở rộng, phương tiện nhiều lên, thời gian khai thác dài thêm – từ sáng sớm, đến chiều muộn, ngày nào cũng nhộn nhịp.

Việc khai thác ồ ạt này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con nhân dân trong khu vực, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường. Với tần suất khai thác lớn, xe tải nườm nượp ra vào chở tài nguyên đi nhưng không được che chắn kỹ, làm bụi, bẩn rơi vãi dày đặc trên đường. Lúc nắng bụi mù mịt, lúc mưa lầy lội, thậm chí, cống rãnh thoát nước cũng bị bùn, đất vùi lấp – khiến con đường dân sinh bị ngập nước.

Khu khai thác của Công ty Cổ phần ATA Phú Thọ.
Khu khai thác của Công ty Cổ phần ATA Phú Thọ.

Hơn thế, mỗi ngày, diện tích khai thác lại được mở rộng mà khu vực khai thác không hề có mốc giới, biển bảng công trường. Đến nay, nhiều quả đồi, ngọn núi vốn phủ kín cây xanh của xã Tân Phương đã bị đào, xẻ nham nhở, sâu hoắm.

Nhiều lần người dân đã có kiến nghị đến chính quyền địa phương để có biện pháp quản lý, giữ gìn nguồn tài nguyên, môi trường hệ sinh thái chung. Tuy nhiên, người dân chỉ biết ngậm ngùi với phản hồi ngắn gọn có nội dung: "Diện tích đất đang được khai thác là của một doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép mỏ, với mục đích để khai thác tài nguyên khoáng sản".

Ghi nhận của phóng viên ở xã Tân Phương nhiều ngày cho thấy, hoạt động khai thác đất diễn ra rầm rộ, trải dài khắp các khu 6,7. Tại đây, những chiếc máy xúc công suất lớn thi nhau xẻ đồi, núi “ăn” đất, đổ lên những xe tải đến vài chục tấn nối đua nhau, dàn hàng chở đi tiêu thụ.

Nhiều lúc, đoàn xe chở này đã gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến việc di chuyển của bà con nhân dân. Mặc dù, hoạt động khai thác sôi động, dàn trải nhưng không có biển mốc, cảnh báo; những quả đồi được đào xôi đỗ, không có tầng, tuyến và bất kỳ sự kiểm tra, quản lý giám sát của đơn vị nào!? 

Theo nhiều người dân, đất khai thác được chở vào nhà máy gạch hoặc chở về cầu Trung Hà; có khi lại được đổ cho các dự án san lấp. Cụ thể, vào dự án, công trình nào, người dân không được biết.

Những ngọn núi bị xẻ, đào bới đất nham nhở, sâu hoắm..., phá vỡ cảnh quan sinh thái
Những ngọn núi bị xẻ, đào bới đất nham nhở, sâu hoắm..., phá vỡ cảnh quan sinh thái

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Dần, Chủ tịch UBND xã Tân Phương cho biết, xã có Công ty Cổ phần ATA Phú Thọ được Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ Hoàng Công Thủy cấp giấy phép khai thác khoáng sản (cao lanh) từ năm 2017.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác khoáng sản, Công ty đã khai thác đất và chở đi không đúng nơi quy định; thậm chí còn chở mang đi bán. Việc làm này của Công ty đã bị cơ quan chức năng của huyện Thanh Thủy kiểm tra, lập biên bản, xử lý.

“Trước đó, tôi nhớ cũng đơn vị này đã bị cơ quan chức năng Phú Thọ xử lý vi phạm hành chính về việc hoạt động khai thác đất trái phép”, ông Dần cho biết thêm. 

Về một số điểm khai thác đất cũng trên địa bàn xã Tân Phương mà phóng viên cung cấp thông tin hình ảnh, video, ông Dần khẳng định: Xã không nắm được và sẽ tiến hành kiểm tra ngay.

Ông Trần Dần, Chủ tịch UBND xã Tân Phương trao đổi với phóng viên.
 Ông Trần Dần, Chủ tịch UBND xã Tân Phương trao đổi với phóng viên.

Ghi nhận của phóng viên, không chỉ ở xã Tân Phương, tình trạng khai thác đất (sỏi ruồi – phóng viên) còn diễn ra quy mô lớn tại khu 8, đồi điện tử (xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy) gây bức xúc trong nhân dân.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ thông tin, theo quy định, trong quá trình khai thác khoáng sản cao lanh, đất bóc mặt phải được tập kết đúng trong khu vực đổ thải cho phép của mỏ khai thác. Khi hết hạn khai thác mỏ khoáng sản, đơn vị khai thác phải hoàn nguyên diện tích đã được cấp mỏ.

Đối với việc khai thác khoáng sản tại khu 6, xã Tân Phương, đơn vị đã lấy đất thuộc phạm vi mỏ mang đi bán hoặc san lấp là hoàn toàn trái quy định của Luật tài nguyên môi trường. Do đó, chính quyền địa phương, cơ quan liên quan cần làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ngày 14/5, để có thông tin về vai trò quản lý tài nguyên khoáng sản ở cấp chính quyền địa phương nói chung và hoạt động khai thác đất, cao lanh tại xã Tân Phương nói riêng, phóng viên đã liên hệ với UBND huyện Thanh Thủy.

Tuy nhiên, lãnh đạo huyện cho biết, đang bận họp và đồng chí Chánh Văn phòng huyện Thanh Thủy đã tiếp nhận nội dung trao đổi thông tin, khẳng định: “Báo cáo lãnh đạo huyện và phản hồi sớm đến phóng viên”.

Vậy nhưng gần 1 tháng trôi qua, cả lãnh đạo huyện Thanh Thủy và Chánh Văn phòng huyện Thanh Thủy đều “quên” không hề phản hồi thông tin cho phóng viên. 

Vấn đề đặt ra, mỗi ngày hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Thanh Thủy một nóng, tài nguyên khoáng sản bị “chảy máu”, thất thu ngân sách. Do đó, việc chấp hành quy định pháp luật liên quan đến khai thác khoáng sản trên địa bàn, vai trò quản lý của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, cũng như việc công khai minh bạch thông tin cần được kiểm tra, làm rõ!